* Ít nhất 27 người chết và mất tích
(SGGP).- Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, hôm qua (25-6), cơn bão số 2 sau khi suy yếu thành vùng áp thấp đã gây mưa to kéo dài trên diện rộng ở các tỉnh thuộc Bắc Trung bộ và Bắc bộ. Những nơi có lượng mưa nhiều như đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) trên 320mm, xã Văn Lý (Hải Hậu-Nam Định) trên 230mm, TP Thanh Hóa 270mm, Quỳ Châu (Nghệ An) gần 240mm.
Do mưa lớn nên mực nước trên sông Hoàng Long (Ninh Bình, Hòa Bình) và các sông ở Thanh Hóa, Nghệ An đang lên nhanh, nguy cơ ngập lụt. Tại tỉnh Thanh Hóa, nơi nằm trong vùng hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, nước sông dâng cao gần báo động 1, đang đe dọa sự an toàn các nhà dân nằm dọc ven sông.
Ông Trần Quang Trung, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết, suốt 2 ngày 24 và 25-6, ở phía Tây tỉnh Thanh Hóa có mưa rất lớn, kéo dài nhiều giờ đồng hồ, lượng mưa có nơi lên tới trên 300-320mm, gây nguy cơ cao về ngập lụt và sạt lở núi.
Các tỉnh miền núi phía Bắc cũng có mưa to, nguy cơ cao sạt lở đất. Tại tỉnh Lào Cai, các địa phương như Bát Xát, Mường Khương đã tổ chức di dời 130 hộ dân có nhà ở những khu vực có nguy cơ bị lở núi. Hiện vẫn còn khoảng 370 hộ dân thuộc các huyện như Bát Xát, Bắc Hà, Sa Pa, Bảo Yên, Bảo Thắng... vẫn trong kế hoạch phải di dời.
Mưa lớn trong 2 ngày qua cũng làm mực nước trên các sông ở miền Bắc như sông Hồng, sông Đà, sông Thương lên nhanh, có thể xuất hiện đợt lũ trong 1-2 ngày nữa. Mưa đã gây ngập 2.000ha lúa đang chín ở Nam Định, khoảng 770ha lúa ở Hải Phòng và hơn 1.100ha hoa màu ở Nghệ An và Nam Định.
Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống lụt bão cho biết: Tính đến 20 giờ ngày 25-6, bão số 2 đã làm ít nhất 27 người tại các tỉnh Yên Bái, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Thanh Hóa bị chết và mất tích; 60 người bị thương; hàng ngàn ngôi nhà hư hỏng; hàng chục ngàn hécta lúa và rau màu ngập úng; nhiều tàu, thuyền bị chìm.
Riêng tại Hải Phòng có 6 người chết (trong đó 2 người chết do lốc xoáy và 4 người bị sét đánh khi đi làm đồng), Nam Định 3 người cũng bị sét đánh khi đang gặt lúa... 14 người còn mất tích gồm 10 người trên một tàu cá của Thanh Hóa (hiện vẫn chưa liên lạc được), 3 người bị lũ cuốn trôi ở tỉnh Yên Bái.
Ban chỉ đạo PCLB Trung ương nhận định, mặc dù chỉ là cơn bão nhỏ, song do có đường đi phức tạp, khó lường nên bão số 2 vẫn để lại hậu quả nặng nề khi đi vào nước ta. Để chủ động ứng phó khắc phục hậu quả của bão số 2, các địa phương cần tăng cường chỉ đạo, huy động lực lượng khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Ông Trần Quang Hoài, Cục trưởng Cục Đê điều kiêm Chánh văn phòng Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, đề nghị các địa phương cần khẩn trương thu hoạch diện tích lúa chín, tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn các hồ chứa nước… bởi lũ các sông vẫn còn lên nhanh, đề phòng khả năng xảy ra ngập lụt.
Cho đến 20 giờ 30 ngày 25-6, một số điểm trên 2 tuyến quốc lộ 7 và 48 lên các huyện miền núi Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, Nghĩa Đàn (Nghệ An) vẫn chưa thể lưu thông do sạt lở nặng. Đây là hậu quả do mưa lớn trong 2 ngày 24 và 25-6, một số huyện như: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Nghĩa Đàn lượng mưa đo được lên đến trên 300mm.
Mưa lũ đã làm em Hoàng Văn Tiến (13 tuổi, xã Châu Bính, huyện Quỳ Châu) bị chết đuối và chị Lô Thị Thanh (40 tuổi, xã Châu Thái, huyện Quỳ Hợp) bị mất tích do bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, còn có 2 người ở huyện Nghĩa Đàn và huyện Quỳ Châu bị thương do nhà sập. Tại huyện Kỳ Sơn có một xe ô tô khách bị lũ cuốn trôi, rất may không có thiệt hại về người.
Đến tối qua, ông Nguyễn Văn Quế (51 tuổi, trú xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc) bị chìm tàu, mất tích vẫn chưa được tìm thấy.
NHÓM PV
| |