
Tham gia vào một đợt kiểm tra đột xuất của Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, chúng tôi cảm nhận được phần nào dấu hiệu tiến triển trong ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp.
Xuân mới, cách hành xử cũng mới

Dây chuyền sản xuất của xí nghiệp Hương Việt luôn đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường.
Điểm đến đầu tiên của chúng tôi là xưởng Nghiên cứu thực nghiệm thuộc Công ty TNHH một thành viên hóa chất cơ bản miền Nam. Đây là một trong những đơn vị sản xuất gây ô nhiễm và nhiều lần bị người dân phản ánh khiếu kiện.
Thực tế khảo sát cho thấy, hoạt động sản xuất chủ yếu của đơn vị là muối tinh, muối sấy với công suất khoảng 60 tấn/tháng và magiê sunfat.
Hệ thống muối thô chưa xử lý sau khi chạy qua băng tải rửa được chuyển qua sấy khô, sàng lọc và đóng bao. Nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất được đơn vị thu gom chuyển về bể xử lý.
Riêng bùn thải từ sản xuất magiê sunfat được công ty lắng lọc thu gom và chuyển giao cho Công ty Môi trường đô thị xử lý. Trước đó, đơn vị đã nhiều lần bị người dân khiếu kiện cho rằng khí thải phát sinh từ sản xuất của công ty gây hư hỏng, mục rỉ tôn nhà dân.
Ông Nguyễn Văn Phương, Quyền Giám đốc xưởng cho biết, đúng là trước đây khi sản xuất có phát sinh khí gây mục rỉ mái tôn nhà dân. Tuy nhiên, đến nay, chấp hành chủ trương di dời của thành phố nên xưởng đã di dời công đoạn sản xuất gây ô nhiễm vào hoạt động trong nhà máy (được xây dựng đạt tiêu chuẩn môi trường) tại tỉnh Đồng Nai. Phần dây chuyền sản xuất còn lại dự kiến cuối tháng 4-2009 sẽ di dời toàn bộ.
Tương tự, khi Đoàn thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường ập vào kiểm tra đột xuất hệ thống xử lý nước thải của Xí nghiệp Hương Việt thuộc Công ty cổ phần Công nghiệp hóa chất và vi sinh và Công ty cổ phần dệt gia dụng Phong Phú, cả hai hệ thống xử lý nước thải của các đơn vị vẫn đang vận hành bình thường. Bản thân công ty cũng đã xuất trình đầy đủ chứng từ quy định về vấn đề quản lý và xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất.
Vẫn còn những hạt sạn
Điều đáng ghi nhận dịp đầu xuân 2009 là ý thức bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp đã có cải thiện đáng kể. Nhìn chung lãnh đạo các doanh nghiệp đã phần nào ý thức được rằng thực hiện bảo vệ môi trường chính là yếu tố sống còn của doanh nghiệp. Bà Lương Thị Thanh Loan, Giám đốc Xí nghiệp Hương Việt cho biết, bản thân công ty đã từng bước chấn chỉnh lại hoạt động bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất.
Cụ thể, đơn vị đã xây dựng hố tập trung nước thải sản xuất. Sau đó, toàn bộ lượng nước thải sẽ được bơm vào xử lý hóa lý, kỵ khí, hiếu khí. Nước thải sau xử lý còn được công ty tận dụng để tưới cây.
Riêng ông Trần Ngọc Nga, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần dệt gia dụng Phong Phú cho biết, ý thức việc phải thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, công ty đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Ngoài ra, 4 lò hơi của công ty có công suất 4.500m³/giờ sử dụng nhiên liệu đốt bằng than đá cũng đã được đầu tư hệ thống xử lý khí thải được Sở Tài nguyên và Môi trường nghiệm thu…
Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng các doanh nghiệp vẫn còn vướng nhiều lỗi vi phạm môi trường. Cụ thể như xưởng nghiên cứu thực nghiệm thuộc Công ty TNHH một thành viên hóa chất cơ bản miền Nam vẫn còn để hóa chất vương vãi ra ngoài; giấy phép đăng ký khai thác nước ngầm của Công ty Phong Phú đã hết hạn và chưa triển khai đăng ký kịp; Xí nghiệp Hương Việt vẫn để bùn thải rơi vãi ra ngoài chưa được thu gom triệt để.
Thế nhưng, theo bà Lê Thị Kim Oanh, Trưởng đoàn Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, các doanh nghiệp trên nói riêng và những doanh nghiệp trên địa bàn thành phố nói chung đã bước đầu có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, từng bước nhìn nhận đúng hơn việc phải chấp hành và triển khai thực hiện bảo vệ môi trường.
Minh Xuân