Trong khi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối kịch liệt chính quyền của ông Gaddafi, đặc biệt các nước phương Tây tuyên bố sẵn sàng dùng quân sự để đưa Libya vào trật tự mới, lãnh đạo Gaddafi vẫn tự tin mình được đông đảo người dân ủng hộ.
Cấm bay
Hãng AFP ngày 1-3 đưa tin, trong nỗ lực tăng cường can thiệp để chống chính quyền của Gaddafi, lực lượng quân sự của Mỹ đang tiến gần sát biên giới Libya. Mỹ cho biết đã mang theo tàu sân bay USS Enterprise ở Biển Đỏ, tàu tấn công đổ bộ USS Kearsarge, một phi đội trực thăng và 2.000 thủy quân lục chiến.
Thêm vào đó, Mỹ có căn cứ máy bay của hải quân ở Sigonella, trên đảo Sicily miền Nam Italia, chỉ cách Libya chưa đến một giờ bay.
Theo Lầu Năm Góc, động thái này nhằm tăng tính linh hoạt của quân đội trong trường hợp Mỹ muốn đưa ra một quyết định. Theo CS Monitor, việc quân đội Mỹ tái triển khai các vị trí đóng quân gần Libya là nhằm đảm bảo việc thực thi lệnh cấm bay tại Libya trong vài ngày tới.
Với lệnh cấm này, các máy bay dưới quyền ông Gaddafi sẽ không tài nào tấn công được người biểu tình đối lập. Hiện nay, Mỹ đã có sự hiện diện khá lớn tại khu vực gần Libya với một số căn cứ đóng ở miền Nam Italia.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton hôm 28-2 cho rằng việc chuẩn bị quân đội này còn nhằm mục đích chuẩn bị các hoạt động nhân đạo trước tình hình quá rối ren ở Libya. Bên cạnh đó, đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice tuyên bố Washington đang cân nhắc việc thiết lập vùng cấm bay tại Libya và thảo luận với NATO cùng các đối tác quân sự khác về vấn đề này.
Với quyết tâm sát cánh cùng phe đối lập Libya, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định nước này sẽ dành khoản tiền 10 triệu USD để ủng hộ các tổ chức tại Libya. Đồng thời, Mỹ đã điều 2 nhóm công tác nhân đạo đến giúp nhóm người đối lập trên rời khỏi đất nước. Ngày 1-3, Washington đã đóng băng khối tài sản khoảng 30 tỷ USD của Libya.
Thủ tướng Anh D.Cameron hôm thứ hai 28-2 loan báo đang hợp tác với đồng minh để thiết lập vùng cấm bay quân sự trên lãnh thổ Libya và ông khẳng định rằng Anh sẽ sử dụng quân đội để mang đến điều tốt nhất cho người dân Libya. Pháp cho hay họ đang cung cấp viện trợ y tế cho TP Benghazi ở miền Đông với chiến dịch có quy mô lớn để hỗ trợ lực lượng đối lập. Pháp cũng cho biết họ không ngần ngại sử dụng quân đội trong trường hợp cần thiết.
Các nước EU cũng yêu cầu tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp về tình hình Libya.
Hiện nay, cả hai phe ở Libya đang củng cố lực lượng. Lãnh đạo Gadhafi vẫn cố giữ thủ đô Tripoli và vài thành phố gần đó, còn phe nổi dậy đã chiếm toàn miền Đông nước này và khu vực phía Tây gần Tripoli.
Cố thủ
Đứng trước áp lực dữ dội từ dư luận quốc tế cũng như những cảnh báo hiện diện quân sự của các quốc gia phương Tây, lãnh đạo Libya vẫn quyết tâm với lời thề chiến đấu tới giọt máu cuối cùng. Sau khi ra lệnh tàn phá các cơ sở dầu mỏ, thả các tù nhân là chiến binh Hồi giáo Libya, lực lượng thân ông Gaddafi ngày 1-3 đã tỏa ra khắp hướng để tấn công phe đối lập đang tập trung ở thành phố Zawiya ở phía Tây Libya.
Khủng hoảng chính trị ảnh hưởng nặng tới đời sống người dân Libya khi giá gạo tại đây đã tăng 500%, hạn chế bán bánh mì ở nhiều nơi. Hội Chữ thập đỏ quốc tế ICRC đã lên tiếng yêu cầu được tiếp cận các khu vực đang xảy ra bất ổn nghiêm trọng ở Libya để hỗ trợ nhân đạo kịp thời. Việc di tản người nước ngoài khỏi Libya đang được ráo riết thực hiện.
Đến ngày 1-3, đã có 2.000 người Ấn Độ trong số 18.000 người đang sống và làm việc tại Libya rời khỏi nước này. Đối với Philippines, Ngoại trưởng nước này đã đích thân đưa 550 công dân từ thủ đô Tripoli sang nước láng giềng Tunisia bằng đường bộ đầy rủi ro.
Hiện nay, chỉ mới 1.800 người Philippines trong số 26.000 người thoát khỏi chảo lửa chính trị ngày càng sôi sục ở Libya. Trung Quốc sơ tán được 2.500 người trong số 29.000 công dân của mình về nước. Theo LHQ, khoảng 100.000 người đã bỏ chạy khỏi Libya trong tuần qua và hàng ngàn người thiệt mạng khi chính quyền dùng quân đội trấn áp biểu tình.
Như Quỳnh
Thông tin liên quan |
- Mỹ phong tỏa tài sản gia đình Tổng thống Libya - HĐBA LHQ họp về tình hình Libya |