
Các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO 9000, ISO 14000, ISO/IEC 17025, GMP-HACCP, SA 8000… đã không còn xa lạ với các doanh nghiệp TPHCM, thậm chí ISO còn thâm nhập khá sâu vào các công sở, cơ quan hành chính. Tuy vậy, hiện nay vấn đề năng suất chất lượng vẫn tiếp tục là mối quan tâm hàng đầu của doanh nghiệp khi bước vào WTO, cũng là nỗi lo lắng của người dân đi mua hàng, khi cứ nơm nớp mua phải hàng không đạt chất lượng. Theo ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM, dù là đơn vị đi đầu cả nước, việc nâng cao năng suất, chất lượng cho doanh nghiệp tại TPHCM cũng còn nhiều điều trăn trở…
- PV: Ông đánh giá thế nào về năng suất, chất lượng, nhìn từ cả ba phía: nhà nước, người dân và doanh nghiệp?
Ông PHAN MINH TÂN: Có một điều rất rõ là hiện nay các doanh nghiệp chỉ có thể cạnh tranh trong hội nhập bằng cách nâng cao năng suất chất lượng. Nâng cao năng suất, chất lượng đúng là vấn đề được nhà nước và cả xã hội quan tâm. Có nhiều ví dụ cụ thể minh chứng cho điều đó. Chính phủ đã ban hành Nghị định 144 về áp dụng hệ thống quản lý chất lượng trong các cơ quan nhà nước.
Còn đối với doanh nghiệp, từ trước đến nay TPHCM đã có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập. Cao hơn, Bộ Khoa học Công nghệ đã tổ chức giải thưởng chất lượng Việt Nam. Rồi chúng ta còn phát động thập niên chất lượng lần thứ 2… Còn về phía người dân, những mối quan tâm về chất lượng sản phẩm có thể thấy rất rõ ràng trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Vậy chúng ta đã làm gì để hỗ trợ doanh nghiệp tại TPHCM nâng cao năng suất, chất lượng?
Trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, TPHCM là đơn vị đầu tiên hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Ngoài ra, trước đây chúng ta còn có chương trình đào tạo 1.000 giám đốc, là chương trình đào tạo nâng cao kỹ năng quản lý cho các doanh nghiệp được đánh giá là hiệu quả. Chúng ta cũng đã mở các hội thảo, hướng dẫn lộ trình, các văn bản ký kết khi gia nhập WTO, từ đó giúp doanh nghiệp xây dựng lộ trình cạnh tranh trong hội nhập…
Hiện nay, TPHCM có hơn 1.400 doanh nghiệp đạt ISO 9000, chiếm 1/3 trên cả nước.
- Đó đúng là những con số ấn tượng. Thế nhưng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng hình như vẫn còn gặp khó khăn?
Có một thực tế là trong các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp do chúng tôi tổ chức, rất nhiều doanh nghiệp tham gia nhận định rằng rất có ích cho họ. Nhưng số lượng các doanh nghiệp tham gia các chương trình này chưa nhiều. Theo tôi, có hai nguyên nhân: thứ nhất là việc tuyên truyền chưa được nhiều, việc phối hợp với các hiệp hội ngành nghề trong công tác này chưa được chặt chẽ; thứ hai là bản thân các doanh nghiệp cũng chưa chủ động, nhiều doanh nghiệp, nhận thức của người đứng đầu chưa cao. Nâng cao năng suất chất lượng là một quá trình bắt đầu từ công tác quản lý, phải được bắt đầu từ giám đốc doanh nghiệp.
Sắp tới, trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng, chúng tôi sẽ lưu ý hơn nữa đến việc thông tin, tuyên truyền và sẽ tìm giải pháp phối hợp chặt chẽ hơn với các hội ngành nghề.
- Đây là một vấn đề mới nghe có vẻ rất… ngược đời. Tại sao chúng ta hỗ trợ doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến mà vẫn khó khăn, thưa ông?
Cách đây vài năm khi chúng ta triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, kinh phí hỗ trợ 1 doanh nghiệp chỉ là khoảng 20 triệu đồng mà chỉ cấp khi doanh nghiệp đã lấy được chứng chỉ, trong khi vào thời điểm đó phí tư vấn áp dụng các hệ thống quản lý này lại rất cao. Chi phí bỏ ra nhiều làm một số doanh nghiệp ngán ngại, lại chưa thấy được lợi ích của việc ứng dụng các hệ thống quản lý này.
Hiện nay, số lượng các đơn vị tư vấn đã tăng lên, phí tư vấn giảm xuống nhiều hơn. Nhưng điều quan trọng nhất là sau khi hội nhập, các doanh nghiệp đã hiểu rằng nếu không có các chứng chỉ chất lượng, không thể nào tham gia vào thị trường thế giới. Đó là chưa kể việc thực hiện tốt các hệ thống quản lý tiên tiến giúp doanh nghiệp rất nhiều trong việc giảm giá thành, tăng chất lượng, nâng cao sức cạnh tranh.
- Để nâng cao năng suất chất lượng, bên cạnh việc hỗ trợ, chúng ta cũng phải chú ý tới xử phạt, phải không thưa ông?
Đúng, đây cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. Theo xu hướng trên thế giới, hiện nay các doanh nghiệp sẽ tự công bố chất lượng, và các cơ quan quản lý sẽ kiểm tra giám sát. Hiện nay chúng tôi cũng thường xuyên có các đợt thanh kiểm tra chất lượng hàng hóa theo từng chủng loại mặt hàng.
Để ghi nhận những bức xúc của người tiêu dùng về vấn đề năng suất, chất lượng; đồng thời ghi nhận những kinh nghiệm, ý tưởng và trăn trở, thắc mắc của các doanh nghiệp về vấn đề này, Báo SGGP mở Diễn đàn Năng suất – Chất lượng trên trang Khoa học Công nghệ vào thứ tư hàng tuần. Mọi ý kiến, tin bài tham gia diễn đàn xin gửi về Minh Tú, Ban Khoa giáo Báo SGGP, email: minhtusggp@yahoo.com. Điện thoại: 08 8397628 – 0918 557 665. Các ý kiến được đăng sẽ có nhuận bút theo quy định. |
- Ở đầu câu chuyện, ông có nhắc tới việc ứng dụng ISO trong các cơ quan quản lý nhà nước. Với vai trò của một đơn vị đang áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, ông có nhận xét gì?
Hệ thống quản lý này phân cấp, phân việc rất rõ ràng. Nó là một quy trình để quản lý minh bạch. Trong quy trình đó, người nào làm việc không đảm bảo có thể thấy ngay.
Năng suất, chất lượng không chỉ là vấn đề của cơ quan quản lý nhà nước hay của các doanh nghiệp, mà còn là vấn đề của bất cứ người tiêu dùng nào, từ người mua nón bảo hiểm đến người mua nước tương, nước mắm…
Minh Tú