Tháng 10 hàng năm được xem là tháng của Hà Nội, tháng có ngày giải phóng thủ đô, tháng có mùa thu, mùa mà Hà Nội được xem là đẹp nhất, nên thơ nhất và cũng là tháng người làm sách cả nước nhộn nhịp ra mắt sách về Hà Nội. Năm nay, NXB Trẻ cùng lúc giới thiệu một loạt tác phẩm về đề tài Hà Nội, từ tiểu thuyết đến tản văn.
Hà Nội tản văn
Không biết ai đã nói: “Đến Hà Nội để suy ngẫm về cuộc sống”, có lẽ điều này đúng ở chừng mực nào đó, ít nhất là với những người viết văn. Tản văn, một thể loại văn chương đầy tính chiêm nghiệm, suy ngẫm về cuộc sống là lựa chọn của nhiều tác giả khi viết về Hà Nội. Cây bút Nguyễn Việt Hà giới thiệu cùng lúc 2 tập tản văn về Hà Nội với nhan đề Con giai phố cổ và Đàn bà uống rượu. Nếu cuốn đầu, tác giả dành viết cho những gã trai Hà Nội có “tâm hồn thị dân sâu lắng” luôn mong muốn bảo lưu những giá trị truyền thống thì ở tác phẩm sau lại là những mảnh hài hước về quan hệ con người trong xã hội đô thị nhiều xộc xệch.
Các nghệ sĩ góp vào dòng tản văn về Hà Nội những góc nhìn rất riêng. Họa sĩ Đỗ Phấn nhìn Hà Nội một cách tinh tế và kỹ lưỡng qua tác phẩm Hà Nội thì không có tuyết. Anh đặc biệt mạnh về chi tiết đời thường, tất cả được vẽ bằng chữ nghĩa giàu màu sắc và đường nét, về một Hà Nội gồ ghề, xù xì, đắm đuối, trằn trọc… Còn tác giả Nguyễn Trương Quý lại nhìn Hà Nội qua âm nhạc với Còn ai hát về Hà Nội. Một cuốn sách nhắc lại về âm nhạc, ca khúc, các nhạc sĩ và các ca sĩ dành cho một TP đặc biệt có nhiều bài hát hay ghi dấu lịch sử, tình yêu và cuộc sống như Hà Nội.
Không phải ai cũng nhìn Hà Nội dưới góc độ hoài niệm hay lãng mạn, 2 tập tản văn 100 gờ-ram hạnh phúc của tác giả Thụy Anh và Hướng nào Hà Nội cũng sông của Hồ Anh Thái lại thấy một Hà Nội khác, vừa thân thiết lại vừa xa lạ. Hà Nội trong nỗi nhớ của Thụy Anh khác với Hà Nội hôm nay, có cái gì đó mất mát, không trở lại, cái gì nghẹn ngào không gọi tên được, nhưng cũng có những hy vọng lấp lánh. Còn với Hồ Anh Thái là những ghi chép lại những gì Hà Nội có và mới có, đã có, đang và đã mất, qua nhân vật trung tâm là con người - người ở Hà Nội. Những câu chuyện kể được nhìn bằng con mắt khe khắt nhưng đầy lo lắng, cũng là cái tình của anh đối với một chốn mà mình yêu thương, cần phải thế nào để có thể yên tâm và tự hào.
Hà Nội tiểu thuyết
Không chỉ có tản văn, cũng dịp này, họa sĩ, nhà văn Đỗ Phấn còn giới thiệu đến bạn đọc một cuốn tiểu thuyết về Hà Nội với nhan đề Dằng dặc triền sông mưa. 15 chương sách như một cuốn phim về những gì gần gũi thân thương nhất của Hà Nội thời xưa cũ. Đỗ Phấn mang đến một câu chuyện sống động đầy ắp chi tiết, thật trìu mến và dịu dàng về tuổi thơ lấp lánh với tất cả những gì quý báu trong cuộc đời. Hà Nội những năm đầu chiến tranh phá hoại. Sau đó là sơ tán và trở về. Tuy là tiểu thuyết nhưng tác phẩm như một hồi ức về một thời họ đã sống như thế...
Đỗ Phấn là người Hà Nội. Là một họa sĩ thành danh từ đây và khi bắt đầu viết văn cho đến nay, đề tài của anh cũng không gì khác ngoài viết về TP này. Trước Dằng dặc triền sông mưa, ông cũng đã giới thiệu cuốn Con mắt rỗng (NXB Văn học), một tác phẩm viết về Hà Nội hôm nay với những vấn đề của thời đại, của cuộc sống nơi tác giả giằng xé cố gắng thoát khỏi vòng xoáy cuộc sống đầy bất trắc.
TƯỜNG VY