Năm 2019, GDP dự kiến tăng khoảng 6,6-6,8%

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có bài viết với tựa đề “Củng cố nền tảng vĩ mô, khơi thông các động lực tăng trưởng, duy trì đà phát triển của nền kinh tế”. 

Trong đó, Phó Thủ tướng nhận định, năm 2019 và năm 2020, xu thế tích cực của nền kinh tế vẫn là chủ đạo, triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô (KTVM) ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh (ĐTKD) được củng cố.

Năm 2019: tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Tuy nhiên, các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp (DN) cần lưu tâm tới một số rủi ro, thách thức, trong đó lớn nhất là thách thức đến từ bên ngoài, tạo áp lực cho công tác điều hành, ứng phó với các biến động trong tương lai. Đó là sức ép về lãi suất đồng USD, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới, căng thẳng do chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể kéo dài, xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước. Từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập... mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài, nhưng đồng thời, cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất, kinh doanh trong nước.

Chính phủ đã xác định mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2019 là: tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế; tập trung cải thiện môi trường ĐTKD, thúc đẩy tăng trưởng; đẩy mạnh, tạo chuyển biến thực chất hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; quyết liệt đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ và tận dụng hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0…

GDP tăng khoảng 6,6-6,8%, tốc độ tăng CPI bình quân khoảng 4%

Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm 2019 dự kiến là: GDP tăng khoảng 6,6-6,8%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7-8%; tỷ lệ nhập siêu so tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33-34% GDP... 

Tốc độ tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2018 ước đạt 6,98%, cả năm dự báo triển vọng có thể đạt cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra 6,7%. Quy mô nền kinh tế tăng mạnh, năm 2018 đạt 5,5 triệu tỷ đồng (tương đương 240,5 tỷ USD), gấp 1,33 lần năm 2015. GDP bình quân đầu người ước đạt 2.540 USD, tăng 440 USD so năm 2015. Tăng trưởng kinh tế dịch chuyển dần sang chiều sâu, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh ngày càng được nâng lên. Đóng góp của các nhân tố năng suất tổng hợp (TFP) giai đoạn 2016-2018 ước đạt 42,18% (giai đoạn 2011-2015 đạt 33,58%), năng suất lao động duy trì nhịp độ tăng 5,62%, cao hơn mức tăng của các nước ASEAN và vượt mục tiêu bình quân 5 năm được Quốc hội giao.
Để đạt được các cục tiêu trên: Thứ nhất, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường ĐTKD, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; điều hành, phối hợp đồng bộ, linh hoạt, chủ động chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác; tăng cường công tác dự báo, kịp thời có các giải pháp, đối sách phù hợp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý thực hiện theo lộ trình phù hợp, bảo đảm thận trọng, không tăng giá đồng loạt nhiều hàng hóa, dịch vụ trong cùng thời điểm, hạn chế điều chỉnh vào các tháng cuối năm; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh bất hợp lý, hỗ trợ DN nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo dựng môi trường thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất kinh doanh phát triển; kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, nâng cao chất lượng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất kinh doanh.
Cùng với đó là điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô; tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa; thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ gắn với cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công; mở rộng và nuôi dưỡng nguồn thu thuế, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá; đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính, chứng khoán, tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu DN chủ động phương án hấp thu hiệu quả các nguồn vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các DN nhà nước.

Thứ hai, tiếp tục thực hiện quyết liệt ba đột phá chiến lược. Đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi của hệ thống pháp luật; nghiên cứu xây dựng Luật về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư; thực hiện tốt công cuộc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo, hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mang tính thử nghiệm gây sốc, tác động xấu đến xã hội và người dân; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực ngoài nhà nước đầu tư cho giáo dục đào tạo, phát triển nhân lực chất lượng cao; tập trung nguồn lực thực hiện một số dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính lan toả cao; đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các dự án trọng điểm quốc gia và các điều kiện cần thiết để triển khai dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành…

Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế, tạo sự chuyển biến rõ nét hơn, thực chất hơn nữa trong từng ngành, lĩnh vực, nhất là trong bối cảnh thực hiện chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0. Theo đó, đẩy mạnh thực hiện chuyển dần từ mô hình tăng trưởng chủ yếu dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang dựa đồng thời vào cả đầu tư, xuất khẩu và thị trường trong nước; chuyển dần từ dựa vào gia tăng số lượng các yếu tố đầu vào của sản xuất sang dựa vào tăng năng suất, chất lượng lao động, ứng dụng khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo; tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện thể chế quản lý đầu tư công, thực hiện đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, gắn chặt với các ưu tiên về cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh cơ cấu lại DN nhà nước và tốc độ cổ phần hóa, phát huy vai trò của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại DN trong nâng cao thực chất trình độ quản trị, tăng cường tính công khai, minh bạch trong quản lý DN nhà nước...

Bên cạnh đó là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất nông nghiệp theo ba trục sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp, từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trên thị trường khu vực và thế giới, tham gia sâu hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu; thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ trong một số ngành trọng điểm như: công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may và da giày; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các ngành dịch vụ theo chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020; tăng cường các biện pháp quản lý DN đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối bán lẻ theo các cam kết mở cửa thị trường nhằm bảo đảm công bằng với DN trong nước; đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…

Tin cùng chuyên mục