Mưa lũ sau bão số 3 làm 13 người chết và mất tích

Quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Lai Châu bị đứt gãy nền
Mưa lũ sau bão số 3 làm 13 người chết và mất tích

>> Bão số 3 suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi vào Hà Nội
>> Tập trung ứng phó bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc

Bão số 3 nhanh chóng suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhưng tính đến ngày 21-8 đã làm ít nhất 13 người chết và mất tích…

Dọn dẹp đổ nát sau bão lũ

Mưa lũ kéo dài hơn 2 ngày liền trên địa bàn tỉnh Sơn La. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Sơn La đã chỉ đạo sơ tán 42 hộ dân ở khu vực sạt lở huyện Mộc Châu về nơi an toàn trong khi 68 hộ dân đã bị ngập nước, bùn đất tràn vào nhà. Mưa lũ khiến hệ thống công trình thủy lợi, thoát nước và đường giao thông ở Sơn La bị tàn phá, hư hỏng nặng nề.

Ngày 21-8, mực nước sông Thao tại tỉnh Yên Bái đã bắt đầu xuống. Chính quyền và người dân khẩn trương khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống và khôi phục sản xuất. Chỉ riêng tại TP Yên Bái, hơn 900 hộ dân ở các phường Hồng Hà, phường Nguyễn Thái Học, xã Tuy Lộc, phường Nam Cường… bị ngập nước, tốn nhiều công sức dọn dẹp nhà cửa, xử lý môi trường xung quanh. Không chỉ riêng TP Yên Bái mà các huyện như Trạm Tấu, Văn Yên, Mù Cang Chải… cũng bị thiệt hại nặng do mưa lũ. Ban Công binh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Yên Bái đã huy động lực lượng và phương tiện là máy bơm công suất lớn, các dụng cụ cầm tay vệ sinh môi trường, giúp bà con thu dọn nhà cửa ổn định cuộc sống...

Chợ Quy Môn (thành phố Yên Bái) chìm trong nước lũ

Theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đã có 14 ngôi nhà bị sập đổ, lũ cuốn trôi 2 nhà, 971 ngôi nhà bị ngập nước, 41 nhà bị tốc mái, 76 ngôi nhà bị hư hỏng do sạt lở ta luy, 1.511 hộ phải sơ tán trong mưa lũ. Hệ thống giao thông qua Yên Bái bị tê liệt từ ngày 20 đến sáng 21 nhưng chiều 21-8, quốc lộ 32 qua đèo Khau Phạ đã khắc phục xong sạt lở, tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai qua địa bàn tỉnh Yên Bái cũng vận hành trở lại, các điểm ách tắc trên tỉnh lộ Yên Bái - Khe Sang được khôi phục. Ước tính sơ bộ thiệt hại của tỉnh Yên Bái vào khoảng 100 tỷ đồng.

Quá nhiều thương vong

Theo số liệu của Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn, thống kê chưa đầy đủ từ các địa phương đến ngày 21-8 đã có 13 người chết vì mưa lũ do ảnh hưởng của mưa bão số 3 (Dianmu).

Còn theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ đã làm sập đổ, cuốn trôi và ngập hơn 2.000 ngôi nhà, hơn 21.500 gia đình phải di dời khẩn cấp. Từ ngày 20 đến ngày 21-8, nước lũ từ sông Hồng dâng cao, tràn về hạ lưu và đổ vào các sông nhánh như sông Đáy, sông Tích Giang, sông Đuống… Đến chiều 21-8, nhiều nơi nằm dọc sông Đáy và sông Tích thuộc địa bàn thủ đô Hà Nội cũng bị ngập lụt. Thiệt hại nặng nhất là nông nghiệp tại các tỉnh đồng bằng sông Hồng với hơn 10.000 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng, trong đó Hà Nội có 3.064 ha, Vĩnh Phúc có 2.560 ha lúa và 138 ha hoa màu bị ngập... Hiện các địa phương đang tập trung bơm tiêu úng, cứu lúa. Hà Nội đã vận hành 204 trạm bơm với 949 máy bơm tiêu các loại trong ngày 21-8 để cứu lúa.

Thành phố Yên Bái bị ngập lụt sau cơn mưa lũ

Sau đợt mưa lớn kéo dài đã có 47/115 hồ chứa nước ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ tích đầy nước buộc phải xả tràn. Sáng 21-8, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã yêu cầu Giám đốc Công ty thủy điện Hòa Bình triển khai hạ thấp mực nước hồ thủy điện Hòa Bình theo quy định.

Nam bộ có mưa to

Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn Trung ương cho biết, hiện nay thời tiết ở đồng bằng Bắc bộ đã tốt dần lên nhưng ở miền núi phía Bắc vẫn có mưa lớn, nước sông Thao đang xuống song nguy cơ xảy ra ngập úng ở vùng trũng thấp và sạt lở đất tại các tỉnh Yên Bái (đặc biệt là thành phố Yên Bái), Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Vĩnh Phúc… vẫn ở mức cao.

Tại Nam bộ, từ ngày 22 đến ngày 30-8 mây thay đổi đến nhiều mây, chiều tối và đêm có mưa rào và dông rải rác. Riêng khoảng thời gian từ ngày 22 đến ngày 25-8 và sau đó từ ngày 28 đến ngày 31-8, Nam bộ sẽ có mưa vừa, có nơi mưa to và dông. Gió Tây Nam mạnh trở lại cấp 3. Cảnh giác với tố, lốc xoáy và gió giật mạnh trong cơn dông.

PHÚC HẬU


Quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Lai Châu bị đứt gãy nền

(SGGP).- Ngày 21-8, Sở GTVT tỉnh Lào Cai đã có công văn gửi các đơn vị quản lý đường bộ và trạm thu phí về việc hướng dẫn phân luồng giao thông đi vào quốc lộ (QL) 4D đối với xe tải từ 3 trục trở lên do đang xảy ra hiện tượng đứt gãy nền, mặt đường tại khu vực KM 101+150, thuộc địa phận huyện Sa Pa (Lào Cai). Theo đó, từ trưa 21-8, các xe tải từ 3 trục trở lên đã bị cấm đi vào QL 4D từ TP Lào Cai đi Sa Pa và Lai Châu và ngược lại.

Theo Sở GTVT tỉnh Lào Cai, ngày 21-8, vết nứt do mưa lũ lớn những ngày vừa qua đã có dấu hiệu mở rộng, độ sâu lên tới 1m, báo động nguy cơ sạt trượt bất cứ lúc nào. Để đảm bảo cho xe cộ không ùn tắc, các xe tải từ Lào Cai đi Lai Châu sẽ được điều hướng đi trở lại QL 279 để sang QL 32 vòng về TP Lai Châu. Sở GTVT tỉnh Lào Cai đã đề nghị Công ty TNHH MTV vận hành và bảo trì đường cao tốc Việt Nam (VEC O&M) và Sở GTVT tỉnh Lai Châu có biển báo hướng dẫn phân luồng từ xa đối với xe tải không cho đi vào khu vực QL 4D thuộc huyện Sa Pa.

Còn theo UBND tỉnh Lào Cai, hiện QL 4D đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng, liên tục bị sạt lở. Hiện thống kê được có hơn 200 hộ dân nằm dọc QL 4D có nguy cơ gặp nguy hiểm, cần di dời gấp. Cách đây 1 tuần, cũng trên QL 4D đoạn qua bản Sùng Chô, xã Nậm Loỏng, TP Lai Châu, tỉnh Lai Châu đã xuất một hố sụt lún lớn, đe dọa nghiêm trọng các xe cộ và người dân qua lại.

VĂN PHÚC

Nghệ An: Một cháu bé bị lũ cuốn trôi

Chiều 21-8, Văn phòng Ban Chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Nghệ An cho biết, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn một số huyện miền núi tỉnh này có mưa to gây lũ lớn. Có một cháu bé bị nước lũ cuốn trôi.

Đó là cháu Nguyễn Đức Sơn (10 tuổi, ở xóm 3, xã Tân Sơn, huyện Tân Kỳ), bị nước lũ cuốn trôi vào chiều 20-8. Tại huyện miền núi Kỳ Sơn, do mưa to, lũ dâng nên đã phải đưa 250 người dân từ các vùng có nguy cơ bị sạt núi, lũ quét, nhà ngập đến nơi an toàn. Có 6 nhà dân tại huyện này bị nước cuốn trôi, 16 nhà bị ngập, 1 nhà bị sạt lở phải di dời, 150 máy phát điện nhỏ bị cuốn trôi,… Tuyến đường từ Thị trấn Mường Xén đi Mường Típ, xã Hữu Lập đi Bảo Nam, Na Loi đi Keng Đu,… bị sạt lở, ngập nước gây chia cắt cục bộ. Chiều 21-8, ông Lô Văn Liệu, Chủ tịch UBND xã Mỹ Lý (huyện Kỳ Sơn) cho biết, hiện nước đang rút xuống nhanh. Bà con đang dần ổn định lại cuộc sống. Đặc biệt là người dân tại 2 bản Cha Nga và Xốp Dương bị ngập sâu trước đó đang trở về nhà.

DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục