Mưa lũ lớn vì áp thấp nhiệt đới

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, ngày 27-6, hoàn lưu của vùng áp thấp (suy yếu từ một áp thấp nhiệt đới xuất hiện ngày 24-6) ở ngoài khơi Nam Trung bộ vẫn tiếp tục gây mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông mạnh trên diện rộng cho khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ.
Mưa lũ lớn vì áp thấp nhiệt đới

(SGGP).- Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, ngày 27-6, hoàn lưu của vùng áp thấp (suy yếu từ một áp thấp nhiệt đới xuất hiện ngày 24-6) ở ngoài khơi Nam Trung bộ vẫn tiếp tục gây mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông mạnh trên diện rộng cho khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận, các tỉnh Tây Nguyên và Nam bộ.

Dự báo trên các sông từ Quảng Nam đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện một đợt lũ. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập úng cục bộ tại các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên.

Trong khi đó, áp thấp nhiệt đới mới vừa hình thành ở miền Trung Philippines đã đi vào biển Đông. Chiều 27-6, tọa độ của áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,1 độ vĩ Bắc và 118 độ kinh Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 630km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 - 50km/giờ), giật cấp 7 - 8.

Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 450km về phía Đông Bắc. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển phía Đông Bắc biển Đông có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7 - 9, biển động. Khu vực giữa và Nam biển Đông (bao gồm cả quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Thuận - Cà Mau, Cà Mau - Kiên Giang và vịnh Thái Lan vẫn tiếp tục có mưa dông, gió giật mạnh, có lúc cấp 7 - 9, sóng biển cao từ 2,5 - 3,5m.

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, hiện các vùng biển từ Nam Trung bộ trở vào Tây Nam bộ và giữa biển Đông đang có thời tiết rất xấu, gây nguy hiểm cho tàu thuyền qua lại. Áp thấp nhiệt đới cũng làm gió mùa Tây Nam mạnh lên, gây mưa trên diện rộng cho Tây Nguyên và Nam bộ.

Trước nguy cơ mưa lũ lớn, ngày 27-6, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn đã có công điện gửi các tỉnh, thành phố ven biển từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Cà Mau và các tỉnh ở Tây Nguyên yêu cầu tổ chức kiểm đếm tàu thuyền đang hoạt động trên biển, thông báo cho chủ các phương tiện biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của áp thấp nhiệt đới để phòng tránh. Riêng khu vực từ Đà Nẵng đến Bình Thuận và Tây Nguyên cần cảnh báo kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân về tình hình mưa lũ để chuẩn bị sẵn sàng phương án sơ tán dân tại các vùng trũng thấp, ven sông suối có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và các địa phương, đến ngày 27-6 đã có 82.104 tàu với 379.639 lao động được thông báo về tình hình của vùng áp thấp ngay gần ven biển miền Trung và vùng áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Đông biển Đông.

Báo cáo từ Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết, do thời tiết xấu, có mưa vừa đến mưa to nên một chiếc xuồng bị chìm trên hồ Đại Ninh (Lâm Đồng) làm 3 người bị mất tích (Báo SGGP đã đưa tin). Hiện do thời tiết vẫn xấu, phạm vi xảy ra tai nạn quá rộng (không xác định được vị trí chìm) nên các lực lượng cứu hộ vẫn chưa tiếp cận được.

Khoảng 14 giờ 20 ngày 27-6, cơn mưa cùng gió lốc khiến cây bị ngã đổ tại nhiều tuyến đường ở TPHCM, gây kẹt xe nghiêm trọng. Tại khu vực đường Trường Chinh, hướng từ ngã tư An Sương về công viên Hoàng Văn Thụ, cơn mưa đã làm 1 cây xanh bật gốc ngã ra đường, đè một người chạy xe ba gác bất tỉnh. Người dân cắt cành, cưa cây để mặt đường thông thoáng. Ngay sau đó, cảnh sát giao thông cũng có mặt để xử lý hiện trường. Tại quận 1, mưa và gió mạnh đã làm gãy nhánh cây xanh trên đường Lê Duẩn khiến một người phụ nữ đang chạy xe máy bị cành cây đè bị thương và được đưa đi cấp cứu ngay sau đó. Tại hiện trường, một nhánh cây lớn gãy kéo đổ khung đèn Led và khung hoa sen trang trí. Cành cây và nhánh cây nằm chắn ngang đường. Một xe máy bị cành cây đè lên hư hỏng nằm vùi trong đống cành lá. Cơ quan chức năng quận 1 đã có mặt để xử lý hiện trường. Nhân viên công ty cây xanh cũng được điều đến để cắt tỉa cây, dọn dẹp. Vụ việc khiến đường Lê Duẩn tạm thời bị phong tỏa. Tại đường kênh Tân Hóa - Lò Gốm, nhiều cây xanh ngã nghiêng ra đường. Gió cũng làm hai cây bằng lăng trên đường Lý Thái Tổ, quận 10 ngã đổ khiến người đi đường một phen hú vía.

Chiều 27-6, ông Nguyễn Hoàng Giang, Bí thư Huyện ủy Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, cho biết đang chỉ đạo các lực lượng địa phương lên phương án di chuyển người và tài sản ở những vùng bị ngập lụt đến nơi an toàn.

Do mưa lớn kéo dài, nhiều tuyến đường liên xã thuộc huyện Ea Súp bị ngập sâu trong nước. Hàng chục chuyến xe khách và xe tải phải nằm án binh bất động. Tại địa bàn xã Cư M’lan và Ea Rốk, mưa lớn làm nước ở thượng nguồn đổ về nhanh khiến nhiều tuyến đường liên xã bị chia cắt cục bộ. Có đoạn đường bị ngập cả mét, người dân phải sử dụng máy cày để vận chuyển người và phương tiện sang bên kia đường mới di chuyển được (ảnh). Theo Trung tâm Khí tượng - thủy văn Đắk Lắk, mưa nhiều ngày qua đã làm ngập cục bộ, chia cắt đường giao thông ở các xã thuộc huyện Ea Súp và huyện Krông Bông. Thời gian tới, ở một số vùng đầu nguồn có thể xảy ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất.

VĂN PHÚC - QUỐC HÙNG - CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục