Không bột khó gột nên hồ
Mới đây, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM phối hợp với Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Giáo dục hướng nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh phổ thông trong bối cảnh hiện nay”. Tại hội thảo, TS Vũ Đình Bảy, Trưởng khoa Tâm lý giáo dục, Trường Cán bộ quản lý giáo dục TPHCM, cho biết, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025” nhưng trên thực tế, công tác GDHN cho học sinh phổ thông còn nhiều hạn chế.
Tỷ lệ học sinh chọn ngành, nghề chưa đúng sở trường, năng lực của bản thân, chưa phù hợp với yêu cầu và xu thế phát triển nghề nghiệp của xã hội còn khá cao; sinh viên tốt nghiệp đại học không tìm được việc làm, tình trạng thừa thầy, thiếu thợ ngày càng phổ biến.
Còn theo TS Nguyễn Đặng An Long, Chánh Văn phòng Đảng ủy Sở GD-ĐT TPHCM, hiện nay công tác quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo còn chồng chéo, sức hấp dẫn của chương trình đào tạo nghề chưa cao, sự gắn kết giữa các trường phổ thông, trường nghề với doanh nghiệp còn lỏng lẻo, đội ngũ giáo viên đào tạo nghề thiếu kinh nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, nhận thức của người dân và xã hội đối với giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, phần lớn phụ huynh định hướng con em mình phải vào đại học.
Hiện nay, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung hướng nghiệp cho học sinh sau tốt nghiệp THCS theo 4 con đường chính: học tiếp lớp 10 các trường THPT công lập và ngoài công lập; học trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; vừa làm vừa học tiếp THPT theo chương trình giáo dục thường xuyên, trực tiếp tham gia lao động sản xuất và đi du học.
Thực tế cho thấy, dù tổng chỉ tiêu tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập hàng năm của thành phố đều tăng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thực tế. Lý giải thực tế này, ThS. Nguyễn Quốc Cường, giáo viên Trường THCS-THPT Hồng Hà (quận Gò Vấp), bày tỏ, ở các trường phổ thông hiện nay, dạy hướng nghiệp chủ yếu là giáo viên chủ nhiệm hoặc giáo viên dạy chưa đủ số tiết được tăng cường, chưa có giáo viên được đào tạo bài bản về tư vấn hướng nghiệp.
Ngoài ra, trường học thiếu các tài liệu tham khảo về giáo dục nghề nghiệp, phòng tham vấn, thiết bị lưu trữ hồ sơ, công cụ chẩn đoán nên không tạo lập được hồ sơ tư vấn cho học sinh. Ngay cả các cơ sở đào tạo nhân lực như trường ĐH, CĐ cũng không có chuyên gia tư vấn nghề nghiệp, đội ngũ tư vấn không được đào tạo bài bản nên chưa thể hỗ trợ các trường phổ thông trong công tác hướng nghiệp. Công tác tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh hiện nay chủ yếu tập trung đối tượng học sinh THPT, chưa quan tâm đúng mức đến học sinh THCS.
Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị
Trước thực tế khó khăn đó, nhà giáo Hàng Quốc Tuấn, giáo viên Trường THPT Phong Phú (huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh) cho rằng, phân luồng học sinh hiện nay không chỉ là vấn đề của riêng ngành giáo dục đào tạo mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, từ cơ quan quản lý nhà nước các cấp, các bộ, ngành, doanh nghiệp, đơn vị sử dụng nhân lực và cả học sinh, phụ huynh. Trong đó, để nâng cao hiệu quả công tác GDHN ở trường phổ thông cần tổng hợp nhiều giải pháp như: phát huy vai trò của hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan truyền thông trong giáo dục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cha mẹ, học sinh và các tầng lớp nhân dân về vai trò, vị trí của nhân lực giáo dục nghề nghiệp. Riêng ngành giáo dục và đào tạo, cần xây dựng các quy định cụ thể phân luồng và liên thông trong toàn bộ hệ thống, kết nối giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học, triển khai đại trà các mô hình trường trung học nghề, trung học phổ thông kỹ thuật để thu hút học sinh sau tốt nghiệp THCS rẽ hướng học nghề.
Ngoài ra, theo Ths Trần Thanh Xuyên, giảng viên Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang, mỗi đơn vị trường học cần tăng cường công tác phối hợp giữa Đoàn - Hội, ban giám hiệu và doanh nghiệp. Các hoạt động truyền thông, quảng bá giáo dục nghề nghiệp, khởi nghiệp cho học sinh cần tổ chức thường xuyên, liên tục. Song song đó, chính quyền địa phương hỗ trợ về mặt cơ chế, kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị. Doanh nghiệp cũng đồng hành thông qua các hoạt động hỗ trợ chuyên môn, kinh nghiệm thực tế và một phần kinh phí hoạt động chương trình GDHN.
PGS-TS Trần Thị Mai Phương, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Chủ biên nhóm biên soạn SGK lớp 10 môn học Giáo dục Kinh tế và Pháp luật (thay thế môn Giáo dục Công dân ở chương trình giáo dục hiện hành) theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, cho biết, chương trình mới sẽ tập trung vào mục tiêu đào tạo năng lực và phẩm chất cho người học. Theo đó, SGK sẽ chú trọng kiến thức thực tế đời sống như khái niệm về doanh nghiệp, hộ kinh doanh, thế nào là ý tưởng kinh doanh, cơ hội kinh doanh… Ngoài lý thuyết, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tăng cường các hoạt động trải nghiệm, thực hành |