Đã hai tuần trôi qua sau chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, dự án nâng đường Kinh Dương Vương để chống ngập với cách làm khiến người dân bức xúc vẫn chưa có gì thay đổi…
Ngổn ngang
Chạy dọc đường Kinh Dương Vương, đoạn từ mũi tàu Phú Lâm đến vòng xoay An Lạc (quận Bình Tân) dài khoảng 3,5km, mặt đường ngổn ngang. Giữa tim đường là con lươn rộng khoảng 2m, nhiều đoạn xây cao hoặc đổ bê bông cao từ 1 đến 1,5m so với mặt đường hiện hữu. Nền đường nhiều đoạn cũng được nâng cao tương ứng, xen lẫn là rào chắn chia cắt con đường thành nhiều khúc, khiến xe cộ lưu thông rất khó khăn.
Mặt đường chỗ thấp chỗ cao, đất cát vương vãi khắp nơi trông giống như đường đua xe địa hình. Hai bên vỉa hè hàng loạt hố ga, bồn trồng cây xây cao hơn mặt đường cũ 1,2m nằm chỏng chơ không có rào chắn, rất nguy hiểm cho người tham gia lưu thông. Những bức tường xây chắn trước cửa nhà dân vẫn chưa có thay đổi gì so với chỉ đạo của Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cách đây hai tuần là phải hạ thấp độ cao vỉa hè. Hiện tại đơn vị thi công đang tiến hành lu lèn ở những đoạn đường đã nâng cao.
Công trình nâng đường Kinh Dương Vương ngổn ngang do tạm ngưng thi công.
Mấy tháng qua, việc kinh doanh buôn bán của người dân hai bên đường bị trì trệ. Hiện tại, nhiều gia đình có nhà “biến thành hầm” đang tất bật nâng nền. Bà Lâm Thị Thu Hương (chủ nhà số 797 Kinh Dương Vương, phường An Lạc) đã nâng nền nhà lên cao hơn nửa mét, bởi nếu cao nữa đi sẽ đụng trần nhà. Bà Hương cho biết: “Chiều cao căn nhà thiết kế chỉ có hơn 2m. Đường nâng lên hơn cả mét thì cửa nhà mất đi một nửa, nếu không nâng nền sửa cửa thì nhà giống như cái hầm, làm sao buôn bán? Nhà tui nâng rồi còn đỡ chứ nhiều nhà chưa nâng, nước mưa tràn vào nhà. Thiệt hại không biết đâu mà tính…”.
Trước căn nhà số 499, đơn vị thi công xây một ô vuông bằng gạch rộng 2m cao hơn 1m, bít hơn nửa cửa nhà. Chủ nhà cũng đang tất bật nâng nền, bởi: “Mấy trận mưa vừa rồi, nước từ ngoài đường tràn vào nhà ngập đến lưng quần…”.
Người dân nhà ở dọc dự án kể rằng, khi biết con đường trước nhà sắp tới không còn phải lội nước vào mùa mưa, dân rất vui mừng. Nhưng niềm vui chưa tới thì đã... bàng hoàng vì nhà của họ sẽ thấp hơn mặt đường gần 2m khiến cuộc sống đảo lộn.
Ông Thanh, chủ cửa tiệm quảng cáo Lộc Phát, chia sẻ: “Bỗng dưng ra vào nhà phải chui như chui hầm. Từ khi nâng đường thì nhà có xe máy, xe đạp gì phải gửi nhờ bên quán sửa xe đối diện. Trước đây đường này cũng sửa chữa, làm cống hộp rồi mà đường vẫn ngập, giờ làm đường cao lên như vầy, chỉ sợ nước sẽ tràn vào nhà dân hết”.
Chưa thống nhất phương án
Sau buổi kiểm tra việc thi công tắc trách gây ảnh hưởng đến đời sống người dân vào ngày 8-6, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo: “Sở Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp với Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước và các đơn vị liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án giảm thiểu cao độ vỉa hè (có độ dốc tiếp giáp nhà dân phù hợp) kết hợp với xây dựng hệ thống mương dọc theo tuyến đường Kinh Dương Vương, nạo vét kênh rạch, cửa xả và hệ thống đê bao, van ngăn triều, giải quyết dứt điểm tình trạng ngập cho cả khu vực. Việc này phải được thực hiện ngay, khẩn trương và báo cáo cho UBND TPHCM trong thời gian sớm nhất”.
Nhưng đã hai tuần trôi qua, dự án vẫn án binh bất động. Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP cho biết đã yêu cầu đơn vị tư vấn trình phương án điều chỉnh để các cơ quan liên quan phê duyệt.
Theo Công ty TNHH Tư vấn thiết kế B.R (đơn vị tư vấn thiết kế dự án), đơn vị tư vấn đã hạ cốt đường xuống một lần, như thiết kế hiện nay là cao độ tim đường 2.0 và mép đường 1.7, như vậy đường Kinh Dương Vương xấp xỉ mép đỉnh triều (1,68 m). Nếu tiếp tục hạ nữa, trong tương lai, tuyến đường này sẽ bị tái ngập khi đỉnh triều lớn hơn kết hợp với lượng mưa tăng. “Trước yêu cầu giảm độ cao đường Kinh Dương Vương một lần nữa, chúng tôi có 3 phương án hạ thêm từ 10 - 25cm so với thiết kế ban đầu", đơn vị tư vấn thiết kế dự án cho biết.
Các phương án thiên về tăng độ dốc sang hai bên đường và hạ thấp vỉa hè để bớt ảnh hưởng đến nhà dân. Cụ thể, vỉa hè sẽ được hạ thấp tối đa 25cm, mép nhà dân còn 1,45m, người dân không phải nâng nền quá cao như thiết kế ban đầu. Các phương án này vẫn tiềm ẩn khả năng gây ngập khi triều cường vượt đỉnh kết hợp với mưa lớn, đặc biệt phương án hạ thấp vỉa hè sẽ mất thẩm mỹ khi vỉa hè sẽ có 2 bậc.
Hiện đơn vị tư vấn hoàn chỉnh các phương án trình phê duyệt để công trình triển khai trong thời gian sớm nhất. Còn theo Sở GTVT, phương án tốt nhất để giải quyết vấn đề này là làm vỉa hè theo dạng bậc thang, hình thức giống như một số tuyến đường ở phố núi Đà Lạt, mới mong hết ngập (?!).
Chủ tịch UBND TP chỉ đạo ngưng thi công để tìm phương án hạ thấp vỉa hè nhưng đến nay dự án vẫn chưa có động tĩnh gì
Theo chuyên gia giao thông TS Phạm Sanh, tuyến đường Kinh Dương Vương đã hai lần thi công trước đó, nhưng không nắm được số liệu ngập và cao độ bao nhiêu thì hợp lý, nên vẫn cứ ngập nặng. Cống nước trên tuyến đường này đi không tới nơi, một số cống miệng cao lên nên không thoát nước được. Theo ông Sanh, việc nâng đường hiện nay không phải là giải pháp tốt nhất, bởi khi nâng đường lên hơn 1m, nhà người dân hai bên đường cũng nâng theo thì ngập vẫn ngập. Cơ quan chức năng nên tìm ra nguyên nhân thông qua khảo sát cụ thể, cao bao nhiêu là đủ, tại sao đường Kinh Dương Vương đã thi công chống ngập hai lần nhưng vẫn ngập?
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cũng chỉ đạo: “Về lâu dài, dự án (chống ngập ở đường Kinh Dương Vương) phải kết hợp đồng bộ với các dự án rủi ro ngập, dự án giải quyết ngập do triều tại TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), không để lưu vực xảy ra tình trạng tái ngập trong tương lai; giao UBND quận Bình Tân chủ trì nghiên cứu tìm giải pháp giao thông thuận lợi cho người dân, xây dựng chính sách hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án như hỗ trợ cải tạo và nâng cấp công trình nhà ở, hỗ trợ người dân sửa chữa nhỏ, phần tiếp giáp với vỉa hè đảm bảo cho người dân tiếp cận, dẫn xe lên xuống dễ dàng, đảm bảo mỹ quan đô thị”. |
QUỐC HÙNG