Sổ tay

Nan giải chuyện kinh phí làm phim

Đó là một trong những chủ đề nhận được sự chú ý và thảo luận sôi nổi tại Hong Kong Filmart 2024 (Hội chợ quốc tế phim và truyền hình Hồng Công) vừa diễn ra, nơi được xem là cầu nối thị trường phim ảnh Đông - Tây.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
Nan giải chuyện kinh phí làm phim

Tại phiên thảo luận có chủ đề xoay quanh việc đồng sản xuất giữa các nhà làm phim châu Âu và châu Á nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về bài toán đầu tư, nhiều nhà sản xuất cho biết, hiện nay khó khăn về vốn là vấn đề nổi cộm.

“Ở đâu cũng ít tiền hơn” trở thành thử thách chung của hầu hết các nhà làm phim hiện nay. Do đó, mô hình hợp tác giữa các quốc gia, các châu lục để thúc đẩy tiến độ sản xuất được xem là giải pháp thích hợp. Thậm chí, một số bộ phim có đến 8 quốc gia đồng sản xuất.

Hàn Quốc vốn là quốc gia không phổ biến hình thức hợp tác làm phim, nhưng hiện cũng đã bắt đầu thử nghiệm mô hình này. Theo một nhà sản xuất phim ở Hàn Quốc, dù là nền công nghiệp điện ảnh từng đứng thứ 4 về doanh thu phòng vé, nhưng rất khó để họ quay lại vị thế sau cú sốc Covid-19. Quyết định tăng giá vé để bù lỗ cũng không mấy khả thi khi khán giả đã quen xem phim trên các nền tảng trực tuyến và không muốn quay lại rạp.

Hợp tác làm phim với nước ngoài cũng không đơn giản. Bên cạnh việc phải tìm kiếm được đối tác phù hợp thì một rào cản còn khó hơn đó là làm thế nào để hấp dẫn về mặt nội dung. Trong đó, khó khăn nhất là hài hòa các yếu tố về văn hóa và tính bản địa của từng quốc gia hợp tác. Về phương diện này, một số phim Việt hợp tác với Thái Lan, Hàn Quốc, Ấn Độ, hay Hồng Công… gặp phải thất bại nặng nề là những bằng chứng thuyết phục.

Câu chuyện khó khăn về vốn cũng nổi cộm. Sau một vài điểm sáng về doanh thu, đặc biệt là những dấu hiệu hồi phục phòng vé, các nhà sản xuất Việt Nam đều phải thừa nhận, để thuyết phục nhà đầu tư không hề dễ dàng. Trước dịch Covid-19, điện ảnh Việt còn có một số nhà đầu tư ngoài ngành, nhưng hiện nay, họ gần như rút lui hoàn toàn. Do đó, bài toán về kinh phí sản xuất càng trở nên ngặt nghèo.

Trong bối cảnh đó, mô hình hợp tác giữa các nhà làm phim trong nước mang tính khả thi hơn. Như mùa tết vừa qua, Mai là sản phẩm hợp tác giữa Trấn Thành Town và CJ HK Entertainment; Gặp lại chị bầu cũng có sự chung tay của ABC Pictures, V Picture. Đất rừng phương Nam là sản phẩm hợp tác của nhiều đơn vị: HK Film, Galaxy Play, Trấn Thành Town, Kim Entertainment, Galaxy Studio...

Hầu hết các phim điện ảnh có kinh phí lớn đều là sản phẩm hợp tác, hoặc chính các diễn viên tham gia góp vốn. Những kinh nghiệm này có lẽ là cần thiết trước khi phim Việt tính đường dài hợp tác quốc tế sâu và rộng hơn trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục