Đoàn thể thao Việt Nam nhìn từ SEA Games 25

Mừng ít, lo nhiều

Với cú tăng tốc ở những ngày cuối, đoàn thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu khá xa về số HCV (83 so với 75), và đứng thứ nhì trong bẳng tổng sắp đại hội sau Thái Lan. Nhiều người tiếc nuối, giá đừng mất một số HCV ngoài kế hoạch ở môn cử tạ, wushu, thậm chí là cả bóng đá nam, thì chúng ta đã có cơ hội vượt Thái Lan để vươn lên đứng đầu khu vực lần thứ 2, kể từ sau SEA Games 22 trên sân nhà. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề cần nghiêm túc nhìn lại từ đại hội…
Mừng ít, lo nhiều

Với cú tăng tốc ở những ngày cuối, đoàn thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu khá xa về số HCV (83 so với 75), và đứng thứ nhì trong bẳng tổng sắp đại hội sau Thái Lan. Nhiều người tiếc nuối, giá đừng mất một số HCV ngoài kế hoạch ở môn cử tạ, wushu, thậm chí là cả bóng đá nam, thì chúng ta đã có cơ hội vượt Thái Lan để vươn lên đứng đầu khu vực lần thứ 2, kể từ sau SEA Games 22 trên sân nhà. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề cần nghiêm túc nhìn lại từ đại hội…

  • Giữ được vị thế cơ bản ở các môn 

Đầu tiên phải nói rằng, việc đoạt được 83 HCV và đứng thứ nhì trong khu vực là một thành tích rất đáng khích lệ của thể thao Việt Nam. Càng vui hơn khi Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế của mình ở hai môn thể thao cơ bản điền kinh và bơi lội.

Với 7 HCV đoạt được ở môn thể thao nữ hoàng, xem như đội tuyển điền kinh Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra ban đầu 1 chiếc. Trong khi đó, môn bơi lội, dù vẫn chỉ được 1 HCV ở nội dung sở trường là 100m ếch nam, tuy nhiên, kình ngư Nguyễn Hữu Việt đã trở thành người đầu tiên trong lịch sử bơi lội Việt Nam phá kỷ lục SEA Games. Đồng thời, số lượng huy chương của môn bơi cũng nhiều hơn khi có thêm 1 HCB, 4 HCĐ so với kỳ đại hội năm 2007 chỉ 1 HCV và 1 HCĐ.

Ngoài ra, các môn thể thao trong hệ thống Olympic cũng đã mang về khá nhiều HCV như bắn súng, judo, vật, taekwondo, cử tạ, xe đạp…, giúp đoàn thể thao Việt Nam giữ vững vị trí thứ nhì và có khoảng cách an toàn khá xa so với đoàn xếp thứ ba là Indonesia, chứ không phải rơi vào cảnh chạy “tóe khói” giờ chót, rồi rớt xuống vị trí thứ ba như hồi SEA Games 24.

  • Chúng ta đang ở đâu trong khu vực 

Nếu chúng ta vui và vững tin ở 2 môn thể thao cơ bản là điền kinh và bơi lội, thì có lẽ đây cũng chính là nỗi lo lớn nhất của thể thao Việt Nam. Cứ nhìn môn điền kinh thì rõ. Việc đoạt HCV của điền kinh Việt Nam tại đại hội lần này tập trung vào 4 gương mặt: Vũ Thị Hương (2 HCV 100 và 200m), Trương Thanh Hằng (800 và 1500m nữ), Nguyễn Đình Cương (800 và 1.500m nam) và Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp). Trong đó, ngoài Hương, Hằng và Huyện vẫn chưa có đối thủ xứng tầm, thì Đình Cương xem ra phải rất nỗ lực mới giữ vững ngôi vô địch trước 2 đối thủ Riduan và Vadivellan đến từ Malaysia.

Trong khi đó, thế mạnh của Việt Nam ở nhảy cao nam và nữ đã chính thức chuyển giao sang cho đoàn Malaysia và Thái Lan. Đáng lo hơn, sau những nhà vô địch Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Nguyễn Đình Cương và Vũ Văn Huyện, hiện là một khoảng trống mênh mông. Điều này đã được chúng tôi bày tỏ với Trưởng bộ môn điền kinh Việt Nam Dương Đức Thủy ngay từ lúc đội tuyển điền kinh vẫn còn thịnh và có lứa kế thừa cực mạnh tại SEA Games 23-2005 ở Phillipines. Ông Thủy hoàn toàn đồng ý với điều đó khi nói thẳng: “Điền kinh Việt Nam vẫn còn làm theo kiểu ăn xổi và hớt ngọn”. Nay, thêm 2 kỳ đại hội trôi qua, nhưng điền kinh Việt Nam vẫn y như cũ và đang tự bào mòn dần, bởi ngay thành tích của 2 nhà vô địch cự ly trung bình Thanh Hằng và Đình Cương cũng tụt khá xa so với 2 năm về trước.

Trong khi đó, ở môn bơi lội, ngoài “ếch nhỏ” Nguyễn Hữu Việt đủ khả năng lấy vàng ở đại hội, những gương mặt khác đều chưa xứng tầm, nếu không nói là với đà đầu tư như thế này, khả năng bơi lội Việt Nam trắng vàng ở đại hội tới đang hiển hiện rõ hơn bao giờ hết. Ngay cả thầy trò đội tuyển bơi lội đã so sánh sự phát triển của bơi lội Việt Nam với các nước trong khu vực bằng hình ảnh “chúng ta vẫn đang đi bộ, trong khi các nước ở khu vực lại đang chạy tốc độ”.
Nhìn vào bảng tổng sắp huy chương, đội tuyển mang về HCV nhiều nhất cho đoàn thể thao Việt Nam là môn bắn súng với 11 HCV, trong khi mang về thành tích cao nhất cho Thái Lan lại là môn điền kinh (14 HCV). Đồng thời, Thái Lan cũng chẳng kém cạnh ta ở môn bắn súng khi đoạt đến 10 ngôi vô địch. Xếp ở vị trí thứ 4 với 40 HCV, nhưng đội Malaysia đã có đến 9 HCV bơi lội và 6 HCV điền kinh. Trong khi đoàn Singapore dù chỉ đứng thứ 6 với 33 HCV, nhưng đã đoạt đến 14 HCV ở riêng môn bơi lội…

So sánh như thế để thấy, các nước trong khu vực dù có thể không leo cao được ở bảng tổng sắp, nhưng các môn trong hệ thống Olympic của họ rất mạnh, cũng như thành tích đều ở đẳng cấp châu lục và thế giới, thậm chí tiệm cận thành tích huy chương ở đấu trường danh giá Olympic. Trong khi những môn thể thao cơ bản của Việt Nam dù mạnh, nhưng để lấy được chuẩn dự Olympic vẫn còn là điều xa vời, chưa kể góp công lớn vào thành tích thứ nhì tổng sắp của đoàn Việt Nam tại đại hội lần này là những môn khá… phụ, và đều có thể bị đá văng khỏi đấu trường SEA Games bất cứ lúc nào nếu nước chủ nhà không thích như: lặn (8 HCV), pencak silat (6), đá cầu (4)…

  • Nhì SEA Games, nhưng sẽ ở đâu tại Asian Games?

Đó là câu hỏi luôn được đặt ra cho thể thao Việt Nam sau mỗi kỳ đại hội, bởi cái “truyền thống” đứng trong tốp 3 SEA Games, nhưng rồi thất bại ở các kỳ thể thao quan trọng mang tầm châu lục (Asian Games) hay thế giới (Olympic). Chẳng hạn, tại SEA Games 22-2003 trên sân nhà, Việt Nam vươn lên vị trí số 1 Đông Nam Á, nhưng chỉ 1 năm sau đó đã trắng tay ở Olympic Athens 2004, trong khi các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia… đều có huy chương. Đến các kỳ đại hội lần thứ 23-2005 rồi đại hội 24-2007 cũng thế, thể thao Việt Nam luôn vui ở SEA Games, rồi buồn ở Asian Games 2006 và Olympic 2008.

Chính vì thế, câu hỏi thể thao Việt Nam đứng nhì SEA Games, nhưng sẽ đoạt được bao nhiêu HCV ở Asian Games 2010 vào năm sau ở Quảng Đông luôn rất thực tế. Tuy nhiên, điểm qua thành tích đội tuyển Việt Nam đoạt ngôi vô địch tại đại hội lần này để “chọn mặt, dự đoán vàng” cho Á vận hội, xem ra vẫn chưa thấy tín hiệu khả quan.

Qua SEA Games, dù đứng thứ nhì khu vực, nhưng lo nhiều hơn vui chính là thế.

ĐỖ TUẤN

Tin cùng chuyên mục