Muốn chống ngập, phải kết hợp nhiều giải pháp

Những cơn mưa vừa qua đã gây ngập cho không ít khu vực trung tâm mặc cho các dự án chống ngập, thoát nước ở đây đã hoàn thành. Lý do được các sở ngành đưa ra: mưa quá lớn, vượt công suất thiết kế của cống. Phải chăng TPHCM không thể tránh được ngập? Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với Phó giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, Giám đốc Viện Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM về vấn đề này.
Muốn chống ngập, phải kết hợp nhiều giải pháp

Những cơn mưa vừa qua đã gây ngập cho không ít khu vực trung tâm mặc cho các dự án chống ngập, thoát nước ở đây đã hoàn thành. Lý do được các sở ngành đưa ra: mưa quá lớn, vượt công suất thiết kế của cống. Phải chăng TPHCM không thể tránh được ngập? Phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng đã trao đổi với Phó giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi (ảnh), Phó Giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM, Giám đốc Viện Nước và Biến đổi khí hậu thuộc Đại học Quốc gia TPHCM về vấn đề này.

Cần kiến nghị “tiêu chuẩn xây dựng” riêng cho TPHCM

* Phóng viên: Theo Sở Giao thông Vận tải TPHCM, hiện nay cả 3 lưu vực thoát nước lớn của TPHCM là Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Bến Nghé đều đã và đang tiến hành lắp đặt các cống thoát nước với công suất thiết kế đáp ứng được những cơn mưa có vũ lượng từ 75 - 92mm với thời gian mưa 3 giờ. Trong khi đó, những cơn mưa có vũ lượng lớn hơn với thời gian mưa ngắn hơn đang xuất hiện ngày càng nhiều ở TP. Như vậy TPHCM đành “bó tay” trước tình trạng ngập?

* Ông HỒ LONG PHI: Vào khoảng đầu những năm 2000, có đến 4 cơ quan tư vấn trong và ngoài nước cùng nghiên cứu và đưa ra tiêu chuẩn thiết kế cho hệ thống cống thoát nước của 3 lưu vực nêu trên. Tư vấn quốc tế gồm: Tư vấn PCI (Nhật Bản), Tư vấn CDM (Mỹ), Tư vấn Black and Veetch (Bỉ). Tư vấn trong nước là Phân Viện Nghiên cứu Khí tượng Thủy văn phía Nam. Các cơ quan này đã dựa vào số liệu thống kê về các cơn mưa tại TPHCM trong thời gian 40 năm trước đó để đưa ra các đề xuất về tiêu chuẩn mưa thiết kế. Lúc ấy, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu chưa hiển hiện nên chưa được nghiên cứu. Những cơn mưa lớn cũng đã được lưu ý nhưng căn cứ vào các quy định về xây dựng của Bộ Xây dựng, chúng chỉ được tính với chu kỳ tràn cống 2 năm/lần đối với tuyến cống cấp 3; 3 năm/lần đối với tuyến cống cấp 2 và 5 năm/lần đối với tuyến cống cấp 1. Đây là các quy định khá thấp so với nhiều nước trên thế giới.

Tại Bangkok (Thái Lan) người ta tính với tần suất chống ngập đến 30 năm và hiện đang điều chỉnh để nâng tới 50 năm. Hà Lan tính tới tần suất 10.000 năm mới có những trận lũ lớn có thể vượt khả năng chịu đựng của hệ thống chống ngập. Từ những năm 2005 - 2006 nhiều nhà khoa học cùng nhiều chuyên viên của các sở ngành chức năng đã nhận thấy sự bất thường của thời tiết với các cơn mưa ngày một lớn nên đã đề nghị TP xem xét điều chỉnh thiết kế. Tuy nhiên, lúc ấy cũng có không ít ý kiến cho rằng, không cần quá lo lắng về những cơn mưa lớn vì có thể đó chỉ là đột biến. Có lẽ đây là lý do để TP chưa xem xét đến việc điều chỉnh thiết kế.

Thời điểm này nếu khẳng định TP “bó tay” trước tình trạng ngập thì cũng không hẳn. Vẫn còn nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này. Vấn đề băn khoăn hiện nay là những bất cập về quy định và sự đồng thuận xã hội để có thể tiến hành những giải pháp mềm như làm hồ điều tiết… nhằm tăng cường năng lực cho các giải pháp cứng truyền thống (chủ yếu là việc lắp đặt hệ thống cống). Do vậy, để làm được việc này TPHCM cần có một quyết tâm chính trị hết sức cao và bền bỉ.

* Những giải pháp đó là gì, thưa ông?

*
TPHCM còn 2 lưu vực chưa cải tạo, lắp đặt hệ thống cống mới là Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên và kênh Đôi - Tẻ. TPHCM phải mạnh mẽ kiến nghị các bộ, ngành trung ương xem xét, điều chỉnh các quy định về tiêu chí xây dựng hệ thống cống thoát nước phù hợp hơn với điều kiện của TP, để có các thiết kế hiệu quả hơn cho hai lưu vực nêu trên. Tôi biết việc này không đơn giản bởi các bộ, ngành trung ương thường đưa ra các tiêu chí xây dựng chung cho cả nước. Tình trạng mưa càng ngày càng lớn cũng không phải là phổ biến ở tất cả các TP trên cả nước. Các bộ ngành trung ương cũng khó có thể điều chỉnh tiêu chí chung để buộc cả nước phải theo TPHCM. Do vậy, tốt nhất TPHCM nên đề xuất được xây dựng tiêu chí riêng phù hợp với đặc điểm của TP.

Với ảnh hưởng ngày càng rõ nét của biến đổi khí hậu và hiệu ứng đảo nhiệt, các nghiên cứu cho thấy rằng TPHCM nên thiết kế hệ thống cống có khả năng tiêu thoát cho các cơn mưa có vũ lượng khoảng 140 - 150mm trong 3 giờ trong tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, không nên phân biệt chu kỳ tràn cống khác nhau cho từng loại cống cấp 1, 2, 3 vì nếu cống cấp 3 hoặc nhỏ hơn không đủ năng lực thoát nước thì năng lực thoát nước chung của hệ thống cũng bị giới hạn theo. Do vậy, nên thiết kế tất cả các loại cống có cùng một chu kỳ tràn cống để tăng khả năng thu nước và thoát nước của toàn hệ thống. Khoảng cách và kích thước các miệng thu nước cũng phải được quy định lại cho phù hợp.

Đặc biệt là các khu dự án nhà ở có hệ thống thoát nước tự xây dựng không nên vì lợi nhuận trước mắt mà tiết giảm chi phí đầu tư cho hệ thống thoát nước. Đối với các lưu vực đã lắp đặt hệ thống cống thoát nước theo thiết kế cũ, tốt nhất TPHCM nên triển khai thực hiện thêm nhiều giải pháp chống ngập khác như làm hồ điều tiết trên các diện tích công cộng, trong các khu dân cư và từng bước vận động các hộ dân có điều kiện cùng tham gia chứa nước mưa trong mỗi gia đình. Việc này tuy khó nhưng nếu không làm, không thể giải quyết căn cơ tình trạng ngập ở các khu vực này.

Không làm tăng chi phí

* Làm hệ thống cống với công suất thiết kế lớn, liệu có làm gia tăng chi phí xây dựng? Hiện nay với các thiết kế cũ, trung bình chi phí cải thiện môi trường, chống ngập cho mỗi lưu vực cũng đã lên tới vài trăm triệu USD… Đó là chưa kể, TPHCM có 5 lưu vực thoát nước thì trong đó 3 lưu vực có hệ thống cống nhỏ còn 2 lưu vực có hệ thống cống lớn hơn. Làm sao tích hợp toàn bộ hệ thống cống thoát nước chung cho toàn thành phố, thưa ông?

* Thực ra, 5 lưu vực này tách biệt với nhau một cách tương đối về mặt địa hình và thủy hệ. Còn nói về chi phí xây dựng, tôi cho rằng chi phí xây dựng sẽ không tăng quá cao khi điều chỉnh tăng công suất thiết kế của cống. Hiện nay, chi phí nặng nhất trong thực hiện dự án thoát nước là chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và nhiều chi phí phụ khác. Tuy nhiên, dù có tăng chi phí xây dựng, TPHCM cũng phải chấp nhận để ứng phó hiệu quả hơn với tình trạng ngập, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt.

Hiện nay TPHCM còn một quy hoạch chống ngập khác, đó là quy hoạch chống ngập do triều và lũ, bên cạnh quy hoạch chống ngập do mưa. TPHCM có thể triển khai thêm quy hoạch này để hỗ trợ cho quy hoạch chống ngập do mưa? Công tác quy hoạch đô thị cần làm gì để hỗ trợ công tác thoát nước của thành phố?

* Thực hiện quy hoạch chống ngập do triều và lũ, TPHCM đã xây dựng được khoảng 1.500 phay ngăn triều và hàng chục kilômét đê. Tuy nhiên, những trận ngập nặng nề mấy ngày qua, hoàn toàn do mưa. Thời điểm đó, không có nước triều dâng, bằng chứng là nhiều con rạch ở TP trước trận mưa, nước triều đã hạ xuống tới mức thấp nhưng mưa lớn thì chỉ một lúc sau, nước đã ngập đường.

Tôi nghĩ, đối với TPHCM, chống ngập do mưa là nhiệm vụ quan trọng lúc này. Công tác quy hoạch đô thị có vai trò cực kỳ quan trọng đối với công tác thoát nước, thậm chí có thể nói là quyết định. TP nên tiến hành lồng ghép công tác chỉnh trang các khu dân cư theo hướng loại bỏ dần các khu nhà sập xệ, thấp tầng, thay vào đó, là các khu nhà cao tầng, hiện đại, dành đất dôi dư cho giao thông, cây xanh, và đặc biệt là một tỷ lệ bắt buộc về không gian dành cho nước.

* Cảm ơn ông

Tính đến tháng 9-2014, mùa mưa năm nay đã có tổng cộng 103 cơn mưa trong đó có 25 trận mưa gây ngập với tổng cộng 50 điểm ngập. Trong đó khu vực trung tâm có 24 điểm ngập và vùng ngoại vi có 26 điểm ngập. Cụ thể: quận 6 có 9 điểm ngập, quận Bình Thạnh: 12 điểm, quận Phú Nhuận: 1, quận 11: 2, quận Tân Phú: 3, quận Thủ Đức: 4, quận 9: 1, quận 2: 4, quận 12: 3, quận Gò Vấp: 5, quận 8: 3, quận Bình Tân: 3…

Trong 25 trận mưa gây ngập, trận mưa ngày 6-9 gây ra nhiều điểm ngập nhất với 29 điểm ngập. Cụ thể: 11 điểm ngập thuộc lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, 12 điểm thuộc lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè…

NGUYỄN KHOA

Tin cùng chuyên mục