Năm 2016, xử lý mạnh doanh nghiệp gây ô nhiễm

Hơn 1.400 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố đã bị buộc di dời, ngưng hoạt động sản xuất hoặc chuyển đổi sang ngành nghề không phát sinh chất thải gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn có hơn 300 trường hợp doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm môi trường phát sinh mới.
 
Theo đó, việc xử lý các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường sẽ được chia thành ba giai đoạn.

Bắt đầu từ năm 2016 sẽ xác định đối tượng cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nghiêm trọng, lập danh mục và hình thức xử lý.

Đến năm 2017 thực hiện hình thức xử lý hành chính, đồng thời phối hợp với UBND các huyện tham mưu cho UBND TPHCM ra quyết định di dời, phê duyệt các chính sách tài chính, hỗ trợ ưu đãi đối với các cơ sở di dời. Sau đó, tổ chức vận động, tuyên truyền, kết hợp giám sát tiến độ di dời của các doanh nghiệp sản xuất này đúng với chủ trương của thành phố.

Giai đoạn sau năm 2017, phân loại doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm thành hai mức độ để xử lý. Với những doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm sẽ bị xử phạt hành chính và yêu cầu đầu tư cải tạo lại công trình xử lý môi trường đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp tái phạm thì áp dụng hình thức phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động từ 3-12 tháng cộng với buộc phải khắc phục hậu quả. Riêng với những doanh nghiệp sản xuất được xác định có nguy cơ gây ô nhiễm rộng, khó khắc phục như nhuộm, xeo giấy, sản xuất và kinh doanh hóa chất, in, tráng bao bì kim loại, xi mạ điện, sản xuất xi măng… sẽ bị buộc di dời đến vị trí phù hợp với quy hoạch và sức chịu tải của môi trường. Nếu sau di dời mà những doanh nghiệp này vẫn tiếp tục tái vi phạm thì sẽ bị cấm hoạt động.

Để có cơ sở thực hiện vấn đề này, UBND TP đã giao Sở Tài nguyên - Môi trường là cơ quan chịu trách nhiệm trong việc phối hợp UBND quận, huyện và các đơn vị liên quan gấp rút rà soát, lập danh mục các doanh nghiệp sản gây ô nhiễm cần xử lý. Song song đó, xây dựng đơn giá tiền sử dụng đất, đơn giá thuê đất theo quy định để tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất khi có nhu cầu phải di dời; tham mưu cho UBND TP ban hành chính sách ưu đãi và hỗ trợ di dời đối với từng trường hợp cụ thể.

Được biết, hiện UBND TP đã chỉ đạo Ban Quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp nhanh chóng hoàn thiện hạ tầng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân 3 để hỗ trợ điểm đến cho các doanh nghiệp thuộc diện phải di dời. Dự kiến, hết quý 1-2016, hơn 15 doanh nghiệp sản xuất gây ô nhiễm tại phường Đông Hưng Thuận (quận 12) sẽ được di dời về đây. Riêng Công ty cổ phần Vật tư tổng hợp và phân bón hóa sinh huyện Củ Chi sẽ không di dời và bị buộc đóng cửa trong năm 2015.

MINH XUÂN

Tin cùng chuyên mục