Nâng cao hiệu quả hỗ trợ phục hồi, phát triển

Trong báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tình hình triển khai kế hoạch năm 2023 gửi đến Quốc hội, Bộ KH-ĐT đã nhận định, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được triển khai quyết liệt.

Việc thực hiện chương trình đã bám sát các chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát được dịch bệnh, thúc đẩy các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển.

Các cơ quan chức năng đã ban hành đầy đủ 17/17 văn bản hướng dẫn, cụ thể hóa các chính sách; trong đó nhiều chính sách có nội dung mới, chưa từng có tiền lệ và chưa từng được triển khai trước đây, mang tính nhân văn, hướng đến việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế và chia sẻ khó khăn của người dân và doanh nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình cũng có những hạn chế nhất định. Đến hết tháng 3-2023, cả nước chỉ giải ngân được hơn 83.000 tỷ đồng, chiếm 27,5% tổng nguồn lực của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đối với gói hỗ trợ lãi suất (2%/năm) cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh thông qua hệ thống ngân hàng thương mại, tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Quốc hội quyết định dành tối đa 40.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách đạt kết quả rất thấp, dự kiến đến hết năm 2023 sẽ chỉ giải ngân được khoảng 2.570 tỷ đồng, số dự kiến không sử dụng hết lên tới 37.430 tỷ đồng.

Bộ KH-ĐT cho biết, có khoảng 67% khách hàng thuộc ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất và đủ điều kiện thụ hưởng nhưng không có nhu cầu được hỗ trợ lãi suất. Đây là điều không quá khó hiểu, trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp chưa thể lấy lại thị trường, phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh như trước khi xảy ra dịch bệnh.

Theo TS Nguyễn Đức Kiên, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, đặt vấn đề: “Vậy những điều kiện ấy đã hợp lý chưa, hướng dẫn tuy đã ban hành đầy đủ, nhưng đã rành mạch, cụ thể và việc triển khai đã bám sát hướng dẫn chưa?”. Dẫn trường hợp doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội nộp hồ sơ để được hỗ trợ lãi suất nhưng bị một ngân hàng có vốn nhà nước yêu cầu phải chứng minh có 30% vốn đối ứng, có khối lượng nghiệm thu được kiểm toán xác nhận rồi mới cho vay, ông Kiên bình luận: “Trên thoáng mà dưới chưa thông”. Đó là chưa kể việc cho vay còn phải tuân thủ một số “hướng dẫn nội bộ” khá chặt chẽ, không khác gì các “điều kiện ẩn”. Tình trạng các cơ quan thực thi chính sách tự “đẻ” thêm điều kiện là không hiếm.

Tương tự, việc không giải ngân kịp thời gói chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà (đã hết thời hạn, nhưng giải ngân chỉ đạt 3.757,6 tỷ đồng, bằng 57,2% so với tổng nguồn lực dự kiến thực hiện) cũng là điều cần các cơ quan có liên quan nghiêm túc nhìn nhận. Quá trình triển khai chính sách, thẩm định hồ sơ, phê duyệt hoặc trình phê duyệt hồ sơ, giải ngân kinh phí cho người lao động… ở thời kỳ đầu khá chậm chạp. Lực lượng cán bộ tiếp nhận và thẩm định hồ sơ còn thiếu, phải huy động từ nhiều lĩnh vực, chưa nắm vững chuyên môn, có tâm lý lo ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm trong triển khai chính sách.

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chính phủ sẽ có báo cáo riêng về tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 và nêu rõ một số kiến nghị để Quốc hội quyết định. Quá trình phục hồi và phát triển sau một cú sốc lớn như đại dịch Covid-19 chắc chắn không thể một sớm một chiều, thậm chí có thể còn vượt ra ngoài khuôn khổ nhiệm kỳ này, do vậy, nếu trong những đề xuất của Chính phủ có việc kéo dài thời gian thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cũng có thể là đề xuất hợp lòng dân.

Tin cùng chuyên mục