Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp

Trong đêm 31-10, lũ tại một số vùng thuộc Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị bắt đầu xuống chậm, nhưng đến sáng 1-11, lũ lại dâng cao khiến hàng vạn nhà dân bị ngập chìm trong nước, nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn. Do phải gánh chịu 2 đợt lũ liên tiếp, người dân các tỉnh miền Trung đang đuối sức vì chạy lũ, thiệt hại về tài sản tiếp tục tăng cao.
Mưa lũ tiếp tục diễn biến phức tạp

Trong đêm 31-10, lũ tại một số vùng thuộc Quảng Bình, Hà Tĩnh, Quảng Trị bắt đầu xuống chậm, nhưng đến sáng 1-11, lũ lại dâng cao khiến hàng vạn nhà dân bị ngập chìm trong nước, nhiều nơi bị cô lập hoàn toàn. Do phải gánh chịu 2 đợt lũ liên tiếp, người dân các tỉnh miền Trung đang đuối sức vì chạy lũ, thiệt hại về tài sản tiếp tục tăng cao.

Quảng Trị: Lũ nhấn chìm hơn 2.100 nhà dân

Sáng 1-11, nước lớn từ thượng nguồn đổ về, làm ngập trên 2.100 nhà dân tại huyện Cam Lộ. Nhiều nhà dân, nước ngập gần 2m, đường liên thôn, liên xã bị chia cắt, nhiều vùng bị cô lập hoàn toàn.

Theo ông Ngô Quang Chiến, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ, tình hình lũ lụt đang diễn biến rất phức tạp, hiện tại cả hệ thống chính trị đang tập trung ứng phó với mưa lũ, ưu tiên sơ tán người dân đến nơi an toàn.

Theo ghi nhận của PV SGGP, đến chiều 1-11, lũ tiếp tục dâng cao, chảy xiết và tiếp tục tràn về phía TP Đông Hà khiến cho hàng trăm nhà dân ở đây bị ngập từ 0,5 đến 0,7m. 

Nước lũ cuốn trôi 1 người dân tại thôn Vĩnh An, xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ. Hiện tại lực lượng cứu hộ và chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục tìm kiếm người mất tích.

Mưa lớn gây sạt lở nghiêm trọng ở miền núi Quảng Nam

Ngày 1-11, trên địa bàn huyện miền núi Nam Trà My xảy ra mưa rất lớn khiến tình trạng sạt lở đất đá xảy ra nhiều nơi gây ách tắc giao thông nghiêm trọng.

Tại quốc lộ 40B đoạn từ xã Trà Dơn lên trung tâm hành chính Tắc Pỏ xảy ra 6 điểm sạt lở với khối lượng đất đá hơn 1.000m3. Đất đá đổ xuống bất ngờ khiến cho nhiều phương tiện vận tải hàng hóa, hành khách mắc kẹt nhiều giờ liền tại khu vực thác Năm Tầng. Đáng chú ý là tình trạng sạt lở đất cũng phá hủy hơn 10m đường ống dẫn nước 200mm thuộc công trình cấp nước sạch cho trung tâm huyện Nam Trà My nên xảy ra tình trạng mất nước sinh hoạt cho hàng trăm hộ dân.

Ngay trong chiều cùng ngày, huyện Nam Trà My đã phối hợp với Ban Quản lý quốc lộ 40B huy động các phương tiện tại chỗ tiến hành san ủi khối lượng đất đá đoạn từ xã Trà Dơn đến trung tâm huyện. Dự kiến đến khoảng 10 giờ 2-11 sẽ thông tuyến một phần các điểm sạt lở cho người dân và phương tiện qua lại.

Quảng Bình: 1 người bị lũ cuốn khi đi nhận hàng cứu trợ

Ngày 1-11, ông Hoàng Văn Đồng, Chủ tịch UBND xã Quảng Hòa (Ba Đồn, Quảng Bình) cho biết đội cứu hộ của xã đã tìm thấy thi thể cụ Dư Văn Thử bị lũ cuốn khi đi nhận hàng cứu trợ về.

Theo nhiều người dân, cụ Thử có danh sách nhận hàng cứu trợ của một đoàn thiện nguyện và lên hội trường thôn bằng xe đạp để nhận. Khi trở về, trời mưa to, lũ lên nhanh, cụ Thử không may bị nước cuốn. Địa phương tìm ra cụ Thử cạnh hàng rào gần nhà với túi hàng đang vướng vào tay. Ngoài ra một nạn nhân khác ở xã Quảng Phú (Quảng Trạch) đã tử vong khi ra cứu tàu nên bị ngã, chấn thương sọ não.

Chợ Cảnh Hóa, Quảng Trạch bị chìm sâu trong nước. Ảnh: Minh Phong

Cùng ngày, BCH Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Quảng Bình cho biết, trong đợt lũ này có 8 huyện, thị, thành phố bị ngập, hơn 50.000 nhà dân bị lũ nhấn chìm sâu từ 1 - 3m. Nặng nhất là các huyện dọc lưu vực sông Gianh như Tuyên Hóa, Quảng Trạch, Ba Đồn, Bố Trạch. Có 3 tàu cá bị chìm do lũ cuốn trôi ra biển. Mưa lũ khiến quốc lộ 12 cùng nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã bị ngập, xói lở và cuốn trôi tại nhiều đoạn...

Ngay trong ngày 1-11, các lực lượng quân đội, công an, biên phòng cùng cán bộ địa phương đã có mặt tại các vùng lũ ven sông Gianh để cứu dân, giúp di dời người già, trẻ em, phụ nữ đến nơi an toàn.

Hà Tĩnh: 29 xã, phường bị ngập lụt

Từ sáng đến chiều tối 1-11, trên địa bàn Hà Tĩnh mưa to tiếp tục xảy ra, kết hợp nước từ Nhà máy Thủy điện Hố Hô xả liên tục đã khiến cho 3.286 hộ dân của 29 xã, phường ở tỉnh Hà Tĩnh bị ngập lụt.

Ông Nguyễn Hồng Quân, Bí thư Đảng ủy xã Phương Mỹ (huyện Hương Khê) cho biết, toàn xã đã bị chia cắt cô lập hoàn toàn với bên ngoài, 160/639 hộ dân bị ngập, trong đó hoảng 20 nhà dân đã bị ngập từ 1,5 - 2m, còn lại ngập trên dưới 1m.

Người dân xã Phương Mỹ, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh phải trú trên gác mái nhà để tránh mưa lũ Ảnh: DƯƠNG QUANG

Sáng cùng ngày, ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã trực tiếp đi kiểm, giám sát quy trình xả lũ tại Nhà máy Thủy điện Hố Hô. Qua kiểm tra nhật ký quy trình xả lũ cho thấy, nhà máy đã tăng lưu lượng xả từ 300m3/giây lên 450m3/giây vào 1 giờ sáng 1-11 và sau đó xả trên 1.000m3/giây… Ông Lê Đình Sơn phê bình lãnh đạo Nhà máy Thủy điện Hố Hô không tuân thủ ý kiến chỉ đạo của tỉnh về việc không được nâng mức xả tràn. Đồng thời, yêu cầu đơn vị đặc biệt quan tâm việc điều tiết xả lũ gắn với cảnh báo ngập lụt vùng hạ du vì Thủy điện Hố Hô chưa có bản đồ ngập lụt, còi báo động. Nhà máy Thủy điện Hố Hô cần chủ động kết hợp với các địa phương xây dựng kịch bản trong việc xả tràn để thông báo vùng ngập lụt cho người dân chủ động ứng phó…

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục