Việt Nam là một trong những quốc gia chịu nhiều tác động từ biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Do đó, phát triển bền vững bằng những công nghệ thân thiện với môi trường; giảm tối đa phế thải độc hại và tăng cường khả năng tái chế; đầu tư công nghệ mới, sử dụng năng lượng hợp lý… là những giải pháp quan trọng cần được hỗ trợ đầu tư mạnh mẽ, để đối phó với tình trạng suy thoái môi trường đang diễn ra ngày càng phức tạp.
Ông Nguyễn Văn Phụng, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Bộ Tài chính, cho biết tuy nước ta chưa đưa ra khái niệm về “công nghệ xanh” nhưng trên thực tế đã có chính sách đầu tư, khuyến khích áp dụng các công nghệ thân thiện với môi trường. Ở Việt Nam đã có một số chính sách đầu tư và hỗ trợ tài chính đối với “công nghệ xanh” trong hệ thống pháp luật bao gồm Luật Doanh nghiệp; Luật Bảo vệ môi trường; Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả… dù đã có chính sách ưu đãi nhưng vẫn còn nhiều doanh nghiệp (DN) chưa áp dụng đúng cách. Đơn cử như khi phát minh ra công nghệ thì đòi hỏi người phát minh cần biết cách đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, phải có chứng chỉ chứng minh đó là “công nghệ xanh”, lúc đó mới được hỗ trợ về mặt thuế, tài chính. Để có được chứng nhận xanh thì DN phải làm hồ sơ trình lên Bộ Khoa học - Công nghệ để xét duyệt. Trong hồ sơ cần chứng minh được công nghệ đó thân thiện với môi trường mang lại hiệu quả cho DN.
Mặt khác, tiêu chí tiên quyết để một DN tham gia vào dự án là lãnh đạo DN phải có nhiệt huyết, năng lực và tầm nhìn đối với công việc kinh doanh. DN sẵn sàng dành nguồn lực cho dự án bao gồm nhân sự, thời gian, nguyên liệu, chế tạo thử nghiệm. Tiềm năng đổi mới mạnh mẽ, mô hình có khả năng nhân rộng và DN sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các đơn vị khác. Các DN đang hoạt động muốn đầu tư mới công nghệ hoặc đổi mới một số trang thiết bị để nhằm bảo vệ môi trường thì tùy quy mô, loại hình khác nhau mà có những chính sách ưu đãi khác nhau. Ví dụ, nhà máy chế biến đường thay đổi công nghệ xử lý chất thải thì những công nghệ đó được ưu đãi về thuế khi đầu tư và chi phí đó cũng được ưu đãi nguồn vốn tín dụng.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng, đưa công nghệ xanh vào sản xuất sẽ giúp DN tiết kiệm được năng lượng, nguồn nguyên liệu và góp phần bảo vệ môi trường, đây chính là tiêu chí để DN phát triển bền vững và là mối quan tâm hàng đầu của DN. Thời gian qua, chúng ta đã chứng kiến hàng loạt lĩnh vực sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghiệp, năng lượng và nhiều lĩnh vực khác đều hướng tới thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, đây là một quá trình dài và rất khó khăn đòi hỏi phải có sự đồng tâm, chia sẻ của tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, khu vực DN và cả cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Phụng cho biết thêm, mặc dù lĩnh vực “công nghệ xanh” chưa được cụ thể hóa thành văn bản luật nhưng các chính sách ưu đãi hiện hành đã và đang dành những điều khoản chính sách ưu đãi lớn đối với các DN. Theo đó, các DN thành lập mới từ dự án đầu tư “công nghệ xanh” thuộc lĩnh vực công nghệ cao theo quy định của pháp luật thì được ưu đãi thuế thu nhập DN với thuế suất 10% trong 15 năm; miễn thuế tối đa trong 4 năm và giảm thuế tối đa trong 9 năm tiếp theo. Không chỉ thế, DN còn được ưu đãi nhiều về thuế suất khẩu và nhập khẩu. Nhà nước cũng có nhiều ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt cho các DN.
Thống kê từ Bộ Tài chính, chính sách tài trợ từ ngân sách nhà nước dành cho công nghệ xanh tăng lên hàng năm. Cụ thể, năm 2008 tăng so với năm 2007 là 11%; năm 2009 tăng so với 2008 là 32,6%; năm 2010 tăng 21% so với 2009 và năm 2011 tăng so với 2010 là 22%. Chính phủ cũng đã có quy định rõ hỗ trợ đối với các dự án đầu tư xây dựng chỉ sử dụng các nguồn năng lượng gió, mặt trời, địa nhiệt, sinh học và các tài nguyên năng lượng khác có khả năng tái tạo sẽ được vay vốn tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam. Vấn đề còn lại là các DN sẽ nỗ lực như thế nào để được hưởng những ưu đãi trên.
MINH HẢI