Năng động thành phố Hồ Chí Minh

1.
Năng động thành phố Hồ Chí Minh

1. Xe tôi bon bon trên đại lộ cửa ngõ phía Đông thành phố Hồ Chí Minh. Xa lộ Hà Nội nhỏ bé chật chội ngày nào giờ đã rộng gấp đôi, gấp ba. Những chiếc cầu vượt nối nhau chạy ngang dọc tạo nên một cảnh tượng thật hoành tráng. Cửa ngõ Đông thành phố, quả thật đang mở ra trước mắt tôi với những công trình hạ tầng tầm cỡ và trong tương lai, không kém những cửa ngõ của một thành phố nước ngoài. Đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây. Đường Vành đai 2 nối với Khu công nghệ cao. Đại lộ Đông Tây, nay là đường Võ Văn Kiệt. Đại lộ Phạm Văn Đồng nối Thủ Đức với sân bay Tân Sơn Nhất. Và phóng tầm mắt về phía chân cầu Sài Gòn, bóng dáng của một thành phố hiện đại đã hiện ra với những cao ốc chọc trời, những khu chung cư cao cấp vươn lên kiêu hãnh như biểu tượng của một tiến trình đổi mới và hội nhập.

Khu chế xuất Tân Thuận (TPHCM) đã tạo nên dấu ấn quan trọng trong phát triển KT-XH của TPHCM và cả nước. Ảnh: MẠNH LINH

2. Nhưng con đường hội nhập vào biển lớn không đơn giản là cái vươn vai của cậu bé làng Gióng như trong huyền thoại. Đổi mới là một cuộc cách mạng với những cơn đau đẻ kéo dài trước khi sinh hạ cuộc sống mới. Đó là cuộc vật vã đau đớn để lột xác những năm đầu giải phóng trên con đường tìm kiếm đi lên đầy chông gai chưa từng được vạch ra trong lộ trình. Cơ chế quan liêu bao cấp với cung cách quản lý thị trường kiểu ngăn sông cấm chợ, khiến thành phố bị bao vây cô lập và cận kề nguy cơ nạn đói. Lãnh đạo thành phố với tinh thần trách nhiệm cao độ không để bất kỳ người dân nào bị đói, trong cơn bĩ cực đã buộc phải “xé rào”, phá vỡ quy tắc quản lý đắp đập be bờ, cử trực tiếp cán bộ xuống đồng bằng sông Cửu Long mua gạo về phân phối cho dân. Cách làm đó không chỉ cứu được hàng triệu người khỏi nạn đói hiện hữu mà còn mở ra một con đường sống của nền kinh tế - cơ chế quản lý mới: Cơ chế để thị trường tự điều tiết.

Rồi một hợp tác xã mạnh dạn khoán nông nghiệp. Một công ty âm thầm phá bỏ kế hoạch hóa chỉ tiêu, một địa phương gạt bỏ chế độ tem phiếu, bù giá vào lương, một tổ hợp làm ăn tư nhân phi quốc doanh… tất cả những đột phá ấy của thành phố, như những con sóng ngầm xô ngã thành trì kinh tế quan liêu bao cấp, mở ra con đường chưa có tiền lệ và tư duy làm ăn khác không có trong giáo điều của chủ nghĩa xã hội. Những đột phá của đời sống, lách qua vòng kim cô của cơ chế cũ, vô hiệu hóa dần những biển cấm và biển báo trái với thực tiễn đời sống, đưa chúng ta quay dần về xa lộ của quy luật. Nền kinh tế quốc doanh thiếu nguyên liệu, đói hàng hóa, mua bán không được suốt những năm dài bao cấp đang ngoắc ngoải đã được cứu bằng nền kinh tế thị trường. Những nỗ lực cấm đoán, những đắp đập ngăn dòng cuối cùng cũng đã được khai thông. Nó chứng minh một chân lý không thể chối cãi: Đổi mới là sự đòi hỏi tất yếu, là mệnh lệnh của cuộc sống, là loại đường cứ đi rồi mới thành đường, nó chính là điều mà một nhà khoa học gọi là “quyền uy của lòng dân”. Nhiều mô hình kinh tế từ nhân dân đã làm phong phú, sinh động thêm đời sống kinh tế những năm đất nước trì trệ, bị bao vây cấm vận cả trong kinh tế và tư duy, góp phần vào việc giải phóng tiềm năng to lớn của toàn xã hội.

3. Kiên định mục tiêu hội nhập và phát triển, con đường đổi mới là con đường đầy cam go, không phải con đường độc đạo, một chiều, con đường của tư duy duy ý chí. Đó là con đường đòi hỏi người lãnh đạo phải luôn tắm mình trong cuộc sống thực tiễn, nghe và nói tiếng nói của đời sống, của nhân dân. Tôi nhớ đến câu nói của Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Chính (tức Chín Cần) lúc bấy giờ, một trong những người tâm huyết đổi mới: “Đừng nghĩ mình là ông trời. Thật ra, xã hội đã tự thân vận động. Công việc của người hoạch định chính sách rất đơn giản, thấy chỗ nào bị tắc thì phải khơi thông dòng chảy”. Câu nói nôm na nhưng ẩn chứa một ý nghĩa triết học rất sâu sắc: Cuộc sống vốn dung chứa những chân lý vĩ đại nhưng rất đơn giản và người lãnh đạo phải là người nắm chắc những chân lý ấy, tôn trọng quy luật phát triển của nó.

Những người đứng đầu thành phố trong những tháng năm đầy cam go của đất nước lúc ấy - những bộ óc kiệt xuất Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, sau này là Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ hiểu rất rõ điều đó. Các đồng chí hiểu rõ mảnh đất mà mình đã cùng nhân dân đổ máu đấu tranh giành độc lập dân tộc, đập cùng nhịp đập với trái tim nhân dân. Đó là lý do khiến các đồng chí tiếp tục sẵn sàng đứng đầu sóng ngọn gió, là những người lính tiên phong trong việc cởi trói rất cụ thể, vượt qua rào cản đầy uy lực của những tư duy giáo điều, tấn công vào cơ chế cũ kỹ và lạc hậu. Bởi các đồng chí quan niệm rằng: Không thể có chủ nghĩa xã hội nếu không có no ấm cho mọi người, không có hạnh phúc cho nhân dân.

4. Quá trình khơi thông dòng chảy là quá trình tiếp cận của tư duy với chân lý đời sống, nhận thức đúng quy luật. Đó là quá trình chắt lọc từ thực tiễn để tìm ra những mô hình phát triển - tìm ra cái nụ cái chồi, cái bông hoa mới của cuộc sống theo cách nói của Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Bắt đầu từ hoạt động phong phú, sôi động của những doanh nghiệp tư nhân sau cởi trói, xé rào; nền kinh tế đã thu hoạch những vụ mùa hoa trái đầu tiên. Lý thuyết phát triển suy cho cùng chính là cái tinh túy đời sống được đúc kết lại thành quy luật. Và quy luật khi được hiện thực hóa thành chính sách sẽ quay trở lại thúc đẩy cuộc sống. Từ thực tiễn được kiểm nghiệm, vào năm 1989, thành phố đã cho ra đời các quy định tạo điều kiện phát triển cho kinh tế tư nhân, sau này là cơ sở cho việc hình thành luận điểm nền kinh tế nhiều thành phần của đường lối đổi mới. Khu chế xuất Tân Thuận là một trong những hướng đột phá khác của kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. Hoạt động có hiệu quả cao của khu chế xuất đã mở ra một mô hình về khu công nghiệp tập trung trên địa bàn, trở thành trào lưu xây dựng khu chế xuất, khu công nghiệp ở hàng loạt địa phương trong cả nước. Chương trình cổ phần hóa doanh nghiệp được thành phố thí điểm cũng nhanh chóng được khẳng định là một hướng đi đúng, mở ra lối thoát cho con đường tái cơ cấu doanh nghiệp quốc doanh. Rồi việc thực hiện cơ chế thị trường trong phát triển thị trường lao động với các sàn giao dịch việc làm. Đảm bảo an sinh xã hội bằng chương trình xóa đói giảm nghèo. Khởi xướng và thực hiện có hiệu quả các phong trào “đền ơn đáp nghĩa”, “xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, “bảo trợ bệnh nhân nghèo”, “nụ cười cho trẻ thơ”, “phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng”… Thành phố là nơi đi đầu trong việc kiểm nghiệm thực tiễn để các nhà hoạch định chính sách chiến lược cho ra đời đường lối đổi mới toàn diện đất nước.

5. Kết quả đã cân đong đo đếm được. Câu nói “Cùng cả nước, vì cả nước” của Tổng Bí thư Lê Duẩn đã được thành phố Hồ Chí Minh thể hiện xuất sắc. Thành phố Hồ Chí Minh thực sự trở thành đầu tàu cho kinh tế cả nước. Từ năm 2001 đến 2010, GDP thành phố tăng trung bình hơn 11% /năm, bằng 1,2 lần vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và 1,5 lần tốc độ tăng trưởng chung của quốc gia. Từ năm 2011 đến nay, tuy có thấp hơn nhưng GDP vẫn tăng bình quân 9,6%/năm, gấp 1,7 lần mức tăng bình quân của cả nước. Vừa đóng vai trò hạt nhân, vừa đi đầu trong phát triển, thành phố Hồ Chí Minh đóng góp vào tốc độ tăng trưởng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ 47% - 61% và với cả nước là 21,3%. Tổng thu ngân sách nhà nước của thành phố chiếm 26,5% tổng thu ngân sách quốc gia năm 2005 và hiện nay đã tăng lên 30%. GDP đầu người liên tục tăng một cách khá ngoạn mục. Năm 1985 là 586 USD. Năm 2000 tăng lên 2.000 USD. Năm 2011 lên 3.286 USD. Cuối năm 2013 vươn lên mức 4.513 USD. Những con số thật sự ấn tượng.

6. Tôi rẽ vào Tân Cảng lúc 11 giờ trưa. Trời Sài Gòn sau cơn mưa xanh như không tưởng. Cậu lái xe có vẻ ngơ ngác quay sang tôi: Hình như Tân Cảng đâu còn ở đây anh. Em nghe nói nó sắp thành một khu đô thị.

Tôi gật đầu. Vâng! Tôi không đến đây để thăm Tân Cảng. Tôi đến để chứng kiến một khu đô thị đang thành hình. Một khu đô thị trong tương lai sẽ là khu đô thị cao cấp và hiện đại bậc nhất nước. Biến một bến cảng trong lòng thành phố thành một khu dân cư, quyết định ấy chứng tỏ con đường phát triển của thành phố ở những năm giải phóng thứ 40 không chỉ mở ra ở chiều rộng mà đang đi vào chiều sâu. Theo kế hoạch, toàn khu đô thị sẽ hoàn thành vào năm 2017.

Tôi nhìn sang bên kia sông Sài Gòn. Phía ấy là Khu đô thị Thủ Thiêm - một phố Đông của Sài Gòn. Xa hơn nữa là Phú Mỹ Hưng, khu đô thị kiểu mẫu của thành phố Hồ Chí Minh. Tôi phóng tầm mắt ra hướng bờ sông. Nơi đây, chỉ 2 - 3 năm nữa thôi sẽ là nơi trên bến dưới thuyền sầm uất của một khu đô thị, có thể coi là đẹp nhất nước về địa thế. Tự nhiên tôi nhớ đến câu nói của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu: Thành phố Hồ Chí Minh phải đi trước và về đích trước. Sài Gòn - Gia Định, với những người con hào sảng luôn đổi mới của đất Bến Nghé - Đồng Nai, đã hội tụ được chất xám từ mọi miền đất nước. Chưa biết hình hài về đích phía trước thế nào, nhưng thành phố đang vươn mình lên, phấn đấu trở thành một thành phố hiện đại và nhân văn, một thành phố có chất lượng sống tốt - thành phố của con người, cho con người và vì con người.

Tùy bút DƯƠNG TRỌNG DẬT

Tin cùng chuyên mục