* TPHCM: Ký cam kết giảm 10% số vụ tai nạn
Chiều 12-1, trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có cuộc đối thoại trực tuyến về các vấn đề đang được dư luận quan tâm…
Thu phí lưu hành phương tiện: Một mũi tên, nhiều mục đích
Tại sao lại thu phí lưu hành phương tiện theo cách cào bằng đầu xe cùng mức mà không theo lưu thông thực tế, không phân biệt xe mới, xe cũ? Có phải do năng lực tổ chức yếu kém, điều kiện kỹ thuật hay do thói quen chủ quan, duy ý chí, đơn giản hóa trước các vấn đề nhạy cảm của xã hội? Nếu sau khi người có các phương tiện cá nhân đã nộp đầy đủ phí theo quy định mới mà tình hình ùn tắc không được đẩy lùi, Bộ trưởng có sẵn sàng đề xuất Chính phủ trả lại những khoản phí đã đóng, thậm chí cộng thêm lãi suất cho người dân hay không?
Trả lời những câu hỏi này, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: Chúng tôi đã tính toán rất kỹ, không cào bằng, tính đến thực tế của giao thông, mức thu nhập của người dân, nhu cầu đi lại và kinh nghiệm các nước… Mức phí lưu hành xe máy chia làm 2 loại, loại dưới 175 phân khối đóng 500.000 đồng/năm, như vậy mỗi tháng khoảng 46.000 đồng, tương đương giá khoảng 2 lít xăng. Với loại xe trên 175 phân khối, mức phí là 1 triệu đồng. Với mức thu 20 triệu đồng/năm cho ô tô có dung tích xi lanh dưới 2.000cm³, một tháng người dân đóng chưa đến 2 triệu đồng. Với xe 2.000 - 3.000 phân khối, mức thu là 30 triệu đồng và trên đó, mức phí sẽ cao hơn.
Còn nói về chuyện khi thu phí có hết ùn tắc hay không, thì đây chỉ là một trong những biện pháp để giảm thiểu ùn tắc giao thông, khi giảm thiểu được, toàn dân được hưởng. Còn nếu nói hết hẳn, ở những nước phát triển như Mỹ, Nga, Anh, Nhật… cũng còn ùn tắc giao thông. Cho nên, chúng ta đang hướng đến mục tiêu giảm, còn giảm tới mức độ nào thì phụ thuộc vào tất cả chúng ta.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp kiềm chế tai nạn
Về các giải pháp cụ thể để kiềm chế tai nạn và ùn tắc giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng khẳng định đây là nhiệm vụ quan trọng thể hiện trong Nghị quyết của Chính phủ, cần cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc đồng bộ. Ủy ban An toàn giao thông đã đặt mục tiêu giảm 5% - 10% tai nạn trên cả 3 tiêu chí, giảm tối thiểu 20% ùn tắc tại những thành phố lớn. Việc điều chỉnh giờ làm, hạn chế phương tiện cá nhân chỉ là một trong những giải pháp. Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển Hà Nội và TPHCM đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó có giao thông. Vận tải công cộng sẽ được ưu tiên phát triển để đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Theo quy hoạch, Hà Nội có 8 tuyến đường sắt đô thị, TPHCM có 6 tuyến, trong đó một số tuyến đang triển khai xây dựng. Sắp tới, nhiều cơ quan, công sở, bệnh viện, trường học sẽ di dời ra ngoại thành. Vấn đề quan trọng là quy hoạch và thực hiện tốt quy hoạch.
Rất nhiều bạn đọc quan tâm đến công tác phát triển hạ tầng giao thông bởi đó mới là cách giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông hiện nay. Theo đề án đột phá về hạ tầng mà Bộ GTVT trình Thủ tướng, từ nay đến năm 2015 cần tới 530.000 tỷ đồng. Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: “Chúng ta không thể chỉ trông chờ vào ngân sách mà phải có giải pháp huy động các nguồn lực khác nhau để đầu tư phát triển hạ tầng, gồm cả vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, vốn huy động từ doanh nghiệp, vốn huy động từ người dân... Để huy động nhiều nguồn lực đó cần có cơ chế chính sách, giải pháp cụ thể nói chung cũng như đối với từng dự án nói riêng. Ngành GTVT cũng phải rà soát lại toàn bộ chính sách để quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả vốn đầu tư. Tôi biết nhiều người dân sẵn sàng nộp khoản này khoản kia, miễn là ngành GTVT sử dụng hiệu quả. Rất nhiều người gửi thư tới chia sẻ với chúng tôi là họ hoàn toàn ủng hộ với các giải pháp mà bộ trưởng đưa ra nhưng phải cam kết sử dụng đồng tiền có mục đích, hiệu quả”.
Bích Quyên
TPHCM: Ký cam kết giảm 10% số vụ tai nạn
Chiều 12-1, tại hội nghị triển khai kế hoạch “Năm an toàn giao thông và ký giao ước thi đua năm 2012” do Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân chủ trì, lãnh đạo các sở ngành, quận huyện đã ký bản cam kết về việc thực hiện các giải pháp cấp bách đảm bảo trật tự an toàn giao thông trong năm 2012.
Phó Giám đốc Sở GTVT Lê Toàn nhấn mạnh: Để đảm bảo an ninh trật tự trong năm 2012, TP tập trung xóa 24 điểm đen và 27 điểm ùn tắc giao thông trên 23 tuyến đường thường xảy ra tai nạn. Lắp đặt dải phân cách trên 29 tuyến đường, phân luồng 27 khu vực, các nút giao thông. Chấn chỉnh, rà soát lại các tuyến đường đậu xe, di dời các trung tâm đăng kiểm xe ở các quận nội thành, phân luồng hợp lý, thực hiện các bãi đậu xe, xây dựng các bãi đậu xe ngầm, tổ chức lại loại xe hợp đồng du lịch không thể để chạy rước khách lòng vòng trong nội thành như hiện nay… Tiếp tục quy hoạch lại hệ thống giao thông theo quy hoạch của Chính phủ và có điều chỉnh.
Tại cuộc họp, tất cả các quận huyện, các sở ngành có liên quan và Thành đoàn TPHCM ký cam kết thực chương trình cấp bách nhằm giảm tai nạn giao thông. Nội dung cam kết, giảm 10% số vụ tai nạn so với năm 2011, giảm số vụ ùn tắc giao thông. Bố trí lực lượng điều tiết giao thông tại các điểm thường xảy ra ùn tắc, xử lý nhanh các điểm khi xảy ra ùn tắc. Phối hợp cảnh sát giao thông và Sở GTVT xử lý các điểm đen tại các tuyến đường thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn giao thông, giải quyết tình trạng tụ tập chạy xe lạng lách, đánh võng, giải quyết tình trạng lấn chiếm vỉa hè; giải quyết tình trạng buôn bán đậu xe lấn chiếm lòng lề đường… báo cáo Sở GTVT các bất cập về đèn tín hiệu, biển báo giao thông trên địa bàn. Tăng cường công tác phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông kiểm tra xử lý nghiêm xe dù, bến cóc và các trường hợp dừng đậu xe không đúng quy định. Ban giám hiệu các trường bố trí khu vực để phụ huynh học sinh dừng chờ hợp lý nhằm tạo đường thông hè thoáng. Ngày 25 hàng tháng phải báo cáo kế hoạch thực hiện những nội dung trên.
Chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân khẳng định: Kế hoạch chống ùn tắc giao thông là một trong 6 chương trình trọng điểm của Thành ủy và UBND TPHCM. Để thực hiện kế hoạch này, TP sẽ tập trung những vấn đề cần phải làm quyết liệt. Các ban ngành và quận huyện đã ký cam kết cần có những giải pháp hiệu quả và quyết liệt thực hiện để kéo giảm 10% số tai nạn giao thông. Lực lượng công an thực hiện nghiêm việc xử phạt, trong khi các quận huyện đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về ý thức chấp hành pháp luật giao thông. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải có kế hoạch và ký cam kết thời gian thực hiện những phần việc đã ký, nếu không thực hiện được phải chịu trách nhiệm.
Q.Hùng