Trong một tuyên bố đưa ra ngày 30-11, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ gặp các thành viên nội các và giới lãnh đạo dân quyền về vấn đề liên quan tới vụ việc ở thị trấn Ferguson. Cuộc họp sẽ thảo luận về việc xem xét chỉ thị của ông Obama liên quan tới các chương trình liên bang, theo đó cung cấp trang thiết bị cho các cơ quan hành pháp địa phương.
Người da đen biểu tình nằm tại một trung tâm thương mại ở Ferguson.
Biểu tình không dứt
Như tin đã đưa, luật sư của sĩ quan cảnh sát Darren Wilson - người bắn chết thanh niên da đen Michael Brown ở thị trấn Ferguson thuộc tiểu bang Missouri, Mỹ hôm 30-11 thông báo ông Wilson xin rời khỏi lực lượng cảnh sát tại Ferguson. Trong một bức thư gửi báo St Louis Post Dispatch, Darren Wilson lý giải là ông vẫn muốn tiếp tục làm cảnh sát viên nhưng phải thôi việc để “tránh tạo hiểm nguy cho dân cư địa phương và đồng nghiệp tại Ferguson”. Viên cảnh sát da trắng bắn chết Michael Brown ngày 9-8 vừa qua bằng 6 phát súng cho rằng an ninh của cảnh sát và dân chúng địa phương là điều quan trọng nhất.
Tuy vậy, quyết định thôi việc không làm giảm cơn giận của cộng đồng da đen. Hiệp hội Quốc gia vì sự tiến bộ của người da màu (NAACP) phát động cuộc tuần hành dài 193km từ thị trấn Ferguson, nơi xảy ra vụ việc, đến thủ phủ Jefferson City của bang Missouri. Tham gia cuộc tuần hành ban đầu là hơn 150 người, trong đó có cả trẻ em, đến từ nhiều bang với hy vọng sẽ kéo theo hàng ngàn người cùng xuống đường yêu cầu sa thải người đứng đầu lực lượng cảnh sát ở Ferguson, cải cách hệ thống cảnh sát trên toàn quốc và chấm dứt nạn phân biệt chủng tộc.
Trước đó, tại hạt St. Louis, hàng trăm người dân tập trung tại trung tâm mua sắm St Louis Galleria và hô khẩu hiệu phản đối, tẩy chay Ngày vàng mua sắm. Cảnh sát đã phải cho đóng cửa trung tâm này trong 2 giờ để bảo đảm an ninh. Tại thành phố New York, khoảng 200 người biểu tình cũng hưởng ứng phong trào này bằng cách tụ tập phản đối trước cửa hàng chính của hãng bán lẻ danh tiếng Macy tại Quảng trường Herald. Ở khu vực vịnh San Francisco, người dân còn chặn các chuyến tàu ra vào ga Tây Oakland, làm tê liệt hệ thống vận tải BART trong suốt hơn 2 giờ.
Động lực cải cách tư pháp
Với tiêu đề “Tư pháp Mỹ khó chữa bệnh kỳ thị”, trang Tin tham khảo, Trung Quốc ngày 30-11 bình luận rằng, ngoài nạn kỳ thị chủng tộc, thủ tục tố tụng bằng bồi thẩm đoàn đã góp phần khiến bạo loạn ở Ferguson bùng phát và lan ra khắp nước Mỹ. Dù chế độ bồi thẩm đoàn được cho là mang lại công bằng trong các vụ án hình sự nghiêm trọng, nhưng cũng gây nhiều tranh cãi trong dư luận, điển hình là vụ án Simpson giết vợ năm 1994 và Casey sát hại bạn gái năm 2008, bồi thẩm đoàn đã ra phán quyết vô tội khiến dân Mỹ vô cùng bất mãn.
Vụ án ở Ferguson khiến xã hội Mỹ ngày càng chia rẽ, các cuộc biểu tình quy mô lớn có thể nhanh chóng chuyển sang tình trạng bạo lực do căng thẳng giữa cảnh sát và người da màu ở Mỹ đã âm ỉ suốt nhiều thập kỷ qua. Ngay cả Tổng thống Obama vốn rất thận trọng trong các phát ngôn về vụ này cũng phải thừa nhận vụ việc ở Ferguson trở thành một “thách thức lớn”, “đây không còn là vấn đề của Ferguson mà trở thành vấn đề của toàn nước Mỹ”.
Bài báo kết luận, những diễn biến ở Ferguson cho thấy khiếm khuyết lớn về công bằng xã hội và nhiều bất cập trong ngành tư pháp Mỹ, nhưng người Mỹ có thể lấy đó như động lực để cải cách ngành tư pháp, xóa bỏ phần nào sự phân biệt chủng tộc, mang lại nhiều thuận lợi hơn cho cộng đồng người da đen, da màu ở Mỹ.
VIỆT ANH (tổng hợp)