Mùa đông quê nội với tôi là chốn sương mù hư ảo. Khi xuân về với tất cả như vừa bắt đầu, lại như vừa kết thúc của năm tháng dằng dặc, tôi lại nhớ về quê ngoại, một miền quê với thật nhiều ruộng vườn hoa trái. Con đường để đi từ quê nội sang quê ngoại nó mới gian nan làm sao, dù chỉ là một đoạn ngắn như trong cuộn chỉ quay tròn mà mẹ hay dùng may áo.
Cha tôi kể, khi tôi còn nhỏ chút, có lần trên đường chở tôi về ngoại, tôi bị một chiếc xe chở cá từ miền xuôi lên hất bay xuống đường. Cha tôi cũng không hiểu vì sao khi ẵm tôi lên, tôi vẫn còn nguyên vẹn, không trầy xước chút nào. Người ở quê hay nói, trẻ con thường được “bà đỡ”. Chắc là nhờ phúc đức tại mẫu nên tôi mới có được mạng lớn như vậy.
Sau này, mỗi lần được cha tôi chở về ngoại chơi trên chiếc Cub Nhật phải đi mượn, hay trên chiếc Wave Trung Quốc cha tôi tậu được từ đồng lương giáo viên ít ỏi, tôi luôn mong mỏi bắt gặp lại hình ảnh chiếc xe chở cá đã hất tôi bay xuống đường năm ấy. Nhưng, nhiều thứ đã trở nên trù phú, nhưng nhiều thứ cũng lặng lẽ mất đi, và những chiếc xe chở cá tuềnh toàng năm ấy cũng mờ dần theo năm tháng.
Thế giới sau lưng của người cha là một thế giới ấm áp mà kỳ vĩ. Bạn đã bao giờ chạy đua với những ngọn núi chưa? Ngồi sau lưng cha, với vòng ôm vững chắc, tôi đã thử chạy đua với những ngọn núi, vượt qua hết ngọn núi này đến ngọn núi khác. Những ngọn núi hình như cũng đang chạy đua với tôi. Những ngọn núi càng xa về phía chân trời càng bí hiểm, nơi mà con người khó có thể đặt chân đến. Nhưng những ngọn núi ấy mới là thế giới của núi rừng thật sự. Chạy đua với núi đồi chán rồi, tôi lại chạy đua với mặt trăng, mặt trời. Nhưng chạy đua với xe lửa mới là cuộc đua thú vị nhất. Có lúc tôi đã vượt lên, thì đoàn tàu lại biến mất. Không biết nó đã ở đằng trước hay đã bị tụt lại phía sau tôi. Thế rồi đoàn tàu lại hiện ra ngay trước cái eo nhỏ của ngọn đồi, xình xịch nhả khói bỏ lại tôi một đoạn dài không thể nào đuổi theo kịp.
Trên đường tới nhà ngoại, tôi đi ngang qua một bóng cây cổ thụ, nhìn rễ cây gân guốc như già làng sống đã nhiều trăm năm. Bao nhiêu người đi qua đời cây, có khi nào cụ cây biết cả tên họ, dòng dõi, bản quán. Tôi đi qua bóng cây như gặp lại một người thân thiết nhiều năm không gặp. Thời gian đi qua bóng cây chỉ vài giây phút nhưng tôi có cảm tưởng như được che mát suốt một quãng đời rộng lớn. Tôi tin, di sản lớn nhất của loài người chính là ký ức cộng đồng được ký thác vào vạn vật và được con người giữ gìn tử tế qua thời gian.
Nhà ngoại tôi nằm trong một khu vườn rộng, khuất sau những cánh đồng lúa. Đến mùa gặt, trên nền nhà của ngoại lúc nào cũng vương vãi những hạt lúa còn thơm mùi nắng. Đi chân trần trên nền nhà sẽ thấy xon xót, âm ấm dưới lòng bàn chân. Ban trưa nằm võng thì nghe rõ cả tiếng gió thổi trong vườn và tiếng chân ngoại xới lúa khe khẽ ngoài sân.
Để vào được nhà ngoại, tôi phải đi qua một con đường nhỏ chạy men theo bờ ruộng. Đây mới là con đường khiến tôi hồi hộp nhất, bởi ngày nắng không nói làm chi, nếu vào ngày mưa, con đường mềm ra giống như bờ ruộng mới đắp, chiếc xe Honda bây giờ như đi trên lưng con lươn đang ngọ nguậy. Tôi nín thở nghĩ thầm, có khi nào tôi sẽ lọt xuống ruộng bắt ếch không? Có lẽ cả nhà tôi ai cũng muốn xuất hiện trước ông bà ngoại với dáng vẻ tươm tất nhất, không thì xấu hổ chết. Đi qua con đường bờ ruộng là tới ngay cổng nhà ngoại tôi. Gọi cái cổng cho có vậy thôi vì nó chỉ được làm tạm bợ bằng vài cành cây khô gác qua trông rất lỏng lẻo, nhưng hình như không ai cảm thấy lo lắng về điều này. Ở nông thôn có một thời yên bình đến lạ lùng như thế.
Trong những năm tháng khó khăn nhất của gia đình, nhà ngoại tôi luôn hiện ra như là một nơi chốn của bình yên, một kiểu yên tâm của người nhà quê với vườn rau, khoai củ, nuôi heo, thả gà, và không thể thiếu cây trái. Ông ngoại tôi đi kháng chiến từ rất sớm. Bà ngoại tôi kể là ông tham gia tiền khởi nghĩa trước năm 1945, thời đó khó khăn lắm nhưng nhờ có dáng vóc to lớn, có lần chiến đấu trong rừng, ông ngoại tôi vừa chiến đấu vừa vác cả bao gạo mấy chục kilogam di tản. Đến nơi tập kết, chỉ mỗi ông ngoại tôi còn giữ được bao gạo, đó là lương thực cuối cùng của đơn vị dùng để chia nhau cầm cự qua ngày. Rừng ngày xưa cũng rất nhiều thú dữ, đi trong rừng đôi khi giẫm phải đống thịt hổ bầy nhầy dưới chân lại tưởng là đám lá mục lâu ngày rữa ra. Nếu bà ngoại tôi không kể, ít ai biết được một người lặng lẽ như ông ngoại tôi đã kinh qua khói lửa của chiến tranh. Sự hiện diện bên ông ngoại tôi bây giờ chỉ là một chiếc đài radio cũ, một bình trà nóng, và một cục xà bông thơm.
Ông ngoại tôi thích trồng rất nhiều cây trái, cứ như ông trồng cây chỉ để trông ngóng bầy cháu về chơi vậy. Khi ông đi hái trái cây, tôi sẽ lãnh phần giã muối ớt. Chén muối ớt ngon phải là chén ớt muối bỏ thêm ít bột ngọt như là chất keo kết dính giữa muối và ớt. Giã làm sao không còn thấy muối chỉ còn thấy ớt. Nhưng nó không phải là chén muối ớt cay đến chết người. Nó phải ở lưng chừng của bờ bên này khao khát cái bờ bên kia. Càng ăn càng cay, càng cay càng ngon, ăn đến khi mút ngón tay mới phải dừng lại. Ăn ổi chua mà chấm muối ớt cay, thể nào tôi cũng thèm uống một ngụm nước giếng. Nước giếng ở quê như có vị ngọt của đất trời quê hương và tình cảm con người. Ai đã uống thứ nước giếng dân dã rồi có đi cùng trời cuối đất cũng khó có thứ nước gì ngọt lành hơn.
Con đường bờ ruộng mỗi độ vào xuân cũng xanh mướt cỏ dại và được trang hoàng thêm những bông hoa mắc cỡ. Mới hôm nào nó chỉ là con đường đất đen thui thủi, vậy mà hôm nay đã là con đường cỏ xuân mơn mởn. Đứng trước sự vô tư của thiên nhiên, có lẽ con người sẽ bớt đi sự khiêu khích và cả những hố thẳm.
Ngôi nhà của ngoại tôi bây giờ không còn nữa, nhưng ký ức của tôi vẫn thơm lên mùi ruộng đồng, mùi hoa trái, mùi của ấm áp ông bà. Dù con đường đi từ quê nội sang quê ngoại có gian nan và hồi hộp như một cuộc xuân vận thì tôi vẫn muốn đi lại nhiều lần như thế. Khi nghĩ về quê ngoại, tôi nghĩ đến mùa xuân như là mỗi ngày có những chùm hoa dân dã rụng xuống tâm hồn.