“Giấy khai sinh số” cho tác phẩm nghệ thuật

Trước những tồn tại cũng như thử thách về vấn đề bản quyền tác phẩm nghệ thuật hiện nay, Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trò chuyện cùng bà Lê Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Pháp luật & Tác quyền (thuộc Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam - VIETRRO) về việc định danh tác phẩm nghệ thuật bằng NFT (một loại tài sản kỹ thuật số được lưu trữ trên blockchain), tạo ra bản “giấy khai sinh số”, mở ra hướng đi mới trong việc chống sao chép lậu và làm giả tác phẩm.

* PHÓNG VIÊN: VIETRRO vừa ra mắt nền tảng số Vietcopyright.com. Theo bà, nền tảng này có điểm gì mới và đặc biệt trong việc bảo vệ bản quyền tác phẩm nghệ thuật?

* Bà LÊ MINH HẰNG: Vietcopyright.com hiện là nền tảng duy nhất tại Việt Nam ứng dụng công nghệ blockchain trong việc định danh và quản lý bản quyền tác phẩm. Nền tảng được phát triển bởi VIETRRO - tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan (CMO) duy nhất có chức năng bảo hộ quyền sao chép tại Việt Nam.

Điểm khác biệt của Vietcopyright nằm ở tính chính danh, minh bạch và liên thông. Nền tảng này không chỉ cung cấp mã định danh NFT duy nhất cho mỗi tác phẩm, mà còn ghi nhận toàn bộ thông tin gốc lên blockchain, giúp xác thực quyền sở hữu ngay từ thời điểm khởi tạo, cả trong môi trường số lẫn vật lý. Khác với các giải pháp trước đây thường chỉ dừng lại ở việc đăng ký thủ công hoặc chứng nhận giấy, Vietcopyright.com triển khai một quy trình số hóa toàn diện: từ đăng ký, xác thực, quản lý đến truy xuất tác phẩm, cấp phép sao chép, mua bán tác phẩm, tất cả đều được thực hiện trực tuyến, minh bạch và có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, nền tảng tích hợp chức năng cấp phép sao chép và thương mại hóa tác phẩm do VIETRRO vận hành, hỗ trợ tác giả kiểm soát việc sử dụng bản sao, theo dõi dòng tiền bản quyền và lưu vết các giao dịch. Đây là một bước tiến quan trọng, góp phần thúc đẩy sự chuyên nghiệp hóa trong quản lý tài sản trí tuệ và phát triển ngành công nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

CN3 tro chuyen.jpg
Bà Lê Minh Hằng, Giám đốc Trung tâm Pháp luật & Tác quyền (thuộc VIETRRO) cùng các đơn vị, tác giả tìm hiểu quá trình định danh tác phẩm nghệ thuật bằng NFT

* Tham gia WIPO Connect, các tác phẩm sáng tạo như tranh vẽ, ảnh nghệ thuật, thơ văn… sẽ được gắn mã nhận diện quốc tế như thế nào?

* Khi được kết nối với WIPO Connect, mỗi tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả quyền liên quan (CMO) sẽ có 1 mã nhận diện quốc tế riêng, theo chuẩn hóa của WIPO. Mã nhận diện của VIETRRO là 2060. Điều này giúp phân biệt giữa hàng trăm CMO khác nhau đang hoạt động trên toàn cầu. Khi tác giả ủy quyền tác phẩm và thực hiện đăng ký với VIETRRO, tác giả sẽ có 1 mã định danh theo mã số của VIETRRO.

Điều này giúp tác phẩm được công nhận trên phạm vi toàn cầu. Tác giả dễ chứng minh quyền sở hữu khi có tranh chấp, tăng khả năng tiếp cận thị trường quốc tế, nâng cao uy tín, giá trị tác phẩm, theo dõi việc sử dụng tác phẩm một cách minh bạch nhờ cơ chế hợp tác song phương giữa các CMO. Nhà sưu tập hoặc tổ chức sử dụng có thể kiểm tra nguồn gốc, tình trạng bản quyền trước khi mua, cấp phép hay sử dụng thương mại.

* Trong tình huống rủi ro, VIETRRO sẽ có phương án, giải pháp nào đảm bảo quyền tác giả?

* Khi tác phẩm được định danh trên Vietcopyright.com, tác giả sẽ được xác lập quyền sở hữu số thông qua mã NFT duy nhất, kết hợp với lưu trữ thông tin bất biến trên blockchain. Dữ liệu này đồng thời được đưa vào hệ thống WIPO Connect, giúp khẳng định quyền sở hữu không chỉ trong nước mà còn trong hệ thống quốc tế. Tác phẩm được quản lý trong hệ thống bản quyền tập thể của VIETRRO, từ đó có đầy đủ căn cứ pháp lý để can thiệp khi có hành vi vi phạm.

Về các tình huống rủi ro như bị sao chép trái phép, sử dụng không xin phép hoặc tranh chấp quyền sở hữu, VIETRRO sẽ đại diện làm đầu mối xử lý khiếu nại, thu thập chứng cứ từ hệ thống để hỗ trợ tác giả khởi kiện hoặc yêu cầu xử lý vi phạm. Với cơ chế bảo vệ đa tầng, kết hợp giữa công nghệ, pháp lý trong nước và công nhận quốc tế, Vietcopyright.com không chỉ là công cụ kỹ thuật mà còn là một hàng rào pháp lý vững chắc cho tác giả và nhà sưu tập trong quá trình sáng tạo và giao dịch tác phẩm..

* Với việc định danh tác phẩm bằng mã NFT, theo bà, liệu có ngăn chặn được tranh giả và tranh chép - một vấn đề khá đau đầu với giới hội họa trong nước hiện nay?

* Việc ngăn chặn được tranh giả và tranh chép là trách nhiệm của toàn xã hội. Dù định danh tác phẩm bằng mã NFT cũng không thể ngăn chặn hoàn toàn hành vi làm giả hay sao chép tranh, nhưng nó là công cụ rất hiệu quả để xác thực tính nguyên bản và truy xuất nguồn gốc tác phẩm - điều vốn là vấn đề lớn trong thị trường mỹ thuật hiện nay. NFT không chặn được người làm tranh giả, nhưng sẽ khiến tranh giả khó có “đất sống” - vì người mua và thị trường có thể phân biệt rõ đâu là tác phẩm gốc đã được định danh, đâu là bản sao mạo danh không xác thực. Đây có thể sẽ là bước tiến quan trọng giúp chuyên nghiệp hóa thị trường hội họa trong thời đại số.

Một vấn đề quan trọng trong việc hạn chế, thậm chí có thể góp phần xóa sổ vấn đề tranh giả và tranh chép, đó chính là việc cấp phép sử dụng bản sao. Một người có nhu cầu sử dụng bản sao, có thể thông qua Vietcopyright để xin cấp phép sử dụng cho các mục đích khác nhau với giá phù hợp, sẽ làm giảm nhu cầu mua tranh giả, tranh chép. Vì có thể cùng giá tiền, họ được sử dụng bản sao hợp pháp và tác giả cũng nhận được khoản tiền mong muốn, do đó việc mua tranh giả, tranh chép sẽ tự động dần biến mất, giống như vấn đề đĩa lậu của thập niên trước.

Quy trình định danh tác phẩm trên nền tảng Vietcopyright.com được thực hiện hoàn toàn số hóa với 3 bước: tác giả hoặc chủ sở hữu đăng ký tài khoản và định danh tác phẩm dưới dạng số (ảnh, tranh, ảnh tư liệu,…); mỗi tác phẩm sau khi được định danh sẽ được gắn một mã NFT duy nhất, ghi nhận toàn bộ thông tin như tên tác phẩm, tác giả, thời điểm khởi tạo, quyền sở hữu...; tác phẩm đã định danh sẽ được lưu trữ trong cơ sở dữ liệu quản lý bản quyền tập trung, giúp xác lập quyền sở hữu một cách minh bạch và có thể truy xuất bất kỳ lúc nào.

Tin cùng chuyên mục