Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay, cạnh tranh trên thị trường thế giới trong điều kiện toàn cầu hóa đã diễn ra gay gắt, nay càng khốc liệt hơn. Với nền kinh tế nước ta, vấn đề nâng cao năng lực cạnh tranh là hết sức quan trọng. Vì vậy, cần có những nhóm giải pháp tổng thể cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế ngay từ trong giai đoạn hiện nay.
Theo đó, cần có chính sách đầu tư đổi mới công nghệ, hỗ trợ DN đổi mới trang thiết bị, cải tiến kỹ thuật, nhất là đối với các dự án công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong bối cảnh hiện nay, đầu tư đổi mới công nghệ có tác dụng rất lớn trong việc nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm.
Nâng cao chất lượng nguồn lao động thông qua việc đẩy mạnh đào tạo công nhân kỹ thuật, lao động có tay nghề, kỹ sư thực hành, nhân viên quản lý cao cấp, giám đốc điều hành, đáp ứng nhu cầu mới của DN trong điều kiện cạnh tranh gay gắt trên thị trường trong nước và ngoài nước và nhu cầu phát triển kinh tế trong bối cảnh mới.
Cải cách hành chính triệt để, nâng cao chất lượng dịch vụ công, cải tiến chính sách thuế nhằm góp phần giảm chi phí xã hội, giúp DN hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Về mặt quản lý vĩ mô, nâng cao chất lượng điều hành, quản lý, hoạch định chính sách, quyết sách, nâng cao chất lượng công tác dự báo kinh tế. Trong điều kiện khủng hoảng kinh tế, suy thoái, suy giảm kinh tế hiện nay có nhiều yếu tố khách quan khó dự đoán chính xác nên càng phải hết sức thận trọng trong dự báo, nhất là những dự báo lạc quan thái quá để tránh những quyết sách vội vàng, thiếu cân nhắc đầy đủ mọi yếu tố kinh tế, chính trị-xã hội. Đây là một trong những yếu tố quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh quốc gia.
Xây dựng chiến lược phát triển công nghệ quốc gia, chiến lược sản phẩm, quản trị DN, chiến lược phát triển trong tình hình mới, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Nâng cao chất lượng công tác tham mưu, tư vấn, phản biện xã hội đối với điều hành, quản lý vĩ mô, các dự án phát triển kinh tế - xã hội nhằm tránh những quyết sách, quyết định thiếu cân nhắc đầy đủ mọi yếu tố kinh tế, chính trị-xã hội không phù hợp với tình hình kinh tế-xã hội.
Các gói giải pháp kích cung, kích cầu, kích hoạt tổng thể nền kinh tế chỉ có thể đạt được hiệu quả cao nếu được bổ sung các nhóm giải pháp nhằm khắc phục có hiệu quả những nhược điểm, khuyết tật của nền kinh tế trong thời gian qua, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, quyết sách, hoạch định chính sách ở cấp vĩ mô, qua đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và sức cạnh tranh quốc gia của chúng ta.
TS Phạm Minh Trí