Theo trang tin PhilStar, sau khi Thỏa thuận tăng cường hợp tác quốc phòng (EDCA) Mỹ - Philippines được ký kết, Manila và Washington đang thương thuyết về những điểm cụ thể. Bộ Quốc phòng Philippines vừa cho biết nước này có thể mở cửa từ 3 - 5 căn cứ quân sự của mình cho phía Mỹ sử dụng trong việc luân chuyển phi cơ, tàu bè, thiết bị và binh lính.
Trở lại chốn cũ
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Philippines Pio Lorenzo Batino cho biết, các cuộc thảo luận đang xoay quanh số lượng từ 3 - 5 căn cứ quân sự và việc thương thuyết dự kiến sẽ kết thúc chậm nhất là vào ngày 30-9.
Ông Batino chỉ tiết lộ 2 nơi có thể sẽ được mở cửa cho quân đội Mỹ, một là cơ sở huấn luyện chiến đấu trong rừng rậm tại Fort Magsaysay, phía Bắc Manila, nơi mà quân đội 2 bên thường chọn để tổ chức các cuộc tập trận chung. Hai là một phần căn cứ hải quân Subic, vốn dĩ là căn cứ của Mỹ tại Philippines cho đến đầu thập niên 1990. Ba căn cứ còn lại không được Thứ trưởng Bộ quốc phòng Philippines tiết lộ.
Tuy nhiên, tờ Wall Street Journal (WSJ) đã liệt kê 5 căn cứ mà Mỹ muốn tiếp cận đó là: Subic, Clark ở Pampanga, Oyster Bay ở Palawan, Brooke’s Point ở Palawan và quần đảo Batanes. Bên cạnh đó, phía Mỹ đang xem xét khả năng được quyền tiếp cận 4 phi trường dân sự tại Philippines, dự kiến được dùng vào việc tiếp nhiên liệu và cung ứng dịch vụ khẩn cấp khi cần thiết.
Phó Tổng thống Philippines Jejomar Binay tuyên bố EDCA được ký kết không chỉ ngăn chặn sự đe dọa đối với an ninh Philippines từ các thế lực bên ngoài mà còn cung cấp một cơ chế phản ứng nhanh đối với thiên tai. “Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines và khả năng tương tác giữa lực lượng vũ trang 2 nước sẽ giúp tăng đáng kể khả năng phòng thủ của Philippines”, ông Binay nói.
Thông qua EDCA, Philippines có thể nâng cấp nền tảng an ninh của nước này mà không cần phải sử dụng một phần đáng kể nguồn lực tài chính hạn chế của mình để chi cho một cuộc chạy đua vũ trang, mua sắm vũ khí phục vụ cho an ninh quốc phòng. Phó Tổng thống Binay xem EDCA là một trụ cột quan trọng trong chính sách an ninh của Philippines trong khu vực.
“Giám sát nút cổ chai quan trọng”
Giới quan sát nhận định việc lực lượng Mỹ được tăng cường tại Philippines sẽ góp phần giúp Manila kháng lại sức ép của Trung Quốc trong bối cảnh Manila và Bắc Kinh đang có những tranh chấp về chủ quyền trên biển Đông.
Trong khi đó, với EDCA, Mỹ đã cụ thể hóa được một bước trong chính sách xoay trục về châu Á, kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. WSJ tiết lộ một chi tiết về lý do Mỹ chọn căn cứ tại Batanes đó là “điểm thuận lợi tuyệt vời mà từ đó có thể giám sát một nút cổ chai quan trọng trên biển đối với bất kỳ con tàu nào rời khỏi Trung Quốc đến Thái Bình Dương”.
Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về châu Á tại Học Viện quốc phòng Australia, nhận định những động thái của Mỹ từ chuyến thăm 4 nước châu Á của Tổng thống Mỹ Barack Obama đến việc ký kết EDCA đã khẳng định sự can thiệp của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Ông Douglas Paal, Giám đốc chương trình châu Á tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế cũng đồng tình với quan điểm trên và cho rằng các đồng minh của Mỹ tỏ ra quan ngại trong bối cảnh họ đặt rất nhiều tin tưởng vào việc Mỹ tiếp tục duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ tại châu Á để làm đối trọng với Trung Quốc đang cố gắng thiết lập quyền kiểm soát lãnh thổ cả trên biển và trên không, cả trên biển Hoa Đông - đe dọa Nhật Bản, Hàn Quốc, lẫn biển Đông, đe dọa Philippines, Malaysia...
Chuyên gia Andrew Hammond, nguyên cố vấn đặc biệt trong chính phủ của Thủ tướng Anh Tony Blair trước đây, hiện là giảng viên tại Trường Kinh tế London cho rằng, việc ký kết EDCA như một thông điệp của Tổng thống Mỹ gửi đến Trung Quốc rằng: Bắc Kinh không được sử dụng vũ lực trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.
Đây là lập trường của Mỹ bấy lâu nay rằng giải quyết tranh chấp lãnh thổ phải thông qua luật pháp quốc tế và ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc đàm phán một Bộ Quy tắc ứng xử ở biển Đông với Trung Quốc.
ĐỖ CAO (tổng hợp)