Theo lộ trình thực hiện của Bộ GD-ĐT, chương trình sẽ bắt đầu áp dụng ở khối lớp 6 từ năm học 2021-2022 và khối 10 từ năm học 2022-2023. Nhằm đón đầu thay đổi, bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2018-2019, nhiều trường học trên địa bàn TPHCM đã triển khai thí điểm các lớp thể dục tự chọn, tạo ra làn gió mới trong dạy và học thể chất ở trường phổ thông.
Hào hứng với các tiết thể dục tự chọn
Cuối tuần qua, hơn 1.100 học sinh khối 6, 7, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa đã hào hứng tham gia các lớp thể dục tự chọn lần đầu tiên được tổ chức tại trường, gồm aerobic, võ nhạc taekwondo và rèn luyện thể lực.
Đặng Bảo Khôi, học sinh lớp 7/12, cho biết: “Buổi học đầu tiên về rèn luyện thể lực, con được lấy các chỉ số cơ bản về chiều cao, cân nặng và vòng bụng để sau khi kết thúc học kỳ 2 sẽ đối chiếu lại xem các thông số này thay đổi ra sao. Sau đó, cả lớp được tham gia một số bài tập về nâng cao sức bền, tăng cường sự khéo léo của chân. Vận động nhiều nên nhiều bạn mệt nhưng ai cũng vui, cảm thấy năng lượng bản thân được giải phóng, tinh thần cũng thoải mái hơn”.
Tương tự, ở lớp aerobic, Phạm Thùy Dương, học sinh lớp 7/1, bày tỏ: “Lần đầu tiên tiếp xúc với môn aerobic khiến con gặp khó khăn trong việc nhớ các động tác. Tuy nhiên, khi nhạc bật lên, ai cũng hăng say thể hiện các động tác. Con tuy mệt và đổ rất nhiều mồ hôi nhưng vui vì khám phá thêm một khả năng mới của bản thân”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh, Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết bắt đầu từ học kỳ 2 năm học 2018-2019, thể dục tự chọn được đưa vào một trong những hoạt động của buổi 2 nhằm tăng cường vận động, tạo thêm niềm vui cho các học sinh ngoài giờ học chính khóa trên lớp. Điểm đặc biệt của chương trình là ngoài mục tiêu tăng cường thể lực, phát triển và bồi dưỡng năng khiếu, học sinh còn được kết hợp các buổi tư vấn, nói chuyện về kiến thức dinh dưỡng để có thói quen sinh hoạt và tập luyện điều độ, góp phần nâng cao thể chất, phòng tránh nguy cơ béo phì và bệnh mãn tính. Dự kiến đầu năm học 2019-2020, chương trình sẽ tiếp tục mở rộng khối 8 và 9, với thời lượng 2 tiết tự chọn/tuần.
Khắc phục hạn chế về cơ sở vật chất và giáo viên
Nghị quyết Hội nghị Đảng bộ Sở GD-ĐT TPHCM lần thứ 6 (giai đoạn 2015-2020) đã đề ra mục tiêu mỗi học sinh phổ thông biết chơi ít nhất một môn thể thao để nâng cao thể lực. Triển khai mục tiêu này, Sở GD-ĐT đã ký kết liên tịch với Sở Văn hóa - Thể thao và một số liên đoàn thể dục thể thao như bóng đá, taekwondo, võ cổ truyền, thể thao dưới nước... để đưa các hoạt động thể thao vào trường học.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, cho biết do điều kiện sân bãi ở nhiều trường còn hạn chế nên sở khuyến khích phát triển phong trào thể dục thể thao theo hình thức câu lạc bộ, tổ chức hoạt động ngoại khóa, phối hợp với các trung tâm thể dục thể thao, nhà thi đấu ở các quận/huyện để có thêm sân bãi đưa học sinh tới tham gia tập luyện.
Nhìn nhận thực tế này, ông Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác học sinh - sinh viên (Bộ GD-ĐT), cho biết điều kiện cơ sở vật chất cho giáo dục thể chất trong trường học còn khó khăn, tỷ lệ trường học có nhà giáo dục thể chất, sân bóng đá, sân chơi, bể bơi rất ít. Số lượng và chất lượng giáo viên dạy môn giáo dục thể chất cũng là vấn đề cần được đầu tư và tính toán.
Trước thực tế đó, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT tính toán theo hướng sử dụng chung cơ sở vật chất và giáo viên trong các cụm trường, linh hoạt tận dụng các điều kiện sẵn có, tận dụng sự hỗ trợ, phối hợp từ các liên đoàn thể thao, thực hiện giáo dục thể chất theo hướng mở, tăng tính tự chọn cho người học.
Trao đổi với chúng tôi, huấn luyện viên Nguyễn Thị Hồng Anh, Trưởng nhóm giáo dục thể chất và vận động tại một số trường phổ thông, đánh giá so với việc dạy và học thể dục theo hình thức truyền thống, việc triển khai các môn thể dục tự chọn giúp huấn luyện viên có thể đầu tư chuyên sâu vào bài giảng, không bị gò bó vào khuôn mẫu trong chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời có thể phát hiện và bồi dưỡng năng khiếu phù hợp với từng học sinh.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng thừa nhận chất lượng giáo viên và điều kiện sân bãi đang là 2 trở ngại lớn đối với yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục thể chất trong trường học. Ngoài ra, việc đầu tư phát triển bộ môn một cách bài bản và lâu dài cũng chưa được các trường quan tâm thực hiện. Do đó, để thực hiện thành công chương trình giáo dục phổ thông mới, các trường cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và ổn định chất lượng đội ngũ, song song với việc phát huy tính sáng tạo, tự chủ của học sinh.
Nhằm thực hiện Đề án tổng thể “Phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TPHCM phấn đấu 100% cơ sở giáo dục phổ thông duy trì thường xuyên tập thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ, trong đó có ít nhất 50% cơ sở tổ chức dạy bơi cho học sinh; 50% trường mầm non, 70% cơ sở giáo dục phổ thông, 80% cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục đại học tổ chức dạy hoặc phổ biến các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam. |