Mưa lũ kéo dài từ đầu tháng 12 đến nay khiến hàng loạt tuyến đê bao ven sông tại khu vực Bắc miền Trung sạt lở, nguy cơ vỡ toang. Nghiêm trọng nhất là bờ sông Nhùng qua thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị tiếp tục sạt lở sau vụ sụt lún bất thường hồi tháng 11-2014 với quy mô rộng lớn nhất từ trước đến nay. Mùa bão lũ năm 2014 mới bắt đầu nhưng đang diễn biến rất phức tạp...
Đến sáng 4-12, lũ sông Bồ bắt đầu rút nhưng nhiều vùng thấp trũng, dọc con sông này thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn ngập sâu, nhiều tuyến đường liên xã, tỉnh lộ 4b ngập cục bộ từ 0,3 - 0,4m nước khiến việc đi lại của người dân khó khăn.
Người dân dùng bao tải chèn cát để gia cố tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ bị sạt lở có nguy cơ vỡ toang.
Đặc biệt, tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ dài 3,8km, có nhiệm vụ ngăn lũ sông Bồ tràn về vùng hạ lưu, ổn định cuộc sống cho hơn 3.000 hộ dân các xã Quảng Thọ, Quảng Phước và Quảng An của huyện Quảng Điền đứng trước nguy cơ vỡ toang.
Ông Nguyễn Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền cho biết, mưa lớn trên diện rộng nhưng ngày qua cộng thủy điện Hương Điền ở thượng nguồn sông Bồ điều tiết lũ đã đe dọa tuyến đê Nho Lâm - Nghĩa Lộ có nguy cơ vỡ toang. Trong đó, khoảng 600m đê nối xã Quảng Phú và Quảng Thọ đã bị nước lũ tràn qua mặt đê gây sạt lở lớn. Trước mắt, chính quyền 2 xã Quảng Phú, Quảng Thọ huy động hơn 100 dân quân cùng người dân dùng bao tải chèn cát đắp đê chặn lũ ở các điểm xung yếu.
Bên cạnh đó, mưa lũ những ngày qua tiếp tục gây sạt lở bờ sông Nhùng đoạn qua thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị. Cụ thể, tuyến đường liên thôn Xuân Lâm nối về trung tâm xã Hải Lâm đã bị đứt đoạn với chiều dài khoảng 80m đường sạt lở, có điểm ăn sâu vào đất liền gần 20m. Khoảng 10.000m³ đất đá trên mặt đường và nhiều khóm tre và cây lớn ở gần bờ sông bị trốc gốc trôi xa cả chục mét… Mặt đất dọc bờ xuất hiện nhiều vết nứt hở lớn kéo tận vào vườn, sân nhà của các hộ dân trong khi phía dưới sát vỉa sông đang hình thành các hố hoắm sâu hình hàm ếch nguy cơ sụt lún trên diện rộng bất cứ lúc nào.
Bờ sông Nhùng tiếp tục sạt lở.
Ông Hoàng Hoa Thám, quyền Chủ tịch UBND xã Hải Lâm cho biết, sau khi kiểm tra, lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị đã quyết định di dời khẩn cấp 6 hộ dân ở sát bờ sông, nhiều hộ dân khác gần đó cũng được cảnh báo nguy hiểm bởi dự báo bờ sông này sẽ còn tiếp tục sạt lở.
Theo ghi nhận, từ nhiều nguồn kinh phí khác nhau, các tỉnh Bắc miền Trung từ Nghệ An đến Thừa Thiên - Huế đã và đang đầu tư hàng hàng tỷ đồng thực hiện các dự án xây kè chống sạt lở bờ sông, di dân vùng sạt lở. Nhưng những đợt khảo sát mới đây của Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão các tỉnh này cho thấy, vẫn còn hàng ngàn kilômét với vô số điểm sạt lở nặng dọc bờ sông Gianh (Quảng Bình); Thạch Hãn, Bến Hải, Nhùng, Ô Lâu, Thác Ma (Quảng Trị) sông Bồ, sông Hương, Ô Lâu (Thừa Thiên - Huế).
Ông Nguyễn Văn Bài, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện địa phương có hơn 2.300 hộ dân ở vùng sạt lở, trong đó có gần 600 hộ cần di dời khẩn cấp hoặc phải có phương án xây kè bảo vệ. Song nguồn vốn có hạn nên địa phương không thể triển khai cùng một lúc mà ưu tiên di dời dân hoặc xây kè bảo vệ khu dân cư vùng nguy hiểm khẩn cấp.
Riêng tại Thừa Thiên - Huế hiện tại có 30km bờ biển và 84 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài khoảng 76km trên địa bàn bị sạt lở nặng, uy hiếp tính mạng và tài sản hàng vạn người dân. Địa phương đã đầu tư tái định cư cho trên 1.000 hộ dân vùng nguy hiểm ven sông, ven biển, số còn lại tỉnh vẫn đang phải chờ Trung ương hỗ trợ nguồn kinh phí di dời.
Văn Thắng