
Dẫu có vài cơn mưa trái mùa song nắng vẫn cứ hiển hiện trong từng góc phố, mái nhà của người dân TPHCM. Mà cứ nhìn nắng, không ít người dân thành phố lại không khỏi lo lắng về tình trạng thiếu nước sạch trong mùa khô.
Nhiều mạng mới, nước vẫn thiếu
Ba năm gần đây, năm nào ngành cấp nước của thành phố cũng hoàn thành vượt kế hoạch thành phố giao. Năm 2006, kế hoạch thành phố giao là phải đáp ứng 86,5% nhu cầu dùng nước sạch của người dân thì Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) đã thực hiện được 76,03%, các đơn vị cấp nước khác thuộc Sở Tài nguyên - Môi trường và Sở Nông nghiệp - Phát triển Nông thôn đáp ứng được 10,5%.
Mức vượt so với kế hoạch không cao nhưng… cũng là vượt. Năm 2007, kế hoạch thành phố giao là 87,5%, Sawaco đạt 77,5%, các ngành khác đạt 10,2%. Năm 2008, kế hoạch thành phố giao 89,5%, Sawaco đạt 81,5%, các ngành khác đạt khoảng 10%.

Bơm nước từ xe bồn cung cấp cho người dân huyện Nhà Bè. Ảnh: ĐỨC TRÍ
Tuy nhiên, khi được hỏi về việc thực hiện kế hoạch năm 2009 (91,5%), trong đó Sawaco phải thực hiện 83,75%, phần còn lại là của các ngành liên quan, nhiều cán bộ trong ngành không khỏi băn khoăn.
Băn khoăn lớn nhất, đó là giá nước vẫn khoảng 2.700 đồng/m³ (phần nước sinh hoạt trong định mức) thấp hơn giá thành sản xuất đến gần 50%.
Theo bà Nguyễn Hương Lan, Phó Trưởng Phòng Kế hoạch Đầu tư thuộc Sawaco, đây là mức giá đã được duyệt từ năm 2004. Giá nước dành cho sản xuất, dịch vụ cao hơn, khoảng 4.500 đồng/m³-8.000 đồng/m³ nhưng lượng nước dành cho hoạt động này chỉ chiếm khoảng 20%/tổng lượng nước bán ra của ngành cấp nước.
Khó khăn không mới nhưng nằm trong bối cảnh kinh tế đất nước đang gặp nhiều thách thức, thì khó khăn này đã tăng gấp 2-3 lần so với các năm trước. Dư luận xã hội đã không ít lần đặt vấn đề, ngành cấp nước phải giảm tỷ lệ thất thoát nước xuống để hạ hơn nữa giá thành sản xuất nước. Trên thực tế, Sawaco có tiến hành nhiều dự án chống thất thoát nước trong đó có một dự án quy mô lớn do Ngân hàng Thế giới tài trợ, song kết quả vẫn chưa như mong muốn.
Không được tăng giá nước nhưng bù lại, Sawaco được thành phố hỗ trợ một phần kinh phí để phát triển một số mạng cấp nước 1 và 2. Điều này đã có tác động tốt đến công tác cung cấp nước sạch cho người dân nhưng nguồn nước không tăng được bao nhiêu nên nhiều khu vực vẫn thiếu nước hoặc nước yếu như quận 7, 8, huyện Nhà Bè…
Hiện nay Sawaco đã cho Nhà máy nước Tân Hiệp hoạt động hết công suất: 300.000m³ nước/ngày (trước đây là 150.000m³ nước/ngày, sau đó tăng dần lên: 200.000m³ nước/ngày, rồi 250.000m³ nước/ngày) và tiếp nhận thêm 150.000m³ nước/ngày của Nhà máy nước Kênh Đông, mua 2.300m³ nước/ngày của Nhà máy nước Hiệp Ân…
Song tất cả con số trên vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu dùng nước sạch đang ngày một tăng của người dân thành phố. Trong khi đó dự án Nhà máy nước BOO Thủ Đức, dự án cấp nước mới lớn nhất thành phố, dự kiến cung cấp khoảng 300.000m³ nước/ngày cho thành phố lại đang gặp trục trặc.
Gập ghềnh... xã hội hóa cấp nước
Dự án xây dựng Nhà máy nước BOO Thủ Đức là dự án cấp nước được thực hiện theo hình thức xã hội hóa lớn nhất TPHCM. Ban đầu, đây là một dự án do nước ngoài đầu tư nhưng sau một thời gian triển khai thực hiện, vì nhiều lý do, nhà đầu tư này do đã bỏ đi. Một liên doanh trong nước Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật (CII) chủ trì đã tiếp nhận dự án với tư cách là chủ đầu tư.
Cuối năm 2004, đầu năm 2005 UBND TPHCM đã ký hợp đồng BOO với chủ đầu tư theo tinh thần: thành phố sẽ mua toàn bộ lượng nước sạch do Nhà máy nước BOO Thủ Đức. Căn cứ vào lộ trình bán nước sạch sinh hoạt cho thành phố, chủ đầu tư Nhà máy nước BOO Thủ Đức đã ký hợp đồng với hình thức “chìa khóa trao tay” với nhà thầu Hyundai Mobis (Hàn Quốc).
Hợp đồng có hiệu lực từ ngày 30-9-2005 và sẽ hoàn tất trong vòng 22 tháng sau đó. Thế nhưng, cho đến nay, gần 50 tháng đã trôi qua, công trình vẫn còn khoảng 7 km đường ống truyền tải nước chưa được thi công. Nhà máy phát nước đã chạy thử nhưng phía nhà thầu vẫn chưa đưa kết quả thử nghiệm chất lượng nước cho chủ đầu tư.
Theo ông Trương Khắc Hoành, Phó Giám đốc Nhà máy nước BOO Thủ Đức, đến khoảng tháng 3-2009 Nhà máy mới có thể phát nước sạch đến khu vực các quận 2, 9, Thủ Đức; đến cuối tháng 5-2009 phát nước đến khu vực Phú Mỹ Hưng và đến cuối năm 2009 mới phát đến Nhà Bè-điểm cuối cùng theo kế hoạch ban đầu của dự án. Tuy nhiên, đây mới là mạng truyền dẫn chứ chưa truyền nước đến tận nhà dân.
Chất lượng nước ngầm-nguồn nước chủ yếu cung cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước sạch cho sinh hoạt, biến động liên tục theo mùa, theo mức độ ô nhiễm… Giữ được chất lượng nước sạch ổn định trong điều kiện nguồn nước sản xuất không ổn định là điều không phải nhà đầu tư nào cũng làm được.
Việc phát triển mạng cấp nước còn gặp khó khăn hơn, đó là chủ đầu tư phải lo công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tổ chức thi công ngay trên những tuyến đường giao thông vốn đã rất quá tải của thành phố. Do vậy, không phải ngẫu nhiên mà cho đến nay, sau hơn chục năm thành phố có chủ trương xã hội hóa cấp nước song số doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng mạng cấp nước rất ít, hầu như không có.
Sawaco cơ bản vẫn phải gánh trọng trách này nhưng với tư cách một doanh nghiệp, Sawaco buộc phải cân nhắc đến lợi nhuận khi đầu tư, phát triển mạng. Việc đưa nước sạch đến những vùng sâu, xa như Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh… sẽ tốn rất nhiều tiền đầu tư vào mạng nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì nơi ấy dân cư sống thưa thớt. Số người sử dụng nguồn nước sạch ở đây chắc chắn không nhiều. Thế nhưng, yêu cầu đưa nước sạch đến những khu vực này lại là đòi hỏi bức bách của thành phố.
Với tất cả những khó khăn nêu trên, nhiều cán bộ trong ngành cấp nước cho biết, khả năng năm nay sẽ không phát triển thêm được nhiều điểm cấp nước mới. Năm 2009 sẽ là năm mà ngành cấp nước tập trung vào công tác sửa chữa cơ sở vật chất hiện có.
Nguyễn Khoa