Nâng cao tỷ lệ phát triển năng lượng tái tạo

Trong chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (NLTT) ở Việt Nam, Chính phủ đã đặt ra các chỉ tiêu cụ thể như tăng tỷ lệ NLTT trong tổng tiêu thụ năng lượng sơ cấp lên 32,3% vào năm 2030 và khoảng 44% vào năm 2050; tỷ lệ điện năng sản xuất từ NLTT tăng 32% vào năm 2030 và lên 42% vào năm 2050. 

Song song đó, Chính phủ cũng đạt mục tiêu giảm lượng phát thải khí nhà kính so với phương án phát triển bình thường khoảng 22% vào năm 2030 và 45% vào năm 2050. 
Nâng cao tỷ lệ phát triển năng lượng tái tạo ảnh 1 Pin mặt trời được lắp đặt trên mái một nhà máy. Ảnh: CAO THĂNG
Để đạt được các mục tiêu này, Chính phủ đã chú trọng đến các biện pháp ưu tiên sử dụng năng lượng sinh khối cho sản xuất điện, khí sinh học, sinh khối viên sử dụng trực tiếp làm nhiên liệu và nhiên liệu sinh học lỏng.
Nâng tỷ lệ sử dụng phế thải của các cây công nghiệp, nông nghiệp cho mục đích năng lượng từ khoảng 60% năm 2030 và 70% vào năm 2050. Nâng tỷ lệ xử lý chất thải chăn nuôi cho mục đích năng lượng (khí sinh học) từ khoảng 50% vào năm 2030, đến năm 2050 hầu hết chất thải chăn nuôi được xử lý.
Đối với điện gió, đến năm 2030, ưu tiên phát triển nguồn điện gió trên đất liền; nghiên cứu phát triển nguồn điện gió ngoài khơi, trên thềm lục địa từ sau năm 2030. Sản lượng sản xuất từ nguồn điện gió tăng từ 16 tỷ kWh vào năm 2030 và 53 tỷ kWh vào năm 2050. Bên cạnh đó, phát triển điện mặt trời để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia và khu vực biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa - nhưng chưa thể cấp điện từ nguồn điện lưới quốc gia. Điện năng sản xuất từ năng lượng mặt trời sẽ tăng từ 35,4 tỷ kWh vào năm 2030 và khoảng 210 tỷ kWh vào năm 2050. 
Theo ông Nguyễn Văn Vy, Hiệp hội Năng lượng Việt Nam - Bộ Công thương, để phát triển NLTT, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ, chẳng hạn các dự án phát triển, sử dụng nguồn NLTT được hưởng các ưu đãi về tín dụng đầu tư, ưu đãi về thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành áp dụng đối với dự án thuộc lĩnh vực ưu đãi đầu tư; bố trí kinh phí từ các quỹ để hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ tại các dự án thí điểm, dự án công nghệ liên quan đến sự phát triển và sử dụng NLTT. Đối với các tổ chức, cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch cho mục đích năng lượng phải đóng phí môi trường tương ứng với khối lượng nhiên liệu sử dụng.
Một phần phí môi trường sẽ được sử dụng khuyến khích phát triển và sử dụng nguồn NLTT thông qua Quỹ Phát triển năng lượng bền vững. Đặc biệt, Chính phủ cũng đã ban hành quy định đối với các đơn vị có tỷ lệ điện sản xuất từ việc sử dụng các nguồn NLTT đến năm 2020 không thấp hơn 3%, đến năm 2030 không thấp hơn 10% và không thấp hơn 20% vào năm 2050. Các đơn vị phân phối điện có tỷ lệ điện năng sản xuất, điện năng mua được từ các nguồn điện sử dụng NLTT và khách hàng sử dụng cuối cùng tự sản xuất từ nguồn NLTT đến năm 2020 không thấp hơn 5%, đến năm 2030 không thấp hơn 10% và không thấp hơn 20% vào năm 2050.

Tin cùng chuyên mục