Nâng đường chống ngập: Không khả thi

Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư xây dựng hàng hoạt công trình thoát nước, một số lưu vực cơ bản đã giảm ngập. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại hiện nay là khi các tuyến đường chính được nâng cao thì các tuyến đường nhánh, đường hẻm lại ngập nước kéo dài khi mưa và triều cường, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.
Nâng đường chống ngập: Không khả thi

Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư xây dựng hàng hoạt công trình thoát nước, một số lưu vực cơ bản đã giảm ngập. Tuy nhiên, vấn đề tồn tại hiện nay là khi các tuyến đường chính được nâng cao thì các tuyến đường nhánh, đường hẻm lại ngập nước kéo dài khi mưa và triều cường, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân.

Nâng đường chống ngập: Không khả thi ảnh 1

Công trình thi công cải tạo hệ thống thoát nước Hàng Bàng. Ảnh: Cao Thăng

Nâng đường, nhà ngập

Sau khi các tuyến đường như Nguyễn Văn Luông, An Dương Vương, Hậu Giang (quận 6), Lãnh Binh Thăng, Ba Tháng Hai (quận 11), quốc lộ 13, Nguyễn Xí, Ung Văn Khiêm (quận Bình Thạnh)… được nâng cao, thì các khu vực xung quanh và nhất là các tuyến hẻm ngập nặng hơn, sinh hoạt của những hộ dân dọc hai bên đường bị xáo trộn, do nền nhà thấp hơn mặt đường. Anh Trần Văn Quân, nhà trên đường Nguyễn Văn Luông, cho biết: “Sau khi nâng đường, mưa lớn, nước dồn vào các con hẻm rồi tràn vào nhà. Tôi đã hai lần nâng nền nhà cao khoảng 1,2m nhưng nước vẫn tràn vào. Để đối phó, tôi phải xây bức tường chắn nước trước cửa nhà”. Người dân sinh sống dọc đường Nguyễn Văn Luông, An Dương Vương rất bức xúc khi đường nâng cao lên từ 0,6m - 0,8m đã biến các con hẻm thành “ao trũng”. Tình trạng nâng đường chống ngập dẫn đến “đường nổi, nhà chìm” đã xảy ra ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố, làm người dân khốn khổ.

Ngoài ra, thành phố đã cho xây dựng hàng loạt tuyến cống thoát nước trên địa bàn các quận 5, 6, 11, nhưng tình trạng ngập vẫn tiếp tục xảy ra. Nguyên nhân do hệ thống cống chưa được kết nối thông suốt (vì còn 16 tuyến cống chưa được xây dựng). Tuy nhiên, nếu hệ thống cống ở 3 quận trên hoàn chỉnh mà kênh Hàng Bàng không được nạo vét thì sẽ vẫn cứ ngập, vì tất cả các hệ thống thoát nước đều đổ vào tuyến kênh này. Chính vì vậy, để chấm dứt tình trạng ngập tại khu vực trên, thành phố tiến hành nạo vét và xây dựng hai trạm bơm trên tuyến kênh này.

Kênh Hàng Bàng chạy từ Lò Gốm (quận 6) đến kênh Vạn Tượng (quận 5) dài khoảng 1.400m; vào năm 2000, đoạn từ đường Bình Tiên đến Phạm Đình Hổ dài khoảng 600m bị ô nhiễm nghiêm trọng. Khi ấy, giải pháp giảm ô nhiễm là lắp đặt cống hộp. Do buông lỏng quản lý nên người dân xây nhà lấn chiếm, giờ hai bên con kênh chỉ rộng chừng 3m, nằm giữa hai dãy nhà. Theo kế hoạch khai thông lại dòng kênh, kênh Hàng Bàng sẽ được đào rộng 11m như ban đầu, hai bên trồng cây xanh. Như vậy, toàn bộ khu nhà nằm giữa đường Bãi Sậy và Phan Văn Khỏe (chạy song song với kênh Hàng Bàng) có chiều ngang chừng 30m, với gần 950 hộ dân ở dọc hai bên dòng kênh (từ đường Lò Gốm đến Ngô Nhân Tịnh) sẽ giải tỏa trắng. Ngoài đoạn giữa kênh Hàng Bàng khoảng 600m bị lấp vào năm 2000, ở 2 đầu kênh vẫn được mở. Tuy nhiên, phần lòng kênh bị lấn chiếm, hiện rộng chưa tới 2m; nước và rác tù đọng bốc mùi hôi nồng nặc. Ban Quản lý Đầu tư xây dựng công trình giao thông đô thị (chủ đầu tư) được giao khẩn trương lên kế hoạch nạo vét, xây dựng bờ kè, lắp đặt đèn chiếu sáng, trạm bơm, phát triển mảng xanh trên toàn tuyến trong vòng 12 tháng. 

Nhanh chóng khơi thông kênh rạch

Tình trạng ngập úng tại TPHCM có nhiều nguyên do, trong đó nguyên nhân chính là hệ thống cống thoát nước không bảo đảm. Thời gian qua, TPHCM đã đầu tư xây dựng hàng loạt tuyến cống thoát nước chính và nâng cao nhiều tuyến đường. Đường hết ngập, song tình trạng ngập cục bộ lại xuất hiện ở nhiều nơi, mặc dù tại những khu vực đó đã xây dựng hệ thống cống thoát nước. Việc nâng đường để chống ngập ở nhiều khu vực chưa phải là cách giải quyết hiệu quả, vì nước từ chỗ cao chảy sang chỗ thấp, nói cách khác, tình trạng ngập nước chỉ chuyển từ điểm này sang điểm khác. Vậy đâu là giải pháp chống ngập căn cơ?

Theo ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Chống ngập nước TP, những khu vực trên ngập là do triều cường cao, mặt đường thấp hơn mực nước kênh rạch, vì thế nước tràn vào theo hệ thống cống thoát nước. Thời gian qua, Sở Giao thông Vận tải đã nâng các trục đường chính, còn các tuyến hẻm chưa làm. Trong khi đó, nhiều dự án nâng đường chống ngập chưa kết nối được với hệ thống thoát nước của các khu dân cư hiện hữu nên chống ngập được ngoài đường, lại gây ngập trong nhà, trong hẻm. Các chuyên gia về chống ngập cho rằng, chuyện nâng đường chống ngập chỉ là giải pháp tình thế chứ chưa căn cơ. Thậm chí, sau khi nâng đường, nhiều khu vực bị ngập nặng hơn. Về giải pháp, ông Đỗ Tấn Long cho rằng, từ khâu quy hoạch đến thực hiện các công trình hạ tầng giao thông phải được triển khai thật đồng bộ. Muốn vậy, thành phố phải bố trí nguồn vốn cho cả công trình nâng đường lẫn nâng hẻm chứ không thể làm kiểu “da beo” như lâu nay. Để giải quyết tình trạng ngập, cần phải tăng cường nạo vét, thông thoáng dòng chảy và đặt các trạm bơm.

Rõ ràng, tình trạng ngập nước đã khiến đời sống, sinh hoạt của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Dư luận cho rằng, cách làm trên chưa đặt lợi ích người dân lên hàng đầu! Đã có nhiều ý kiến cho rằng việc nâng đường chống ngập là không khả thi, tốn tiền mà hiệu quả giảm ngập thấp. Chưa kể, thiệt hại tiền của người dân bỏ ra nâng nền là con số không hề nhỏ! Vì vậy, để giải quyết triệt để tình trạng ngập liên quan đến việc nâng đường, cần có sự nghiên cứu, phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng từ Sở Giao thông Vận tải, Trung tâm Điều hành chống ngập, UBND các quận, huyện, các khu quản lý giao thông đô thị…

QUỐC HÙNG

Tin cùng chuyên mục