Cách đây 2 năm, hình ảnh những “lô cốt” đặt tại nhiều tuyến đường trong thành phố như một đại - công - trường đào đường, kéo dài suốt một thời gian gây ách tắc giao thông… Vấn nạn ấy sẽ như thế nào trong năm 2011?
Thống kê tổng hợp mới nhất của ngành giao thông vận tải cho thấy, đến hết năm 2010 trên địa bàn thành phố có tổng cộng 64 vị trí đào đường trên đường bộ để phục vụ thi công các công trình hệ thống thoát nước có vốn ODA và các dự án khác trên 32 tuyến đường. Trong số này, dẫn đầu là Dự án Vệ sinh Môi trường thành phố (VSMTTP) lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè với 23 vị trí rải rác trên 9 tuyến đường, thứ nhì là Dự án Nâng cấp đô thị TPHCM lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm với 22 vị trí cũng rải rác trên 9 tuyến đường.
Tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện nay chỉ còn chưa đầy 4 tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Tân Mão 2011, ít nhất trên các tuyến đường chính, đường trục xuyên tâm của thành phố đã hết hẳn hoặc còn rất thưa thớt vị trí đào đường, như tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi - Nam Kỳ Khởi Nghĩa dẫn từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vào trung tâm thành phố, đại lộ Trần Hưng Đạo, đường Hai Bà Trưng, Võ Thị Sáu…
Số liệu tổng hợp chưa đầy đủ từ Sở Giao thông Vận tải TPHCM, sẽ có khoảng 20.000m đường tiếp tục được thi công phục vụ các công trình ngầm trong năm 2011, trong đó phần chủ yếu là hơn 8.100m thuộc về trách nhiệm của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM và hơn 7.500m khác thuộc thẩm quyền của chủ đầu tư Ban Quản lý Dự án Nâng cấp đô thị…
Đào đường để xây dựng các công trình chống ngập, vệ sinh môi trường đô thị là cần thiết, nên người dân thành phố có thể thông cảm với ngành chức năng về việc phải tiếp tục sống chung với đào đường thêm một thời gian nữa. Thế nhưng, điều băn khoăn lớn nhất là ở chỗ những bệnh cũ liên quan tới đào đường liệu có còn tiếp tục xảy ra trong năm mới 2011 hay không?
Trong suốt quãng thời gian dài vừa qua, đặc biệt nửa cuối năm ngoái 2010, cơ quan chức năng vẫn thường xuyên liên tục phát hiện hàng loạt va vấp, sự cố xung quanh các rào chắn đào đường. Hình thức sai phạm không những không mới mà có vẻ càng lúc càng làm đau đầu cơ quan chức năng. Quanh đi quẩn lại vẫn là: không bố trí biển báo, rào chắn; thi công không giấy phép; không bố trí người hướng dẫn giao thông; không gắn đèn đỏ ở hai đầu đoạn đường thi công vào ban đêm; không hoàn trả phần đường theo nguyên trạng…
Thậm chí cùng một nhà thầu thi công hoặc cùng một đơn vị tư vấn giám sát nhưng thường xuyên bị “điểm danh” là hay sai lỗi. Chẳng hạn như đã từng có lần Công ty Liên doanh Xây dựng VIC bị phê bình vì không thực hiện đúng theo phương án phân luồng giao thông đã được ngành chức năng phê duyệt, thay vào đó lại dựng rào chắn vượt quá diện tích cho phép gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông trên đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa đoạn đi qua quận 3.
Tương tự, từng có lúc nhiều tuyến đường thuộc Dự án VSMTTP lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Dự án Nâng cấp đô thị thành phố lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm, mặc dù đã thi công lắp đặt công trình ngầm xong xuôi, nhưng các đơn vị thi công không hiểu sao lại chỉ tái lập lớp nhựa thô thấp hơn mặt đường hiện hữu từ 4-7cm, rất dễ gây mất an toàn giao thông cho người và phương tiện đi lại. Cũng có một số tuyến đường đã tái lập bê tông nhựa nóng nhưng chất lượng tái lập không tốt nên chẳng mấy chốc mặt đường bong tróc lớp nhựa, nhìn vừa bôi bác về mặt mỹ quan đô thị lại vừa không đảm bảo an toàn giao thông.
Cho đến nay, cơ quan chức năng chưa có câu trả lời thỏa đáng cho các chứng bệnh nêu trên thì “Bệnh cũ liệu có tái phát?” vẫn còn tiếp tục là một dấu hỏi để ngỏ.
THIỆN NHÂN