Từ đầu năm 2011, không ít doanh nghiệp đã khốn đốn vì chi phí xử lý chất thải phát sinh bỗng nhiên tăng cao. Trong đó, có những loại chi phí tăng gấp 10 lần. Thế nhưng, theo các cơ quan chức năng, từ năm 2012, chi phí dành cho xử lý môi trường của các doanh nghiệp mới thực sự đạt đỉnh khi hàng loạt quy định khác bắt đầu có hiệu lực.
Bắt đầu với túi ni lông
Theo Luật Thuế môi trường bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1-1-2012, túi ni lông là một trong 7 đối tượng bị đánh thuế môi trường cao nhất, 150%-170%, tức khoảng 30.000 - 50.000 đồng/kg. Điều đáng nói là nếu việc đánh thuế được áp dụng thì cả doanh nghiệp và người dân sẽ chịu thiệt thòi do chưa có sản phẩm sử dụng thay thế. Bà Lê Quang Lạc Hà, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Sapuwa, cho biết, với nhiều công ty chỉ sử dụng một phần sản phẩm nhựa trong hoạt động sản xuất hoặc đóng gói sản phẩm thì mức độ tác động của việc đánh thuế còn hạn chế. Riêng sản phẩm của công ty gần như phải sử dụng phần lớn sản phẩm nhựa, túi ni lông thì mức độ tác động của việc áp mức thuế trên là rất lớn.
Ông Nguyễn Xuân Kính, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dược phẩm Trung ương 25, nhấn mạnh, việc đánh thuế môi trường cộng với tình hình lạm phát, nguyên liệu sản xuất leo thang một cách chóng mặt đã tạo nên những áp lực rất lớn cho doanh nghiệp. Chắc chắn để đảm bảo tồn tại và sản xuất phải có lời thì doanh nghiệp buộc phải tăng giá sản phẩm. Và tất cả những áp lực trên sẽ dồn về phía người dân, nhất là có những sản phẩm thiết yếu mà nguồn cung thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu của xã hội.
Ông Lê Văn Khoa, Giám đốc Quỹ Tái chế chất thải TPHCM, cho biết, nếu đánh thuế sản phẩm không thân thiện với môi trường được tiến hành song song với việc đầu tư hạ tầng cho ngành sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường thì đó mới là giải pháp đồng bộ, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. Đáng tiếc cho đến nay, việc đầu tư hạ tầng cho ngành sản xuất sản phẩm thân thiện môi trường vẫn chưa được quan tâm đúng mức nên khó tránh khỏi tình trạng khập khiểng.
Áp lực với chất thải phát sinh
Các chuyên gia môi trường cho rằng, việc đánh thuế môi trường lên các sản phẩm không thân thiện môi trường chỉ làm tăng tỷ lệ rất nhỏ chi phí xử lý chất thải môi trường mà các doanh nghiệp đang phải gánh. Trên thực tế, họ sẽ phải trả thêm hàng trăm khoản chi phí xử lý môi trường khác với giá thành cao hơn rất nhiều. Điển hình nhất là chi phí xử lý chất thải nguy hại. Từ đầu năm 2011, giá xử lý loại chất thải này đã tăng 2,5 - 8 triệu đồng/tấn. Dự kiến đến đầu năm 2012, giá sẽ tiếp tục tăng lên khoảng 12 - 40 triệu đồng/tấn chất thải tùy loại.
Bên cạnh đó, việc thắt chặt quy định, tăng cường công tác kiểm tra chấp hành Luật Bảo vệ môi trường buộc nhiều doanh nghiệp phải tái cơ cấu đầu tư nhà máy sản xuất, nhất là đầu tư hệ thống xử lý nước thải và khí thải. Đại diện Nhà máy Sản xuất giấy quận 9 cho biết, để đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải, đơn vị phải bỏ ra khoảng 12 tỷ đồng. Đó là chưa kể chi phí vận hành hệ thống này cũng rất cao. Điều này cũng lý giải cho việc tại sao hiện có rất nhiều doanh nghiệp chỉ đầu tư hệ thống xử lý chất thải nhằm che mắt cơ quan chức năng, còn nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất vẫn được các doanh nghiệp lén lút xả thẳng ra môi trường.
Riêng trong lĩnh vực xử lý khí thải thì còn tệ hơn, khi có đến khoảng gần 80% doanh nghiệp chưa đầu tư hệ thống xử lý khí. Và với việc thắt chặt Luật Bảo vệ môi trường trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ khó trốn tránh trách nhiệm bảo vệ môi trường của mình nếu muốn tồn tại và phát triển bền vững.
Lo lắng với chất thải buộc phải thu hồi
Ông Bùi Cách Tuyến, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, không dừng lại với những quy định hiện hữu, hiện bộ đang trình Chính phủ phê duyệt quy định buộc doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sẽ tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý các sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ. Đây được xem như là “trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất” (EPR).
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm có chứa nguồn phóng xạ; pin, ắc quy; thiết bị điện tử, điện dân dụng và công nghiệp; dầu nhớt, mỡ bôi trơn, bao bì khó phân hủy trong tự nhiên; sản phẩm thuốc, hóa chất sử dụng trong công nghiệp, nông nghiệp, thủy sản; thuốc chữa bệnh cho người; phương tiện giao thông; săm, lốp... phải có trách nhiệm thu hồi sản phẩm đã hết hạn sử dụng hoặc thải bỏ. Trên thực tế, việc thu hồi và tái chế những loại sản phẩm trên hiện đang bị thả nổi. Với các sản phẩm thải bỏ có giá trị kinh tế (như ắc quy, máy tính...) thường được người dân thu gom và bán lại cho các cơ sở tái chế nhưng với những sản phẩm không có giá trị tái chế (pin, đèn compact) bị thải bỏ theo rác thải sinh hoạt. Không chỉ vậy, những cơ sở tái chế thường có quy mô nhỏ nên không đảm bảo tiêu chuẩn môi trường.
Chính vì vậy, việc ban hành quy định sẽ buộc các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sẽ tham gia vào hoạt động thu hồi, xử lý các sản phẩm này, góp phần giảm thiểu chất thải phát sinh ra môi trường.
MINH XUÂN