Theo báo cáo, tỷ trọng đầu tư công trên GDP dịch chuyển tích cực, phù hợp với các mục tiêu về cơ cấu lại đầu tư công đã đề ra. Tính đến năm 2017, tỷ trọng vốn đầu tư của nhà nước giảm xuống còn 34,8% so với tổng đầu tư toàn xã hội, tương đương 11,6% GDP. Tình trạng quyết định chủ trương và quyết định đầu tư tùy tiện, không căn cứ khả năng cân đối vốn được khắc phục cơ bản. Tổng số dự án của kế hoạch đầu tư công trung hạn là 9.620 dự án (không bao gồm các dự án thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia), chỉ bằng khoảng 50% so với giai đoạn trước về số dự án. Trong đó, số dự án hoàn thành trong giai đoạn đạt 65,4%.
Tuy nhiên, khả năng cân đối ngân sách nhà nước để bố trí vốn thực hiện hàng năm còn gặp nhiều khó khăn, tỷ trọng chi đầu tư còn thấp (khoảng 25%), số vốn cân đối cho các chương trình mục tiêu chỉ đạt khoảng 53% nhu cầu. Đánh giá 2 năm còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, hạn mức vốn phải thực hiện còn lại trong 2 năm 2019 - 2020 của kế hoạch đầu tư trung hạn còn lại khá nhiều, tạo sức ép lớn đối với công tác cân đối và phân bổ vốn trong kế hoạch hàng năm. Để thực hiện nhiệm vụ đã đề ra tại nghị quyết của Quốc hội trong 2 năm còn lại, bình quân mỗi năm cần phải được bố trí ngân sách trung ương khoảng 237.000 tỷ đồng.
Thẩm tra báo cáo này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội chỉ ra rằng, trong 3 năm thực hiện, kế hoạch đầu tư công trung hạn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó có việc một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn, ảnh hưởng đến cân đối nguồn lực, hiệu quả đầu tư. Ủy ban đề nghị Chính phủ cần rà soát, đánh giá kỹ khả năng cân đối vốn, tình hình giải ngân, điều chỉnh cơ cấu nguồn vốn giữa vốn ODA và vốn vay trong nước, điều chỉnh vốn cho các dự án có khả năng giải ngân để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.