Múa truyền thống ở châu thổ Cửu Long

Nghệ thuật múa của miệt vườn sông nước Nam bộ hết sức tiềm tàng do tính đa dân tộc, đa văn hóa. NSND Đặng Hùng, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho biết:

"Nghệ thuật múa truyền thống, dân gian, dân tộc của bà con người Khmer, Chăm, Hoa “nằm” sẵn, rất phong phú trong cộng đồng cư dân châu thổ. Múa ở đây vẫn giữ được gần như nguyên gốc truyền thống, dân tộc dù vẫn tiếp xúc với nhiều nền văn hóa”, NSND Đặng Hùng nhận định như vậy.

Khẳng định điều đó để thấy cái hay của múa ĐBSCL. Tại một số nơi khác múa Việt Nam đang bị “lai”, nhất là lai múa Trung Quốc. Khi hội nhập, loại hình nghệ thuật múa cũng nổi lên những vấn đề xoay quanh múa hiện đại. Một số em ra nước ngoài học, về cứ “ôm nguyên con” phổ biến lại nhưng không hiểu hiện đại là cái gì, đương đại là cái gì, mang về để làm gì? Học gì cũng tốt, lấy của ai cũng được nhưng quan trọng phải phù hợp, thích hợp để biến nó thành cái của mình.

Múa dân gian (nhân dân tự sáng tạo), múa dân tộc (54 dân tộc), múa truyền thống (cổ điển, cung đình, tuồng, chèo…) là sản phẩm của lịch sử, luôn trường tồn cùng dân tộc. Ngay tính truyền thống cũng có sự tiếp biến thời đại. Nghệ thuật múa của ta có từ xa xưa rồi. Từ thời Bà Trưng, Đinh, Lê… đến múa thời kháng chiến cho đến bây giờ vẫn luôn đi theo mãi dân tộc, vẫn luôn tiếp thu tính thời đại mới “sống” đến bây giờ. Chữ “tiên tiến” đã mang chứa nội hàm “thời đại”. Múa hiện đại là sản phẩm của thời đại, không phải sản phẩm lịch sử mà chỉ “men” theo lịch sử. Tính “thời đại” không có nghĩa phải chạy theo người ta. Phân biệt được thì ta mới chăm chút, bảo tồn nghệ thuật mình được.

Loại hình múa của miệt vườn sông nước Nam bộ hết sức tiềm tàng do tính đa dân tộc, đa văn hóa. Định hình trên vùng đất mới nên bản thân nó đã có cái mới, rất đặc sắc. Ngoài kia cứ đi nhưng tại đây ở lại, không phân tán, do vậy giữ được gần như nguyên mẫu. Múa “Mâm vàng Cửu Long” của người Kinh, là điệu múa chủ đạo, đặc trưng Nam bộ, không trộn vào đâu nhưng nay phát triển ra cả nước. Múa Chăm do nhân dân tự sáng tạo; các động tác múa được chuyển hóa trên cơ sở sinh hoạt, văn hóa của người Chăm Ítxlam. Khoảng 10 năm trước múa Chăm An Giang đã đoạt khá nhiều Huy chương vàng trong các Hội diễn chuyên nghiệp toàn quốc. Đoàn Nghệ thuật Bông Sen TPHCM đoạt HCV khi dàn dựng tiết mục múa “Chiếc khăn Maom” khai thác ngôn ngữ hình thể để nói lên nỗi niềm người con gái Chăm với chiếc khăn và cuộc sống, vừa để che mặt vừa giấu nỗi e ấp, yêu thương...

Nghệ thuật múa của bà con dân tộc Khmer rất tuyệt vời, làm giàu hơn kho tàng múa Việt Nam. “Vừa rồi tôi tham gia phản biện đề tài Thạc sĩ “Hệ thống và phương pháp dạy múa Khmer” của một nghiên cứu sinh Đại học Trà Vinh. Tác giả phân tích ba dòng múa dân gian, dù kê, cổ điển (cung đình) với từng động tác kèm hình ảnh minh họa. Chỉ 3 dòng múa đó đã đủ sức tung hoành, quý lắm”, NSND Đặng Hùng bình luận. Ngoài 3 loại múa đó bà con Khmer còn có “múa giao hảo” rất đặc sắc bởi 6 cái Lăm (Lambass, Duthon…) với 6 tiết tấu, nhịp điệu khác nhau...

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục