Cụ thể, mới đây có trường hợp một tập đoàn bảo hiểm nước ngoài từ chối chi trả bảo hiểm vì nghi ngờ có sự câu kết trục lợi bảo hiểm. Cụ thể, tập đoàn này trả chi phí, hoa hồng theo hình thức đa cấp, với tổng số tiền trả lên đến 115% - 120% số tiền thu đợt đầu của hợp đồng bảo hiểm. Do vậy, đại lý đã cấu kết với nhân viên tạo ra các hợp đồng “ảo”.
Chẳng hạn, một hợp đồng bảo hiểm nhân thọ trị giá 5 tỷ đồng với giá thanh toán 100 triệu đồng/năm, các tập đoàn bảo hiểm cho phép thanh toán chi phí hoa hồng cho nhân viên và các cấp quản lý lên đến 115 triệu đồng. Từ đó, một số đại lý tự làm hồ sơ “ảo”, tự bỏ tiền ra nộp đợt đầu để lời ngay 15%. Sau đó ngưng hợp đồng không nộp tiếp.
Nguyên nhân, do các tập đoàn đa quốc gia cạnh tranh nhau mở rộng thị trường nên có chính sách thu hút khách hàng bằng cách chi hoa hồng mức cao cho đại lý. Chính sách hoa hồng được thanh toán theo hình thức đa cấp và giảm dần qua các năm. Năm đầu tổng chi bằng 115% giá trị thu được nhưng các năm sau giảm dần, đến sau 5 năm chỉ còn khoảng 3%.
Đó cũng là nguyên nhân các nhân viên liên tục đổ xô đi tìm khách hàng mới, chăm sóc khách hàng mới đến tận răng, thậm chí chia hoa hồng của mình để ưu đãi cho khách nhằm chiêu dụ khách hàng.
Thế rồi, qua các năm sau, lượng hoa hồng giảm xuống, nhân viên bắt đầu bỏ mặc khách hàng, thậm chí có trường hợp nhân viên không buồn nhắc nhở khách hàng nộp phí khi đến hạn, khiến khách nộp trễ, vi phạm hợp đồng, xảy ra tranh chấp.
Không những trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ mà trong bảo hiểm ô tô cũng vậy, nhân viên cũng tìm mọi cách để trục lợi tiền bảo hiểm. Một anh bạn cho biết, xe anh bị tai nạn, anh yêu cầu bảo hiểm sửa chữa thì nhân viên không đưa xe vào hãng mà đưa đến một gara bên ngoài. Đến khi đưa phiếu để anh ký, nhìn giá tiền anh hết sức ngạc nhiên vì chi phí ở gara quá mắc.
Nhân viên bảo hiểm kêu anh cứ ký, bảo hiểm trả tiền chứ anh không mất gì, nên anh ký. Tuy nhiên, anh đặt vấn đề có thể gara đó của nhân viên bảo hiểm, hoặc là nhân viên móc nối khai khống giá, chứ không ai có thể chấp nhận giá cao như vậy.
Do vậy, nếu các công ty bảo hiểm không thiết lập lại chính sách quản lý hiệu quả, không cơ cấu lại việc trả chi phí hoa hồng hợp lý, thì sẽ làm phát sinh tiêu cực trong lĩnh vực này. Người dân dần dần nhìn ngành bảo hiểm với con mắt thiếu thiện cảm. Để đưa thị trường đi vào nề nếp, Bộ Tài chính cần quy định khống chế mức trần chi hoa hồng không quá 40% - 60%.
Việc chi trả phải rải đều ra trong suốt thời gian “sống” của hợp đồng, thay vì trả ngay “một cục” lúc đầu của hợp đồng. Có như vậy, nhân viên sẽ làm việc trách nhiệm hơn, thị trường bảo hiểm sẽ phát triển bền vững hơn.