Nâng chất trường chuẩn quốc gia

Bắt đầu từ năm học 2020-2021, quy định mới về chuẩn cơ sở vật chất đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT do Bộ GD-ĐT ban hành chính thức có hiệu lực thi hành. 

Theo đó, trường mầm non phải có diện tích đất bình quân tối thiểu 10 - 12m2/học sinh (HS); các trường tiểu học, THCS, THPT là 8 - 10m2/HS. Quy định mới đặt ra thử thách không hề nhỏ đối với các trường trong tình hình gia tăng dân số.   

Đề xuất hướng mở về diện tích đất

Tính đến cuối năm học 2019-2020, toàn huyện Hóc Môn (TPHCM) có 8/19 trường mầm non công lập được công nhận đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chuẩn cũ (diện tích đất bình quân tối thiểu 8m2/HS). Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7-2020 (thời điểm Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT do Bộ GD-ĐT ban hành về tiêu chuẩn cơ sở vật chất đối với các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học bắt đầu có hiệu lực thi hành), nhiều trường có nguy cơ không đạt chuẩn. 

Nâng chất trường chuẩn quốc gia ảnh 1 Học sinh Trường Mầm non 2 Tháng 9 (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) trong giờ học
Bà Nguyễn Ngọc Lan, Phó Trưởng phòng GD-ĐT huyện Hóc Môn, cho biết, hiện nay tại một số khu vực tập trung đông người dân nhập cư như xã Đông Thạnh, xã Bà Điểm, các trường đang chịu áp lực cao về sĩ số, khó đảm bảo diện tích đất bình quân tối thiểu 10 - 12m2/HS.

Bà Ngô Thị Chí Hiếu, Hiệu trưởng Trường Mầm non 2 Tháng 9 (xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn) - một trong những trường mầm non có diện tích khuôn viên lý tưởng với hơn 9.800m2 - bày tỏ, quy định mới không cho phép tính diện tích đất bình quân tối thiểu/HS theo diện tích sàn xây dựng (gồm diện tích trệt và các tầng lầu).

Trong khi đó, nếu tính diện tích đất bình quân trên đầu HS bằng cách lấy tổng diện tích đất xây dựng (tức diện tích phòng học, chưa bao gồm sân bãi, vườn trường, các công trình phụ…) chia trên tổng số HS thì các trường rất khó đạt chuẩn. 

Tương tự, tại Trường Mầm non 15 (quận 11), bà Lê Thanh Hà, hiệu trưởng nhà trường, cho biết, trường có tổng diện tích đất xây dựng 2.291m2 với quy mô 415 HS. Nếu áp dụng theo quy định mới thì diện tích đất bình quân chỉ hơn 5m2/HS, khó đáp ứng yêu cầu đạt chuẩn. Hiện nay, các lớp nhà trẻ đang duy trì sĩ số 20 - 25 HS/lớp và không quá 30 HS/lớp đối với lớp mẫu giáo.

“Nếu phấn đấu đạt chuẩn 10 - 12m2/HS theo quy định mới thì trường phải giảm sĩ số xuống còn một nửa, tức chỉ còn 10 HS/lớp. Đây là phương án khó khả thi đối với các trường mầm non ở quận nội thành”, đại diện nhà trường nêu ý kiến.

Trước tình hình đó, bà Lê Thanh Hà đề xuất cơ quan quản lý có thêm hướng mở về quy định diện tích đất bình quân/HS đối với các địa phương có tính chất đặc thù về quy mô dân số, kết hợp các tiêu chí đánh giá về diện tích trường lớp, điều kiện cơ sở vật chất với trình độ giáo viên, chất lượng chăm sóc và giáo dục trẻ, để từ đó có kết quả đánh giá toàn diện. 

Tập trung nâng cao chất lượng 

Trong khi các trường mầm non loay hoay với quy định mới về diện tích đất bình quân tối thiểu tính trên đầu HS thì ở khối tiểu học, đại diện các trường đều cho biết, “tạm gác tiêu chí về diện tích đất để tăng thêm sĩ số, phấn đấu tổ chức dạy học 2 buổi/ngày để thực hiện hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1”.

Hiệu trưởng (yêu cầu không nêu tên) một trường tiểu học ở quận 12 phân tích, trong vòng 5 năm trở lại đây, tổng số HS vào lớp 1 hàng năm đều tăng thêm 5.000 - 7.000 HS so với năm học trước. Trong khi đó, tốc độ xây dựng trường lớp và mở rộng quy mô đối với các cơ sở hiện có không theo kịp tốc độ gia tăng dân số.

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2020-2021, toàn thành phố tăng hơn 54.000 HS, tập trung nhiều ở hai bậc tiểu học và THCS. Mặc dù theo yêu cầu của chương trình phổ thông mới, 100% HS lớp 1 phải được học 2 buổi/ngày, nhưng hiện nay mới có 18/24 quận huyện thực hiện được yêu cầu này. 

Ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD-ĐT quận 12, bày tỏ, năm học này địa phương phải đồng thời áp dụng nhiều giải pháp, như tăng sĩ số lên mức “kịch trần” 50 HS /lớp, giảm số lớp học 2 buổi/ngày để giải quyết đủ chỗ học cho tất cả HS. Trong điều kiện quá tải về sĩ số, các trường buộc phải nỗ lực duy trì chất lượng mới đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của người dân. 

Ở góc độ khác, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Trang, chuyên viên Phòng GD-ĐT quận 11, trường học đạt chuẩn quốc gia cần đáp ứng đồng thời nhiều tiêu chí về quy mô, diện tích, cơ sở vật chất tối thiểu, trang thiết bị, đồ dùng... Tuy nhiên, mỗi địa bàn dân cư có đặc thù riêng về quy mô dân số, nếu chạy theo yêu cầu về diện tích đất buộc các trường phải giảm mạnh sĩ số, tăng thêm áp lực cho các trường ngoài công lập.

Trong tình hình đó, các địa phương đã chọn giải pháp ưu tiên nâng cao chất lượng giáo dục bằng nhiều biện pháp, như tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra; đánh giá theo hướng phát huy năng lực, phẩm chất cho người học; đẩy mạnh các mô hình trường học thông minh, thư viện thông minh theo tiêu chí tiên tiến, hiện đại… 

Theo Sở GD-ĐT TPHCM, tính đến cuối năm học 2019-2020, toàn thành phố có 181 trường mầm non được công nhận chuẩn quốc gia, tập trung nhiều ở khu vực ngoại thành. Riêng đối với bậc tiểu học, tỷ lệ HS được học 2 buổi/ngày hiện nay mới đạt hơn 70%, nhiều trường học phải duy trì quy mô “khủng” 3.000 - 4.000 HS. Từ đây đến hết năm 2020, thành phố phấn đấu hoàn thành mục tiêu 300 phòng học/10.000 dân với hơn 800 phòng học được xây mới, tập trung nhiều ở hai bậc mầm non và THCS.

Tin cùng chuyên mục