Mưu sinh mùa dịch

Nhiều bạn trẻ trong số những người hơn 2 tháng qua chịu cảnh thất nghiệp vì ảnh hưởng dịch bệnh từng là sinh viên đại học, cao đẳng và đã phải phấn đấu rất nhiều để bám trụ ở TPHCM. Với họ, thời điểm này không phải là dịp để trải nghiệm “sống chậm”, mà là “sống nhanh” hơn một chút, nỗ lực làm mọi việc để sống được ở thành phố.
Mưu sinh mùa dịch

Từ giữa tháng 2-2020 đến nay, chị Lê Thị Lan Anh (quê huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) tạm nghỉ việc không lương ở một trường mầm non tư thục trên địa bàn quận 12, TPHCM. Theo Lan Anh, thu nhập của một giáo viên mầm non gần 8 triệu đồng/tháng, tằn tiện là đủ sống và để dành chút ít. Từ lúc nghỉ dạy học do dịch bệnh, hàng chục giáo viên của trường cô tranh thủ về quê. Tiền thuê mặt bằng dạy học khoảng 50 triệu đồng/tháng đang được ban lãnh đạo nhà trường đàm phán, đề nghị miễn giảm với chủ nhưng chưa được phản hồi. “Mình đã phải nghỉ việc không lương về quê, nhưng con đường quay trở lại TPHCM dạy học khi dịch kết thúc cũng khó khăn hơn nhiều”, Lan Anh tâm sự. 

Cùng chung cảnh ngộ, bạn Phương Quân Anh, đầu bếp một nhà hàng tại quận 10, TPHCM cho hay, đã tạm nghỉ việc từ cuối tháng 2 và nhận hỗ trợ của nhà hàng 1,5 triệu đồng/tháng; trong khi đó, lương, thưởng mỗi tháng trước khi có dịch Covid-19 là gần 10 triệu đồng. Hiện tại, Quân Anh đang ở Đắk Lắk phụ bán quán nước của ba mẹ, kèm giao đồ ăn sáng; bán bơ sáp, trái cây các loại cho bạn hàng ở Bình Định, Quảng Ngãi. 

Để “đủ sống”, người bám trụ lại thành phố thì nhận chân giao hàng, người chọn về quê thì phụ việc buôn bán của gia đình, hay chuyển hướng qua kinh doanh online.  Theo một số liệu của Bộ LĐTB-XH mới đây, nếu dịch Covid-19 kéo dài, số lượng lao động mất việc có thể lên đến hơn 1,3 triệu người, trong đó có rất nhiều người trẻ. Tuy nhiên bán hàng online cũng chưa phải là giải pháp mang lại nhiều hiệu quả cho các bạn thời điểm này. 

Ngọc Diệu, quê Bình Định, là nhân viên một công ty du lịch ở thành phố. Công ty tạm đóng cửa, nguồn tiền duy trì trợ cấp cho nhân viên cạn dần. Diệu và vài nhân viên khác tình nguyện nghỉ không lương đến khi công ty mở trở lại, bởi chính giám đốc công ty cũng phải chuyển qua bán hàng online để kiếm sống. Diệu về nhà trọ và cũng mở trang… bán hàng online từ các sản phẩm quê nhà. Không giỏi PR và cũng không tìm ra “chiêu” mua may bán đắt nên mấy chục triệu tiền để dành của Diệu chỉ trong 2 tháng đã rơi rụng dần. Giờ thì Diệu đã về quê, chờ ngày công ty mở lại để quay về thành phố... 

Tin cùng chuyên mục