
Cứ đến cuối năm khi đông về, cúm gà lại tràn lan. AFP (22-1-2007) cho biết Hàn Quốc vừa loan bố kế hoạch giết hơn 660.000 gia cầm và lợn để hạn chế dịch cúm gia cầm lây lan.
Kể từ khi bùng phát năm 2003, cúm gia cầm đã làm thiệt mạng hơn 150 người khắp thế giới. Tại Việt Nam, diễn biến cúm gia cầm ngày càng phức tạp.
Ám ảnh trận cúm 1918

Tại Philadelphia (Mỹ), xác người chết chất đống nhiều ngày không ai thu dọn; ở Cape Town (Nam Phi), người ta không còn quan tài nên buộc phải quấn thi thể nạn nhân vào chăn rồi quẳng xuống hố chôn tập thể; hàng ngàn lính Mỹ đã bỏ mạng ngoài biển trên đường chuyển quân (xác được quẳng xuống Đại Tây Dương để tránh lây nhiễm cho người sống)…
Đó là bức tranh kinh hoàng của trận dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, khiến ảnh hưởng tới khoảng 30% dân số thế giới (!) và làm thiệt mạng chừng 100 triệu người. Chỉ trong 24 tuần, nó đã cướp đi số mạng sống nhiều hơn so với nạn nhân tử vong vì AIDS trong 24 năm.
Liệu nguy cơ cúm gia cầm lần này có thể làm thiệt mạng hàng chục triệu người? Hoàn toàn có khả năng! Người ta tin rằng dòng virus kinh khủng năm 1918 đang bắt đầu trở lại. Từ châu Á, H5N1 bây giờ đã đến châu Âu.
Không nên “xịt vòi rồng” khắp nơi
Với các nước châu Á, vấn đề hiện thời là thiếu tiền. Từ tháng 2-2005, Tổ chức Lương-Nông Liên Hiệp Quốc (FAO) đã nỗ lực kêu gọi đóng góp 100 triệu USD từ nhiều nước – khoản tiền ít đến mức chỉ đủ chi cho mỗi trận tuyến chống H5N1 ở Việt Nam. Cần nhấn mạnh, đây là cuộc chiến cần sự phối hợp đồng bộ giữa nhiều ban ngành liên quan, từ cấp quốc gia tới cấp quốc tế.
Tại Hong Kong, hơn 100 bệnh viện công-tư hiện đều phải thực hiện báo cáo tuần gửi giới chức y tế về diễn biến lây nhiễm cúm gia cầm. Một trong những khó khăn trong cuộc chiến H5N1 là người ta chưa hiểu hết bản chất của nó, đặc biệt cách thức nó tấn công và giết chết người.
Ở gà và gia cầm nói chung, H5N1 có thể tấn công gần như mọi cơ quan, từ phổi, ruột, cơ đến não. Ở người, như dòng virus cúm Tây Ban Nha 1918, nó thường nhắm vào phổi. Các nhà nghiên cứu tại Hong Kong cho biết hệ miễn nhiễm – thật không may – lại là nơi tạo điều kiện cho H5N1 tung hoành.
Hệ miễn nhiễm phản ứng với sự thâm nhập H5N1 bằng cách tạo ra chuỗi thông điệp yêu cầu đưa tế bào bạch cầu vào phổi, càng khiến phổi dễ bị thương tổn. Cơ chế hệ miễn nhiễm trong trường hợp này “chẳng khác nào mời một đoàn xe tải chở thuốc nổ ùn ùn kéo đến khu vực phổi!” – theo Malik Peiris, trưởng nhóm nghiên cứu tại Hong Kong. Hậu quả, loạt tế bào khỏe bị chết, mạch máu bị vỡ và phổi ngập dịch.
Chuyện chưa dừng lại. Cuộc nghiên cứu tại TPHCM dưới sự giúp đỡ của bác sĩ Jeremy Farrar tại Bệnh viện Nhiệt đới cho thấy H5N1 đã khiến một bé trai hôn mê và chết. Não của em bị nhiễm trùng nặng nhưng phổi lại không hề hấn! Theo Jeremy Farrar, H5N1 có thể đột nhập và gây nguy hiểm tại bất cứ bộ phận nào trong cơ thể chứ không chỉ ở phổi.
Cần nói thêm, virus gây cúm thường ẩn mặt trong thời gian dài, có khi 30-40 năm trước khi xuất quân tấn công đồng loạt. Để ngăn H5N1, bây giờ phải tiêm 900 triệu con gia cầm mà phải tiêm hai lần mỗi tháng mới mong hạn chế lây lan – theo nhiều nhà vi khuẩn học.
Trên lý thuyết, cuộc chiến chống sự bùng phát dịch cúm cũng giống như chữa lửa. Người ta không xịt vòi rồng khắp nơi mà chỉ cần tập trung vào một điểm nhất định. Cho nên, vấn đề hiện thời là cần có một loại vaccine cực kỳ hiệu quả để dập chết ổ bệnh. Loại vaccine được xem là tốt nhất hiện nay là oseltamivir, được bán dưới thương hiệu Tamiflu và được sản xuất từ hãng dược phẩm Thụy Sĩ Roche.
Tuy nhiên, quá trình sản xuất oseltamivir mất đến 8 tháng. Ít nhất 12 công ty và 17 chính phủ đang nghiên cứu vaccine chống cúm gia cầm (ngày 4-5-2006, Chính phủ Mỹ đồng ý chi hơn 1 tỉ USD cho 5 hãng dược nghiên cứu vaccine cúm gia cầm).
Trong công trình nghiên cứu ấn hành năm 2004, Ira M. Longini Jr thuộc Đại học Emory từng dựng mô hình từ máy tính để ước định mức độ ảnh hưởng khi dịch cúm gia cầm lan rộng tại Mỹ. Nếu mức độ lây truyền tương tự trường hợp dịch cúm gia cầm 1957 (khi không có vaccine), sẽ có 93 triệu trường hợp nhiễm bệnh và 164.000 người chết.
Nếu tiêm vaccine cho 80% người ở độ tuổi nhỏ hơn 19 (nhóm đối tượng dễ lan truyền virus bệnh), số trường hợp nhiễm bệnh chỉ khoảng 6 triệu và 15.000 ca tử vong. Rõ ràng vaccine vẫn là vũ khí “tối thượng” trong cuộc chiến ngăn chặn dịch cúm diện rộng. Đến thời điểm này, không chỉ châu Á mà gần như cả thế giới đã bắt đầu nâng cao ý thức trong cuộc chiến chống cúm gia cầm.
Và chỉ khi nhận thức được mức độ nguy hiểm của sự việc, cuộc chiến chống H5N1 mới có khả năng thành công…
LÊ THẢO CHI