Nạn bắt cóc tống tiền ở Mỹ Latin - Bài 2: Tăng cường trấn áp

Nạn bắt cóc tống tiền ở Mỹ Latin - Bài 2: Tăng cường trấn áp

(SGGP 12G).- Dù với động cơ nào, các vụ bắt cóc cũng gây ra hậu quả nặng nề đối với nạn nhân cũng như đối với nền kinh tế và sự ổn định xã hội của các nước. Trấn áp loại tội phạm này là đang được coi là ưu tiên hàng đầu của các quốc gia Mỹ Latin.

Hậu họa khôn lường

Nạn bắt cóc tống tiền ở Mỹ Latin - Bài 2: Tăng cường trấn áp ảnh 1

Sự đối lập giàu nghèo ở Sao Paulo (Brazil)

Đa phần các vụ bắt cóc ở các nước Mỹ Latin thường vì động cơ kinh tế, có nghĩa là để đòi tiền chuộc. Trong những năm 1980 và 1990, bọn bắt cóc thường chỉ nhằm vào những đối tượng cực kỳ giàu có ở Mexico và Brazil.

Năm 1989, Abilio Diniz, một trùm quản lý siêu thị ở Brazil đã bị một nhóm tội phạm quốc tế bắt cóc. Chúng giam giữ Diniz và đòi 30 triệu USD tiền chuộc nhưng đã bị cảnh sát tóm gọn. Năm 1994, người nhà của Alfredo Harp Helu - khi đó là người đứng đầu một trong những tập đoàn tài chính lớn nhất Mexico - đã phải trả 30 triệu USD để Helu được thả tự do.

Tuy nhiên, nhiều vụ bắt cóc lại mang động cơ chính trị rất rõ ràng. Bên cạnh các vụ bắt cóc do lực lượng FARC ở Colombia thực hiện, nhiều vụ bắt cóc vì động cơ chính trị khác cũng được tổ chức. Các nhóm tội phạm như Shining Path hay Phong trào cách mạng Tupac Amaru ở Peru đã sử dụng việc bắt cóc để gieo rắc nỗi lo sợ trong dân chúng và thu nguồn tài chính cho các hoạt động của mình.

Năm 1996, 14 tên nổi dậy thuộc phong trào Tupac Amaru đã bắt cóc 72 con tin ở một khu nhà của Đại sứ quán Nhật Bản tại Lima trong 4 tháng. Cuối cùng, cảnh sát cũng đã đột nhập thành công, giết cả 14 tên tội phạm nhưng một con tin thiệt mạng.

Theo khẳng định của Ngân hàng Thế giới, mỗi năm, nền kinh tế khu vực Mỹ Latin này mất đi 30 tỷ USD do tỷ lệ tội phạm cao, trong đó có nạn bắt cóc.

Nỗ lực của các nước

Mới đây, Chính phủ Mexico thông báo mở 5 trung tâm chống bắt cóc đặt tại 5 thành phố lớn trên cả nước, hoạt động suốt 24 giờ/ngày với lực lượng tăng cường gồm 300 cảnh sát mới được tuyển mộ. Những ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ những kẻ bắt cóc có thể được lĩnh thưởng với mức 500.000 peso (49.400 USD). Chính quyền cũng tăng mức án dành cho tội bắt cóc lên mức tù chung thân. Tại Mexico City, chính quyền thành phố còn tuyển công dân làm công tác giám sát và lập đường dây nóng chuyên theo dõi các vụ bắt cóc ở Mexico.

Tại Venezuela, vào giữa tháng 8-2008, các nhà lập pháp nước này đã thông qua một luật mới, theo đó những kẻ bắt cóc tồng tiền sẽ bị phạt tù lâu hơn, tối đa 30 năm, gấp đôi hình phạt cũ. Luật mới được thông qua đúng vào thời điểm Chính phủ Venezuela đang tiến hành các chiến dịch trấn áp nạn bắt cóc cả vì mục đích chính trị lẫn kinh tế đang mở rộng ở đất nước Nam Mỹ này.

Ở Colombia, chính phủ nước này đã thành lập lực lượng GAULA (viết tắt tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là “Nhóm hành động thống nhất vì tự do cá nhân”) gồm 32 đơn vị với 600 thành viên - một tổ chức đặc biệt bao gồm cảnh sát, quân nhân và công tố viên. Bộ Ngoại giao Mỹ đã hỗ trợ việc huấn luyện cho đội quân tinh nhuệ này. Khóa huấn luyện kéo dài 6 tuần, bắt đầu bằng các buổi tập huấn về vũ khí, tiếp đó là bắn tỉa và đột nhập. Các lực lượng đột nhập được thực hành phá mọi loại cửa và cửa sổ như cửa kim loại, cửa gỗ, cửa cuốn… Kết quả đạt được khá ấn tượng. Các lực lượng Colombia đã giải cứu 136 con tin năm 2007 và chỉ có một con tin thiệt mạng trong một chiến dịch giải cứu.  

Giải quyết vấn đề từ gốc

Việc trấn áp tội phạm ở các nước Mỹ Latin, đặc biệt là ở Mexico, vẫn chưa hiệu quả, một phần là do có sự nhúng tay của một bộ phận cảnh sát và quan chức biến chất. Vì thế, công tác chống nạn bắt cóc trong tương lai phụ thuộc rất nhiều vào khả năng của các nước Mỹ Latin trong việc đấu tranh chống nạn tham nhũng trong lực lượng cảnh sát và chấn chỉnh hệ thống luật pháp còn thiếu hiệu quả.

Mặt khác, như nhiều chuyên gia đã khẳng định, một trong những yếu tố làm gia tăng tình trạng tội phạm nói chung và nạn bắt cóc tống tiền nói riêng, chính là sự bất công bằng trong xã hội. Chẳng hạn, Brazil là một ví dụ. Năm 2007, thu nhập bình quân hàng tháng của 10% dân số có thu nhập cao nhất là khoảng 4,853 reais (3.008 USD), gấp 23,5 lần 10% dân số có thu nhập thấp nhất. Thành phố Sao Paulo là nơi thể hiện khoảng cách giàu nghèo rõ ràng: trong khi nhiều doanh nhân đi làm bằng máy bay mỗi ngày thì hàng triệu người khác phải chen chúc trên những đường phố chật hẹp và sống trong những khu ổ chuột nghèo khó.

Trong khi chờ đợi tình hình an ninh được cải thiện, khách du lịch và các doanh nhân được khuyến cáo tự giữ gìn cho bản thân mình bằng các biện pháp như: tránh sử dụng taxi không có đăng ký và đi bộ buổi tối tại các thành phố ở khu vực Mỹ Latin như Mexico City, Bogota, Caracas, Sao Paulo, Rio de Janeiro và Buenos Aires; tránh ăn mặc, sử dụng đồ trang sức và xe hơi theo kiểu “khoe mẽ”, khẳng định đẳng cấp nhà giàu, vì như thế sẽ càng gây sự chú ý của bọn tội phạm.

Trong trường hợp có một cuộc điện thoại cho biết người thân của mình bị bắt cóc và bị yêu cầu phải trả tiền chuộc, việc cần làm trước tiên là tỏ ý hợp tác và thông báo với tên tội phạm rằng bạn sẽ đi gom tiền; tiếp đó, gác máy và gọi lại cho người thân để xem người đó có thực sự bị bắt cóc hay không. Nếu một người lạ trên phố  tự nhiên đến gần bạn và cố tình buộc bạn phải vào xe hoặc ép đi theo bất kỳ hường nào, hãy cố gắng chạy thoát và đi tìm sự giúp đỡ.

Hà Vy (tổng hợp)

Thông tin liên quan

- Bài 1: Cơn ác mộng

Tin cùng chuyên mục