Nâng cao ứng xử sư phạm trong trường học

Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, cả nước ghi nhận nhiều trường hợp giáo viên có hành vi cư xử không chuẩn mực với học sinh. Điều này ảnh hưởng xấu đến hình ảnh nhà giáo, đồng thời gây ra nguy cơ mất an toàn cho học sinh. Đâu là giải pháp nâng cao ứng xử sư phạm trong trường học?
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM tặng hoa tri ân cô giáo. Ảnh: CAO THĂNG
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TPHCM tặng hoa tri ân cô giáo. Ảnh: CAO THĂNG

Hành vi sai chuẩn mực đạo đức

Liên tiếp những ngày qua, mạng xã hội xôn xao trước đoạn video clip ghi lại cảnh một thầy giáo xưng hô “mày - tao”, có lời nói xúc phạm học sinh và hình ảnh một cô giáo túm cổ áo, kéo lê học sinh trước cửa lớp diễn ra tại 2 trường học trên địa bàn TP Hà Nội. Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, sở đã đình chỉ việc đứng lớp đối với 2 giáo viên nói trên để điều tra làm rõ sai phạm. Nếu xác định giáo viên có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, ngành giáo dục sẽ xử lý nghiêm khắc, không bao che sai phạm.

Trước đó, vào cuối tháng 9-2023, Phó hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây (TP Thủ Đức, TPHCM) do không kiềm chế được nóng giận đã có hành vi tát vào má một học sinh sau khi em này đăng hình ảnh hút thuốc lá điện tử lên mạng xã hội. Tuy sức khỏe học sinh không bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng việc này đã làm xấu đi hình ảnh người thầy trong mắt các em học sinh. Bà Hoàng Thị Hảo, Hiệu trưởng Trường THPT Đào Sơn Tây, nhìn nhận, thầy giáo đánh học sinh là sai so với chuẩn mực đạo đức nhà giáo, tuy nhiên đây là lần đầu tiên thầy giáo có hành vi thiếu kiểm soát nên nhà trường sẽ xem xét hình thức xử lý phù hợp.

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) tham gia hoạt động bồi dưỡng kỹ năng sống

Học sinh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (quận 1, TPHCM) tham gia hoạt động bồi dưỡng kỹ năng sống

Bên cạnh các vụ việc đáng tiếc đã xảy ra, theo đại diện nhiều trường học trên địa bàn TPHCM, gần đây cũng có trào lưu học sinh bình phẩm về đời tư của thầy, cô giáo. Thầy T.M., trợ lý thanh niên một trường THPT ở quận 3, cho hay, fanpage Đoàn trường từ đầu năm học đến nay đã chặn rất nhiều thông tin đăng tải của học sinh có nội dung liên quan đến việc bình phẩm, đánh giá phương pháp giảng dạy, thậm chí ngoại hình, đời tư của giáo viên.

Trường hợp khác, trên fanpage một trường THPT ở quận Tân Bình xảy ra khẩu chiến giữa học sinh các lớp sau dòng trạng thái đánh giá của một học sinh về một thầy giáo ở tổ bộ môn Toán.

Tại nhiều trường khác, học sinh hưởng ứng trào lưu “flex” (khoe khoang) giáo viên chủ nhiệm bằng lời lẽ khiếm nhã, thiếu tôn trọng thầy, cô giáo. Đây là một trong những hệ quả tiêu cực của việc học sinh sử dụng mạng xã hội không kiểm soát, đồng thời các trường chưa phát huy hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học.

Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho rằng, TPHCM đang đẩy mạnh mô hình “Trường học hạnh phúc”, tuy nhiên nếu đội ngũ thầy, cô giáo chưa hạnh phúc thì khó lan tỏa tinh thần đó cho học sinh.

“Môi trường dạy học thay đổi buộc các thầy, cô giáo phải chủ động thích ứng, phát huy hiệu quả bộ quy tắc ứng xử trong trường học. Cùng với đó, giáo dục tư tưởng, đạo đức, lối sống cho học sinh phải thực chất, thay đổi nhận thức từ những thói quen nhỏ nhất của học sinh, tránh triển khai cứng nhắc, nặng yêu cầu thành tích”, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ.

Triển khai linh hoạt nhiều giải pháp

Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Phó trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức (TPHCM), nhận định, yêu cầu nâng cao đạo đức nhà giáo, triển khai sâu rộng các quy tắc ứng xử trong trường học cần tiếp tục đẩy mạnh trong các đơn vị trường học. Ở góc độ khác, theo Trưởng Phòng GD-ĐT quận 3 Phạm Đăng Khoa, hiện nay hoạt động tư vấn tâm lý cho học sinh đang được đẩy mạnh ở các trường phổ thông. Trong đó, nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên tư vấn tâm lý không dừng ở việc hỗ trợ ban giám hiệu, giáo viên các vấn đề về chăm sóc sức khỏe, giáo dục tâm lý cho học sinh mà còn hỗ trợ bản thân giáo viên khi gặp các tình huống phát sinh hoặc khó khăn về tâm lý.

Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh các hoạt động phong trào, sinh hoạt đoàn thể tại trường học cũng là một trong những hình thức giúp giáo viên giải tỏa tâm lý, chia sẻ kinh nghiệm giảng dạy và tổ chức hoạt động cho học sinh.

Trong bối cảnh học sinh bị ảnh hưởng bởi nhiều nguồn thông tin khác nhau trên mạng internet, TS Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học Việt Nam) cho rằng, ứng xử và phương pháp giảng dạy của thầy, cô giáo sẽ góp phần truyền tải những thông điệp, bài học cho học sinh về kỹ năng sống, kỹ năng thực hành xã hội, qua đó hình thành nhân cách cho người học. Đó là vai trò rất đặc biệt của người thầy mà không phương tiện học tập nào thay thế được.

Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng (Sở GD-ĐT TPHCM) Cao Thị Thiên Phúc cho biết, trong năm học 2023-2024, toàn ngành đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, chú trọng xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học. Trong đó, trường học triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng chống bạo lực học đường, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện để mỗi học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên đều cảm thấy được yêu thương, tôn trọng, an toàn và thấu hiểu.

Tin cùng chuyên mục