Nạn bắt cóc tống tiền ở Mỹ Latin - Bài 1: Cơn ác mộng

Nạn bắt cóc tống tiền ở Mỹ Latin - Bài 1: Cơn ác mộng

Tại khu vực Mỹ Latin, bắt cóc tống tiền đã trở thành bệnh dịch. Bọn tội phạm không trừ một đối tượng nào và sử dụng mọi thủ đoạn có thể để bắt cóc và tống tiền. Nạn bắt cóc tống tiền đang là nỗi ám ảnh của người dân các nước Mỹ Latin và không ít doanh nhân, khách du lịch nước ngoài.

Khi bắt cóc trở thành… “nghề”

Nạn bắt cóc tống tiền ở Mỹ Latin - Bài 1: Cơn ác mộng ảnh 1
Bắt cóc “tốc hành” đang phổ biến ở nhiều nước Mỹ Latin

Trong những năm qua, nạn bắt cóc tống tiền không ngừng phát triển trên thế giới, đặc biệt là ở Mỹ Latin. Theo bộ phận quản lý khủng hoảng của Công ty Bảo hiểm AIG tại Philadelphia (Mỹ), hàng năm có hơn 20.000 vụ bắt cóc tống tiền được thống kê trên thế giới. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chỉ có khoảng 20% các vụ bắt cóc được thống kê nên số vụ bắt cóc thực sự có thể cao gấp năm hoặc sáu lần số được công bố. Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết có đến 60% số vụ bắt cóc diễn ra ở Mỹ Latin.

Colombia, Mexico và Brazil là 3 quốc gia mà nạn bắt cóc tống tiền diễn ra phổ biến nhất. Tại Colombia, theo tổ chức phi chính phủ đấu tranh chống nạn bắt cóc Pais Libre, riêng trong năm 2007 đã có 456 vụ bắt cóc. Có đến 1/3 số vụ bắt cóc do tổ chức Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) thực hiện, phần còn lại do Lực lượng vũ trang giải phóng quốc gia (ELN) và các băng nhóm tội phạm khác thực hiện. Bộ Quốc phòng Colombia cho biết họ đang xem xét khoảng 3.000 trường hợp nghi bị bắt cóc và ước tính số người bị bắt cóc cho tới nay ở Colombia là 700 người.

Bọn tội phạm Colombia nhằm vào nhiều đối tượng khác nhau, từ các quan chức cấp cao cho đến dân thường như thương gia, công chức, phụ nữ, trẻ em... Phó Tổng thống Colombia Francisco Santos từng bị tập đoàn Medellin Cartel của trùm buôn bán ma túy khét tiếng Pablo Escobar bắt cóc năm 1990 và bị giam giữ trong 8 tháng.

Trong chính phủ đầu tiên của Tổng thống Colombia Alvaro Uribe, nhiều vị lãnh đạo và người thân của họ cũng từng bị bắt cóc hoặc bị giết hại. Chẳng hạn, cha của Tổng thống Uribe đã bị giết hại trong một vụ bắt cóc không thành; phó tổng thống, cha của Bộ trưởng Bộ Nội vụ và cô của Bộ trưởng Bộ Văn hóa Colombia cũng từng bị bắt cóc; hai anh trai của Bộ trưởng Bộ Giáo dục bị FARC giết hại trong một vụ bắt cóc… Cho tới nay, FARC vẫn còn giữ 25 con tin là các nhà chính trị.

Tại Colombia, có những vụ bắt cóc đôi khi được tiến hành với sự tham gia của gần trăm người, được chia thành nhóm phân công thực hiện nhiều nhiệm vụ khác nhau như: thu thập thông tin về nạn nhân, lên kế hoạch, bắt cóc, chuyển nạn nhân đến địa điểm giam giữ, tổ chức thương lượng với gia đình nạn nhân, lấy tiền chuộc…

Từ “bắt cóc tốc hành” đến “bắt cóc ảo”

Tại Mexico, theo Văn phòng An ninh công cộng quốc gia, từ năm 1994 đến tháng 3-2008, nước này đã xảy ra ít nhất 8.416 vụ bắt cóc. Riêng năm 2007, 435 người đã bị bắt cóc, tăng hơn 35% so với năm 2006. Ngoài hình thức bắt cóc tống tiền kiểu truyền thống, hiện đang phổ biến hình thức bắt cóc “tốc hành”.

Theo cách truyền thống, nạn nhân có thể bị bắt cóc từ nhà ở hoặc văn phòng hay trên đường đi, rồi được đưa tới một nơi xa lánh trong lúc bọn bắt cóc thương lượng và lấy tiền chuộc. Còn trong các vụ “bắt cóc tốc hành”, khách du lịch hoặc một thương gia có thể bị tiếp cận khi đang ở trên đường phố. Bọn tội phạm ép họ vào xe ô tô, đưa đến một máy rút tiền tự động ATM và buộc họ phải rút tiền cho chúng.

Hiện tượng bắt cóc tống tiền đã tồn tại từ lâu ở Mexico nhưng mở rộng như hiện nay một phần là do các chiến dịch trấn áp tội phạm ma túy của Tổng thống Felipe Calderon thực hiện trong 2 năm qua. Bị mất nguồn thu từ ma túy, các băng nhóm ma túy Mexico đã chuyển sang bắt cóc tống tiền để “đảm bảo thu nhập”. Đói làm liều: Thời gian qua, các băng nhóm buôn bán ma túy tại Mexico còn mở rộng hoạt động bắt cóc sang cả nước Mỹ láng giềng.

Năm 2007, cảnh sát Phoenix (Mỹ) đã điều tra hơn 350 vụ bắt cóc lớn nhỏ khác nhau có sự tham gia của các băng đảng Mexico, tăng 40% so với năm trước đó. Phias Mexico khẳng định từ tháng 1-2007 tới nay, khoảng 30 người Mỹ đã bị bắt cóc ở miền Nam California rồi được đưa trở lại Tijuana (Mexico), trong đó nhiều nạn nhân là người nói tiếng Tây Ban Nha và có hai quốc tịch. Họ chủ yếu là những người Mexico giàu có, phải chạy khỏi Jijuana từ năm 2006 sang sống ở vùng ngoại ô San Diego, nhằm tránh xa các cuộc thanh toán đẫm máu giữa các băng đảng buôn bán ma túy Mexico.

Ở Brazil, các hình thức và mục đích bắt cóc cũng khá đa dạng. Đã có thời điểm, hàng loạt thân nhân của các ngôi sao bóng đá Brazil thành công và giàu có bị những kẻ bắt cóc nhắm tới, chẳng hạn như mẹ của các cầu thủ nổi tiếng Luis Fabiano Clemente và Edinaldo Batista Libanio… Hồi đầu tháng 6-2008, cảnh sát Brazil thông báo ngăn chặn được âm mưu bắt cóc con trai Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva nhằm gây sức ép về chính trị đối với với chính phủ.

Thời gian gần đây, một hình thức “ăn theo” nạn bắt cóc là “bắt cóc ảo”. Bọn tội phạm tìm cách lấy thông tin cá nhân của nạn nhân, đầy đủ và chính xác tới mức có thể đảm bảo rằng gia đình nạn nhân hoàn toàn tin rằng chúng đang giữ con tin. Bọn tội phạm thường ăn cắp điện thoại của nạn nhân và gọi theo số lưu trong máy để đe dọa người nhà nạn nhân để đòi tiền chuộc. Chúng yêu cầu gia đình nạn nhân để tiền vào một địa điểm đã định trước hoặc gửi vào một tài khoản ngân hàng. Ở Brazil, hình thức “bắt cóc ảo” này rất dễ thực hiện vì gia đình nạn nhân vốn đã quen với các vụ bắt cóc tống tiền diễn ra khá phổ biến nên không mấy nghi ngờ.

Hình thức “bắt cóc giả” này cũng được sử dụng ở Colombia. Theo cảnh sát nước này, bọn tội phạm thường giả làm nhà cung cấp dịch vụ và nhắn tin cho các khách hàng sử dụng ĐTDĐ yêu cầu họ tắt máy trong 2 giờ với lý do điện thoại của họ đã bị đánh cắp tài khoản. Trong thời gian này, bọn chúng tìm cách liên lạc với gia đình nạn nhân để thông báo rằng người thân của họ đang bị bắt làm con tin và đòi tiền chuộc. Do không thể liên lạc được với người thân nên gia đình các nạn nhân này phải đem tiền chuộc đến một nơi theo hướng dẫn của chúng.

Bài 2: Tăng cường trấn áp

Hà Vy (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục