Mùa xuân, ai cũng muốn có hoa

VÕ THU HƯƠNG
Mùa xuân, ai cũng muốn có hoa

Nhà tôi nằm trên con đường họp chợ hoa ở Vinh. Những ngày mới hăm hai, hăm ba, ông Táo về trời, chợ đã họp. Này thì hoa đào, hoa mận từ miền núi xuống, từ Lào qua, hoa mai từ miền Nam ra, mỗi cành mỗi vẻ làm nên sắc màu tươi tắn gọi tết về. Trong cái se se lạnh mùa xuân phương Bắc, những hương hoa len nhẹ giữa phố xá, dịu thật dịu nhưng vẫn sâu thăm thẳm trong nỗi nhớ khôn nguôi của người con xa quê.

Nhà không dư giả gì, nếu không muốn nói là mẹ luôn phải so đo tính toán từng chút để đủ tiền ăn tiền học cho con nên mua sắm gì ngày tết cũng phải chờ vào lúc chợ tàn vãn chiều cuối năm. Lúc ấy người đi bán hàng bán rẻ như cho, để còn kịp về sửa sang đón giao thừa. Từng đôi dép, bộ áo quần và nhất là thức ăn, hoa tươi… những thứ càng đòi hỏi độ tươi càng phải bán tống bán tháo cho nhanh vì không thể đợi tới phiên chợ năm mới.

Ảnh: Thái Bằng

Luôn ham rẻ nhưng mẹ lại luôn chờ cô bé bán quất từ miền ngược xuống dọn hàng để mỗi khi cô nhỏ về đón giao thừa, mẹ lại giúi vào tay em ấy vài chục ngàn đồng tiền xe cộ. Mua quất của cô bé, mẹ chẳng trả giá bao giờ, thậm chí còn cho thêm. Những ngày giáp tết, nhà ai cũng bận bịu, nhưng cô nhỏ luôn được mẹ giúp đỡ bằng cách cho mượn hẳn khoảng thềm trước nhà để nhờ hàng chục cây quất, cây đào. Nếu không cho cô bé mượn, để những người bán hoa tết khác thuê mướn, mẹ con cũng có thêm đồng vào đón tết.

Cô bé là một người bán hàng đặc biệt. Mấy mẹ con gặp cô nhỏ trong một chiều sương lạnh cuối năm cách đây vài năm, môi tím tái bên cành hoa đào hồng tươi khoe sắc. Em ấy chỉ có dăm chiếc áo dài tay mặc chồng vào nhau cho đỡ lạnh, không có áo khoác. Nhưng làm sao đỡ nổi những cơn gió chiều chuyển về tối những ngày cuối năm. Mẹ liền cho cô bé mượn áo khoác tôi mặc tạm. Thật tình, sợ có thể cô không trả, mẹ chỉ đưa một áo khoác hơi cũ. Nhưng đúng chiều 30, cô nhóc vào tận nhà với vẻ mặt tươi rói: “Cháu tìm mãi mới ra nhà cô để trả áo và tặng cô cành quất cắm tết”.

Hỏi han mới biết, cô bé ở với bà ngoại. Không bố, mẹ bỏ đi biệt xứ. Bà già yếu, trồng quất trồng đào cho cháu bán kiếm vài đồng ăn tết. Nhưng bà già yếu, cháu nhỏ dại nên dường như có sự liên quan ít nhiều những cành quất, đào chèo queo lép nhan sắc hẳn giữa chợ hoa kia… Mẹ bảo, nhìn đủ biết cô nhỏ đã khó khăn như thế nào để bán hết chừng đó đào quất, sao nỡ trả giá chi một hai đồng.

* * * * *

Tôi vẫn ấn tượng khôn nguôi những phiên chợ hoa ngày tết. Những bông những cành xôn xao cả một vùng kỷ niệm. Gần 5 năm không về tết quê, đôi khi mỗi độ xuân về, tôi vẫn gặp lại giấc mơ một mình bé nhỏ lạc thắc thỏm giữa chợ hoa xuân ấy. Chen giữa những đào, mận, mai cúc… phải vịn nhẹ len khẽ giữa những cành hoa để về đến nhà. Cái mùi hương rất nhẹ kia bám cả trong giấc mơ.
Chẳng biết có duyên nợ gì với những chợ hoa không, nhà tôi ở Sài Gòn cũng nằm trên con đường họp chợ hoa xuân. Chợ hoa xuân đường Trần Xuân Soạn, bên dòng kênh Tẻ là một trong hai chợ hoa còn giữ cảnh trên bến dưới thuyền như từ Sài Gòn xưa. Trên bến, ngoài sắc màu trăm hoa đua nở còn sắc xanh thẫm của dưa hấu, vàng của đu đủ, bưởi, màu cam của quýt của cam… Tất thảy sản vật tươi roi rói vừa được chở lên từ các nhà vườn miền Tây. Ở chợ hoa xuân miền Nam, màu vàng hoa cúc hoa mai đóng vai trò chủ đạo.

Có điều khá thú vị ở chợ hoa xuân này người bán người mua rất thoải mái. Lựa chọn kỹ càng, hỏi giá trả tiền. Không ít người đi mua chẳng cần trả giá vì trong lòng cứ suýt soa: Chao ôi, rẻ thế! Rẻ là bởi hầu hết những người bán kia đều mua tận vườn hoặc của nhà trồng được, dong thuyền chạy ghe lên tận phố thị để buôn bán. Buổi đêm họ ngủ ngay trên võng, buổi trưa ăn tạm mấy đòn bánh tét mang theo hoặc ổ bánh mì mua vội… Bán buôn, với ai đó trong đám họ có khi chỉ cho vui (vui người lẫn vui mình) chứ chẳng phải để làm giàu.

Ai mà nỡ trả giá khi nhìn những người bán thật như đếm, mặt luôn cười tươi dù mồ hôi nhễ nhại. Ai nỡ trả giá trước vẻ đẹp chàng trai quê - da đen giòn, cô gái quê má hồng ửng cười duyên khoe răng trắng bóng dưới cái nắng chói chang của mùa xuân phương Nam. Và đa số, nếu muốn trả giá như một thói quen khi bước chân ra chợ thì cũng khó có thể trả vì người bán thường chỉ nói chắc một giá. Bớt một hai ngàn đồng không được nhưng lạ kỳ, thi thoảng “anh Tư” “cô Năm” còn vui vẻ tặng thêm chậu hoa cúc cho người đi mua mai, mua tắc (quất) nếu người ta mê cái chậu bông đó mà ví thì đã hết tiền. Nếu ai đó muốn biết rằng người phương Nam thật thà hào sảng như thế nào, hãy cứ đến những nơi dung dị nhất, như chợ hoa trên bến dưới thuyền này.

Nhưng kỳ thực, ngày tết không bao giờ như ngày thường. Cô bé bán hướng dương vẫn thường để hoa ké trước thềm nhà cụ không năm nào quên lựa lại những cây hướng dương thật đẹp, cây tắc thật sai trái để biếu cụ đón tết. Thềm nhà cụ quanh năm buồn, hôm nay bỗng vui lạ khi chứa đầy những mặt trời tí hon. Cụ áy náy đòi gửi tiền cô nhỏ. Cô nhỏ nói: “Cụ cho nhiêu thì cho”. “Cho nhiêu thì cho” là câu nói cực quen thuộc của người phương Nam khi họ không đong đếm việc mình làm. Và bà cụ ngại ngùng dúi tờ 20.000. Cô nhỏ cười hồn nhiên đón nhận, không quên dúi lì xì thằng cu nhỏ. Khi cô gái đi khuất, bà cụ lập bập mở bao lì xì, năm nào cũng vậy, nhiều gấp mấy lần số tiền cụ trả cho cô gái.

Ngày tết, ở miền nào cũng vậy, khác nhau giọng nói, khác nhau những đóa hoa, trái quả… Khác nhau cả vẻ mặt nét người vùng miền. Nhưng cùng thật nhiều thương yêu ấm áp khi người dưng đối đãi nhau bằng những tấm lòng thơm dịu, tươi tắn như những đóa hoa. Mùa xuân, ai chẳng muốn có hoa?

Tôi vẫn nhớ như in những chiều cuối năm phương Bắc. Tiết trời căm căm lạnh. Thông thường, mấy mẹ con đã lau chùi, dọn dẹp nhà cửa láng bóng để đón xuân thì mới ra chợ hoa, chọn lấy những bó hoa còn tươi nguyên của dăm ba người bán muộn về chưng tết. Lúc này trời đã xâm xẩm tối, chỉ vài giờ nữa là giao thừa, mua hoa vừa rẻ, vừa không phải chen lấn, trả giá…

VÕ THU HƯƠNG

Tin cùng chuyên mục