Mùa mưa, đường giao thông ngoại thành... “ngộp thở”

Mùa mưa, đường giao thông ngoại thành... “ngộp thở”

Ở các quận huyện ngoại thành TPHCM, những cánh đồng, bãi đất hai bên đường giao thông từ nhiều năm nay vốn là nơi thoát nước tự nhiên cho nhiều tuyến đường ở đây. Thế nhưng, hiện nay lối thoát nước ấy đã bị nhiều công trình xây dựng bít mất. Mặt đường không còn chỗ thoát nước đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng.

Mùa mưa, đường giao thông ngoại thành... “ngộp thở” ảnh 1

Xa lộ Hà Nội, phần đường dành cho xe 2 bánh ngày càng bị thu hẹp vì sự tàn phá của nước ngập.

Nhiều phần đường dành cho xe 2 bánh của Xa lộ Hà Nội - một trong những tuyến đường huyết mạch của thành phố, đoạn đi qua địa phận quận 2, quận 9 đã bị nước ngập tàn phá nham nhở. Theo người dân địa phương, trước kia không có hiện tượng này nhưng vài năm trở lại đây, dọc xa lộ mọc lên nhiều nhà cửa, cơ sở kinh doanh xe cơ giới, máy xây dựng, cây xăng, quán ăn, nhà hàng… nước không còn thoát tự nhiên ra 2 bên đường mà đường cũng chưa có hệ thống thoát nước nên… mới ra như thế.

Đường Nguyễn Thị Định, quận 2 cũng ở trong tình trạng tương tự: không có hệ thống thoát nước, 2 bên đường lại bị những núi đất, cát, đá khổng lồ của các công trình nhà cửa, các cơ sở kinh doanh… bao vây nên nhiều đoạn… cũng xuống cấp nghiêm trọng. Mặt đường lún sụt, tạo ra vô số ổ gà, bất đắc dĩ lại thành nơi chứa nước sau mưa, gây ngập cho khu vực. Con đường nối Xa lộ Hà Nội với cảng Cát Lái nhầy nhụa bùn đất, những ổ gà sâu hoắm được “ngụy trang” bởi bùn, nước đỏ ngầu… là nỗi sợ hãi của người dân mỗi khi phải đi qua đây mà nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là nhiều đoạn đường bị ngập nước và hư hỏng nặng.

Khắp địa bàn quận Thủ Đức, nhiều tuyến đường cũng đang rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng do thiếu hệ thống thoát nước hoặc hướng thoát nước tự nhiên ra 2 bên đường đã bị bít lại. Đường Lê Văn Chí là một ví dụ: con đường chỉ có 1 cống thoát nước bé xíu nhưng lại đang bị nhiều hộ dân xây tường, lều quán, buôn bán ngay trên nắp cống. Cống không thu nước được, nước mưa không chảy vào cống đã trôi ra lênh láng trên đường.

Chị Trần Huyền Trang, một người dân trong khu vực bức xúc: “Ở đây đã xuất hiện nhiều ổ gà lớn và chúng tôi đang rất khổ sở về chúng. Đi không khéo, vấp vào đó là té ngay”. Dọc đường Xuyên Á đoạn nằm trong khu vực cầu vượt Bình Phước, phường An Phú Đông, quận 12 cũng bị ứ đọng nước sau mưa, khi triều cường lên… do hệ thống thoát nước không đủ. Chưa có hiện tượng đường bị phá nhưng với tình trạng bị ngập nước như hiện nay chẳng ai dám đảm bảo đường sẽ không bị hư hại trong thời gian tới.

Khu vực quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh… do địa hình thấp trũng, hệ thống thoát nước lại quá thiếu nên nhiều tuyến đường giao thông ở đây đã và đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề của tình trạng ngập úng, nước ứ đọng. Anh Đoàn Nhật, Trưởng phòng Quản lý Đô thị huyện Bình Chánh xác nhận: “Quả là hầu hết những tuyến đường trên địa bàn huyện Bình Chánh không có hệ thống cống rãnh thoát nước nên nền đường ở đây bị ngấm nước, trốc lở, sụt lún, xuống cấp rất nhiều”.

Những người có trách nhiệm quản lý hệ thống hạ tầng ở các quận ven, khi được hỏi về giải pháp giải quyết vấn đề này đều khẳng định “đang đề xuất thành phố đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước tại các trục đường này để đường không bị hư do ngập nước”. Ông Lê Ngọc Hùng, PGĐ Khu quản lý Giao thông đô thị số 2 - đơn vị chịu trách nhiệm quản lý hạ tầng các quận 2, 9 Thủ Đức… còn cho biết: trước mắt sẽ đề xuất xây dựng hệ thống thoát ở các tuyến đường chính. “Đúng là không thể để “nước phá đường” như hiện nay bởi điều này không chỉ ảnh hưởng xấu đến cuộc sống người dân mà còn là một sự lãng phí lớn” Một cán bộ của Sở Giao thông Công chính nhận định. Tuy nhiên, bao giờ làm thì chưa biết được.

KIÊN GIANG

Tin cùng chuyên mục