Muốn hội nhập thành công phải thấu hiểu khách hàng

Năm 2016 là năm bản lề của tiến trình hội nhập, bởi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế đã ký kết và được thực thi, cùng với Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành sẽ tác động toàn diện đến nền kinh tế Việt Nam.
Muốn hội nhập thành công phải thấu hiểu khách hàng

Năm 2016 là năm bản lề của tiến trình hội nhập, bởi hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế đã ký kết và được thực thi, cùng với Cộng đồng kinh tế ASEAN được hình thành sẽ tác động toàn diện đến nền kinh tế Việt Nam.

Với các doanh nghiệp (DN) họ suy nghĩ gì, làm gì cũng như đón nhận những cơ hội và thách thức từ việc thực thi các cam kết này như thế nào? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với “thuyền trưởng” của nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam - ông Diệp Dũng, Chủ tịch HĐQT Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), để làm rõ những vấn đề nêu trên.

Mua bán và sáp nhập - xu hướng tất yếu

Muốn hội nhập thành công phải thấu hiểu khách hàng ảnh 1

* PV: Xin chúc mừng ông và Saigon Co.op về những kết quả đã đạt được trong năm 2015, đặc biệt là doanh thu của Saigon Co.op trong dịp Tết Bính Thân 2016 đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 16% - mức tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Đây là một con số rất ấn tượng trong tình hình kinh tế khó khăn, sức mua chưa thực sự phục hồi. Nếu được nêu một  thành tích điển hình của Saigon Co.op trong năm 2015 thì ông sẽ chia sẻ thông tin nào ?

* Ông DIỆP DŨNG: Tôi xin được đề cập ngay đến giải thưởng Top 200 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực năm 2015 do Tạp chí bán lẻ Châu Á trao cho Saigon Co.op. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức giải thưởng của tạp chí bán lẻ hàng đầu châu Á ghi nhận một DN bán lẻ của Việt Nam xuất sắc vượt 27 hạng để lọt vào Top 200 nhà bán lẻ hàng đầu khu vực. Có thể nói, đây là một ghi nhận điển hình đáng kể của cộng đồng quốc tế và người tiêu dùng trong nước dành cho những nỗ lực của tập thể Saigon Co.op trong việc liên tục cải tiến chất lượng dịch vụ trên tinh thần xem người tiêu dùng trong nước là trọng tâm phục vụ.

* Thị trường bán lẻ năm 2016 được khởi động bằng hàng loạt vụ mua bán, sáp nhập (M&A) khá đình đám của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam. Ông có thể đưa ra bình luận gì về những động thái này?

* Tôi cho rằng những chuyển biến vừa nêu là tất yếu khi thị trường bán lẻ Việt Nam đang chuyển mình hội nhập mạnh mẽ hơn bao giờ hết và cần có những nhân tố mới mang tính quy mô hơn và tính liên kết nhiều hơn. Để tạo vị thế cạnh tranh, các DN bán lẻ buộc phải hoặc cùng liên kết tạo mạng lưới chung hoặc phải tự tạo lập mạng lưới quy mô lớn độc lập để tránh “cá lớn nuốt cá bé”. Do đó, xu hướng M&A là không thể tránh khỏi, rất tất yếu và là bước chuẩn bị cần thiết để DN bán lẻ chuẩn bị cho việc hội nhập sâu rộng.

Vấn đề tôi quan tâm nhất ở đây là mặc dù M&A là tất yếu để DN bán lẻ tồn tại và phát triển thì một đơn vị bán lẻ hàng đầu của Việt Nam như Saigon Co.op lại hầu như bị loại ra khỏi cuộc chơi do bị hạn chế về luật và thủ tục quản lý nhà nước, từ đó không thể chủ động tham gia M&A để tăng năng lực cạnh tranh.

Khách hàng mua sắm tại Co.opmart Cống Quỳnh       Ảnh: Cao Thăng

Điển hình là thương vụ M&A của Big C Thái Lan, tổng thời gian từ lúc công ty mẹ công bố thông tin đến khi hệ thống này được bán chưa đến một tháng và đơn vị mua lại Big C Thái Lan chỉ cần có khoảng 10 ngày để quyết định mua.

Còn nhiều khó khăn trong đầu tư

* Theo ông thì những thách thức chúng ta vừa nêu sẽ tác động như thế nào đến vị trí nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam của Saigon Co.op? Saigon Co.op đón nhận lực tương tác này ra sao?

* Bản thân tôi quan niệm rằng cạnh tranh là cần thiết ở tất cả các lĩnh vực và trong lĩnh vực bán lẻ cũng không ngoại lệ. Cạnh tranh làm cho nhà sản xuất phải có trách nhiệm hơn, nhà bán lẻ cũng sẽ phải phục vụ người tiêu dùng tốt hơn. Từ đó, sự cạnh tranh sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn, thiết thực hơn cho người tiêu dùng.

Khách quan mà nói thì những thách thức vừa nêu sẽ ảnh hưởng trực tiếp và tạo áp lực lớn đến vai trò định hướng tiêu dùng, ưu tiên hàng Việt của Saigon Co.op trong thời gian tới. Do đây là cuộc chạy đua không bình đẳng về điều kiện nên Saigon Co.op càng ý thức rõ những khó khăn của mình, từ đó càng quyết tâm hoàn thành tốt vai trò dẫn dắt thị trường bán lẻ trong nước.

Với truyền thống vượt khó, Saigon Co.op phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đáp ứng tốt nhất nhu cầu của thị trường, phục vụ khách hàng ngày càng tốt hơn và đặc biệt là không vì lợi nhuận mà đi ngược lại với niềm tin của khách hàng, những người đã dành cho hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op một sự tin tưởng quý báu trong 20 năm qua. Do vậy, trong chiến lược phát triển 2016, Saigon Co.op cũng xác định sẽ phát huy những lợi thế cạnh tranh riêng để chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh.

* Quy luật chung thì mỗi mô hình kinh doanh đều có khó khăn và thuận lợi riêng, theo ông những hạn chế của mô hình hợp tác xã (HTX) mà Saigon Co.op đang hoạt động là gì và hướng khắc phục ra sao?

* Đối với mô hình HTX hiện hữu mà chúng tôi đang nghiêm túc tuân thủ thì cái khó lớn nhất có lẽ là việc đầu tư mở rộng hệ thống đang bị hạn chế do việc huy động vốn còn gặp nhiều khó khăn. Cũng như quy định giới hạn lượng vốn đầu tư mở rộng phát triển điểm bán cũng chưa được tạo điều kiện như các mô hình kinh doanh khác. Saigon Co.op chưa thể đẩy mạnh việc dùng vốn pháp định để đầu tư vượt hạn mức quy định; dù là HTX quy mô lớn nhất cả nước nhưng Saigon Co.op chưa thể phát triển mạng lưới nhanh và mạnh như nhà đầu tư nước ngoài hiện nay.

Tuy nhiên, một tín hiệu vui là Nhà nước ta cũng đang trong quá trình hoàn thiện Luật Hợp tác xã, trên cơ sở khuyến khích các HTX thông qua Liên minh Hợp tác xã Việt Nam có tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là HTX nhằm tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ khu vực HTX vươn lên xứng tầm với yêu cầu phát triển giai đoạn mới.

Đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết

* Ông có thể nói rõ hơn lợi thế cạnh tranh riêng mà ông vừa đề cập của Saigon Co.op là gì? Liệu rằng các ưu thế riêng này có tạo được đối trọng tương xứng với các thương hiệu bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam vốn mạnh về tiềm lực kinh tế và kinh nghiệm quản lý?

* Theo tôi, không phải chỉ trong thời gian gần đây bán lẻ Việt Nam mới có cơ hội tương tác và học hỏi đối với loại hình bán lẻ hiện đại của các thương hiệu bán lẻ nước ngoài. Từ cách đây 15 năm thì các nhà bán lẻ nước ngoài đã tham gia thị trường và số lượng tăng theo từng năm. Dù áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng như vậy, nhưng như bạn thấy, số lượng điểm bán của Saigon Co.op cũng không ngừng phát triển tăng mạnh theo thời gian và trở thành nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam.

Từ slogan “Saigon Co.op - Niềm tin gắn kết” và “Co.opmart - bạn của mọi nhà”, có thể thấy rằng Saigon Co.op biết đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết. Lợi thế cạnh tranh riêng của Saigon Co.op chính là tinh thần phục vụ tận tâm, thái độ chuyên nghiệp và thấu hiểu sâu sắc về nhu cầu, thói quen mua sắm, từ đó đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người tiêu dùng trong nước. Thứ hai, chính là mạng lưới rộng khắp cả nước và một lượng lớn khách hàng trung thành mà Saigon Co.op đang sở hữu. Thứ ba, mối liên kết chặt chẽ của Saigon Co.op với những đơn vị cung cấp hàng hóa uy tín trong nước để có nguồn hàng phong phú, chất lượng đảm bảo và giá hợp lý.

Bên cạnh đó, đội ngũ trẻ được đào tạo bài bản từ trong nước và nước ngoài, với tâm huyết phục vụ lợi ích cộng đồng của Saigon Co.op cũng là một trong những ưu thế giúp Saigon Co.op vững tin hội nhập với tâm thế chủ động.

* Tôi và người tiêu dùng cả nước đều có thể cảm nhận rằng Saigon Co.op đang phát huy tốt những ưu điểm ông vừa nêu để hệ thống siêu thị Co.opmart trở nên hết sức gần gũi và là nơi mua sắm đáng tin cậy của hàng triệu gia đình Việt Nam. Nhân đây, ông có thể chia sẻ thêm mục tiêu trọng tâm của Saigon Co.op trong năm 2016 là gì?

* Cảm ơn bạn và người tiêu dùng trong nước đã quan tâm và ủng hộ Co.opmart. Đây là động lực to lớn để chúng tôi tiếp tục hoàn thiện để phục vụ tốt hơn nữa.

Trong năm 2016, Saigon Co.op sẽ tập trung đẩy mạnh 4 nội dung trọng tâm sau: Thứ nhất, xem vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng là ưu tiên hàng đầu. Công tác kiểm soát chất lượng hàng hóa sẽ được Saigon Co.op tập trung đầu tư ngân sách lớn, áp dụng các phương pháp, tiêu chuẩn tiên tiến nhất để đảm bảo chất lượng đầu ra. Đồng thời, sẽ có biện pháp chế tài mạnh đối với đơn vị cung cấp hàng hóa vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Thứ hai, thành lập HTX Tiêu dùng để giúp mỗi người tiêu dùng trong nước đều trở thành một người chủ của Co.opmart, để cùng đồng hành và được thụ hưởng những ưu đãi đặc biệt cả về vật chất lẫn tinh thần từ Co.opmart. Thứ ba, áp dụng công nghệ tiên tiến từ quản trị đến thương mại. Cuối cùng, yếu tố quyết định đến uy tín của một hệ thống siêu thị là phải đẩy mạnh liên kết, tạo nguồn hàng phong phú, từ đó kiểm soát tốt hơn về chất lượng, vệ sinh thực phẩm và ổn định giá bán nhằm khép kín chuỗi cung ứng, nâng giá trị gia tăng cho hàng Việt.

Song song đó, Saigon Co.op cũng sẽ phát triển nhanh các mô hình bán lẻ hiện hữu như Co.opmart, Co.opFood, Co.opXtra, Sense City… tại các thị trường trọng điểm. Đồng thời, phát triển mới các mô hình thương mại điện tử và phân khúc cao cấp để có thể phủ kín hầu hết tất cả các phân khúc tiêu dùng trong nước. Saigon Co.op cũng sẽ có chính sách phát triển nguồn nhân lực hợp lý, đa dạng hóa và liên tục nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và chuyên nghiệp hóa hoạt động logistic theo tiêu chuẩn quốc tế.

* Cảm ơn ông và chúc Saigon Co.op ngày càng phát triển!

THÚY HẢI (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục