Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, từ chỗ không quan tâm thì đến nay, hơn 90% người tiêu dùng đã quan tâm đến hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, trong đó hơn 60% khẳng định sẽ tiếp tục sử dụng hàng Việt. Điều đó tạo nên sự khích lệ to lớn để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất nhiều sản phẩm tốt cũng như tiếp tục có những giải pháp để giảm giá thành sản phẩm. Thông qua cuộc vận động, đã có nhiều thương hiệu Việt Nam vượt tầm quốc gia, vươn ra thị trường thế giới. Tuy nhiên, trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, việc nâng cao năng lực của các doanh nghiệp, nhất là thương hiệu của doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm là yêu cầu rất quan trọng, không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng trong nước mà còn hướng tới thị trường thế giới. Vì vậy, hơn bao giờ hết, cần tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động, nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế. Đó là thông điệp chủ đạo của hội thảo nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế mà Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và Bộ Công thương tổ chức ngày 27-12, tại Hà Nội.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) đã nêu lên thực tế thời gian qua các DN Việt Nam đã có cải thiện trong vấn đề xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, hơn 90% DN ở Việt Nam là vừa và nhỏ, vì vậy việc xây dựng thương hiệu còn khó khăn, cũng chưa có ý thức mạnh mẽ hơn trong việc xây dựng cũng như bảo vệ thương hiệu của mình, dẫn tới kém cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài ngay trên thị trường Việt. Trong khi đó, vẫn còn tình trạng sản xuất hàng nhái hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ... khá phổ biến. Để nâng cao năng lực cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường, không có cách nào khác là các DN phải nâng cao chất lượng thương hiệu của mình để cạnh tranh, cùng với đó tổ chức các kênh phân phối hàng Việt hiệu quả.
Trong bối cảnh hiện nay, các quốc gia trên thế giới có xu hướng quay lại tập trung vào củng cố và phát triển thị trường trong nước. Nhiều quốc gia phát triển và có tiềm lực kinh tế thì “tung quân” là các DN mạnh của quốc gia đi thâu tóm thị trường các nước còn nhiều tiềm năng. Việt Nam cũng đã chứng kiến không ít sự hiện diện ngày càng dày đặc của các DN nước ngoài, các thương hiệu nước ngoài. Vì vậy, việc phát huy nội lực để xây dựng một nền kinh tế tự chủ và không bị “hòa tan” trong hội nhập đang là yêu cầu cấp bách đặt ra đối với Việt Nam. Trong đó nhất định không thể không đẩy mạnh việc xây dựng, nâng cao năng lực cạnh tranh của các thương hiệu Việt.
Việc đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu, quảng bá cho doanh nghiệp Việt, hàng Việt… đã được Chính phủ giao Bộ Công thương đẩy mạnh trong suốt thời gian qua. Việc kết nối cung cầu trước hết góp phần bình ổn thị trường, bảo đảm an sinh xã hội. Đến nay cả nước đã có 11.000 điểm bán hàng bình ổn giá ở 50 tỉnh thành để phân phối các sản phẩm thiết yếu. Bên cạnh đó là kết nối cung cầu để hỗ trợ tiêu thụ nông sản và hàng công nghiệp nông thôn, thiết lập chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm an toàn, phục vụ người dân và xuất khẩu. Kể cả hoạt động đẩy mạnh phát triển thương mại ở miền núi, hải đảo, vùng sâu vùng xa... Tuy vậy, thực tế là cung cầu chưa gặp nhau, nhiều đơn vị sản xuất hàng hóa gặp khó khăn trong quá trình đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối hiện đại một cách bền vững, đặc biệt là các DN vừa và nhỏ, các hộ nông dân. Nguyên nhân đều là do chưa xây dựng được thương hiệu, chưa đáp ứng được tiêu chuẩn của các nhà phân phối về chất lượng, tính an toàn và sản lượng. Bên cạnh đó, các DN cũng chưa chủ động tiếp cận với các nguồn hàng ổn định và có chất lượng.
Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, nâng cao sức cạnh tranh của thương hiệu Việt, không còn cách nào khác là cần mở rộng các kênh phân phối hàng Việt tiện lợi, linh hoạt, đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu. Cần có giải pháp để đạt mục tiêu đã đặt ra là đến năm 2020, 100% tỉnh thành đều tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng Việt, tạo điều kiện để hai bên có nhiều cơ hội hợp tác với nhau. Đặc biệt, quan trọng nhất trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế là các DN cần không ngừng đầu tư, nâng cấp dịch vụ, chất lượng, mẫu mã để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. DN phân phối cần có chính sách ưu tiên hàng hóa sản xuất trong nước, chủ động tiếp cận, hỗ trợ các DN, hộ nông dân trong sản xuất hàng hóa đạt tiêu chuẩn trong nước và quốc tế hướng tới người tiêu dùng Việt Nam và xuất khẩu. Nếu không làm được điều đó, DN Việt, hàng Việt sẽ còn tiếp tục thua ngay trên sân nhà.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, cho biết, sau 10 năm Việt Nam tham gia WTO, thị trường bán lẻ của chúng ta đã phát triển vượt bậc. Tổng mức bán lẻ 2010 đạt 88 tỷ USD, năm 2015 là 146 tỷ USD, vượt xa con số dự báo của các hãng nghiên cứu thị trường nước ngoài. Thế nhưng, sự hiện diện của các tập đoàn, các tỷ phú nước ngoài tại thị trường Việt Nam, trong đó có cả việc “thâu tóm” các thương hiệu lớn của Việt Nam đang là câu chuyện khiến chúng ta suy nghĩ. Không còn cách nào khác, để chiếm lĩnh thị trường, để người Việt trân quý và nâng niu sử dụng các thương hiệu Việt, từng cá nhân, từng DN cần có chiến lược của riêng mình, con đường đi của riêng mình, trong đó để nâng cao cạnh tranh của thương hiệu Việt, có giải pháp quan trọng là phát triển thị trường bán lẻ.