Nhiều giải pháp công trình và phi công trình nhằm cải thiện môi trường nước trên địa bàn TPHCM đã được các cơ quan chức năng thực hiện, nhưng hệ thống kênh rạch của TP vẫn đang ô nhiễm nghiêm trọng. Vậy đâu là nguyên nhân của vấn đề này? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Giáo sư Nguyễn Văn Phước, Viện trưởng Viện Môi trường và Tài nguyên, về vấn đề này…
Giáo sư Nguyễn Văn Phước
Mới 7% nước thải được xử lý
* Phóng viên: Ông có thể cho biết nguồn nước kênh rạch trên địa bàn TP đang ô nhiễm ở mức độ thế nào và đâu là nguyên nhân?
* GS Nguyễn Văn Phước: TPHCM đã áp dụng nhiều giải pháp thu gom rác thải, xây dựng một số công trình để xử lý nước thải nhưng những công trình này chỉ mới dừng ở mức thu gom rác thải, tách nước thải ra khỏi nước mưa chứ chưa có biện pháp xử lý triệt để nguồn nước thải ô nhiễm. Hai công trình xử lý nước thải tại Bình Hưng và Nhiêu Lộc - Thị Nghè hiện tại chỉ có khả năng xử lý 7% tổng lượng nước xả thải của TPHCM, số nước thải chưa qua xử lý còn lại vẫn thải ra hệ thống kênh rạch. Ngoài ra, tình trạng xả rác thải xuống kênh rạch vẫn diễn ra khá phổ biến trên diện rộng ở TP. Đây là những nguyên nhân chính khiến chất lượng nguồn nước kênh rạch vẫn tiếp tục ô nhiễm nặng.
* Có nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân của việc ô nhiễm trên xuất phát từ công tác quản lý hệ thống kênh rạch đang bị phân tán cho quá nhiều cơ quan chức năng nên hiệu quả không cao. Ông nhìn nhận về ý kiến này như thế nào?
* Nước chảy theo dòng và sẽ không nằm ổn định trên bất kỳ địa giới hành chính nào. Tương ứng với điều này cho thấy chất thải sẽ di chuyển từ nơi phát sinh và gây ô nhiễm tại nơi khác. Do đó, việc xử lý chất thải, nước thải trên hệ thống kênh rạch nên thực hiện quản lý chung theo lưu vực. Vấn đề thu gom và xử lý nước thải phải được xây dựng và vận hành ở cấp lưu vực. Đặc biệt, trên địa bàn TPHCM chi phí hạ tầng đắt đỏ, việc quản lý theo lưu vực giúp tiết kiệm chi phí đất đai cũng như phát huy tối đa hiệu quả công suất đầu tư hệ thống xử lý chất thải, nước thải. Tuy nhiên, với cách quản lý kênh rạch chia theo địa giới hành chính cứng của từng quận, huyện như hiện nay hoặc cùng một kênh rạch nhưng có 2 - 4 đơn vị cùng thực hiện chức năng vớt rác thì đội ngũ quản lý, trang thiết bị vận hành sẽ bị phân tán và hiệu quả quản lý không cao. Thậm chí, nảy sinh tình trạng “cha chung không ai khóc”.
Dù đã được tuyên truyền nhưng nhiều người dân vẫn vứt rác thải xuống kênh Nhiêu lộc - Thị nghè
Đầu tư hệ thống thu gom và xử lý
* Vậy theo ông đâu là giải pháp phù hợp cho hoạt động quản lý chất lượng nguồn nước trên địa bàn TP?
* Kinh nghiệm từ các nước quản lý chất lượng nguồn nước tốt mà tôi đã nghiên cứu cho thấy, vấn đề quan trọng hàng đầu để cải thiện chất lượng nguồn nước kênh rạch là đầu tư phát triển đầy đủ hệ thống thu gom và xử lý chất thải, nước thải. Tuy nhiên, vấn đề này sẽ khó với điều kiện kinh tế của TP. Như tôi đã nói ở phần trên, hiện toàn TP chỉ mới xử lý được khoảng 7% tổng lượng nước thải ra kênh rạch. Theo quy hoạch của TP, đến năm 2020, lượng nước thải phát sinh trên địa bàn TP sẽ tăng lên 2 triệu mét khối nước thải và đến 2025 là 3 triệu mét khối nước thải. Nếu tính suất đầu tư trung bình của TP hiện nay khoảng 20 triệu đồng/m3 nước thải thì để xử lý 2 triệu mét khối nước thải vào năm 2020, TP phải cần khoảng 40.000 tỷ đồng. Với chi phí này, rõ ràng là một khó khăn với TP. Hiện TPHCM cũng có chủ trương đầu tư theo kiểu công tư nhưng vẫn cần có thời gian nghiên cứu nhiều hơn và đánh giá tác động cũng như khả năng chịu tải của người dân.
* Với những vấn đề ông vừa đưa ra cho thấy chi phí đầu tư để cải thiện chất lượng nước trên địa bàn TPHCM rất nặng nề. Vậy với nội lực hiện tại và cho tương lai dài hơn trong 5-10 năm tới thì những giải pháp nào TP có thể áp dụng được ngay nhằm cải thiện một phần nguồn nước trên địa bàn TP?
* Về ngân sách thì tôi không rành, nhưng về việc đầu tư những hệ thống xử lý nước thải thì nên kêu gọi tư nhân đầu tư sau đó thu lại tiền thuế từ việc xả thải của người dân. Muốn môi trường trong lành thì phải tính nước thải phát sinh ra từ đâu. Đó chính là từ hoạt động sống của con người nên chính người dân cũng phải có trách nhiệm đối với việc xử lý các chất thải của mình. Chính quyền đóng vai trò tổ chức thực hiện, còn toàn dân đóng góp khoản chi phí dịch vụ để giúp cải thiện môi trường nước sạch hơn.
Ngoài ra, cần tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Trong đó, chú trọng đến các đối tượng trong trường mẫu giáo, mầm non, trường học cơ sở. Cách tuyên truyền cũng cần phải thay đổi theo hướng hoạt động ngoại khóa thường xuyên. Ở lứa tuổi nhỏ sẽ dễ dàng thay đổi nhận thức và sau này các em lớn lên sẽ chuyển nhận thức thành hành động. Có như vậy mới tạo được nền tảng bảo vệ môi trường bền vững trong tương lai.
Một vấn đề khác là các cơ quan chức năng cần phải nhìn nhận lại đối tượng xả rác xuống kênh rạch là ai? Trên thực tế, hiện đa số người dân đều nộp tiền thu gom rác nên sẽ không thể là đối tượng vứt rác vào hệ thống kênh rạch. Vậy còn lại là những đối tượng mua bán nhỏ lẻ, không có điều kiện nên đã xả rác xuống kênh. Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng cần khoanh vùng nhóm đối tượng này để tập trung áp dụng giải pháp chế tài hiệu quả. Quan điểm của tôi là cần tạo ra dịch vụ thu gom riêng với những nhóm đối tượng như vậy để khuyến khích họ chấp hành quy định bảo vệ môi trường.
Ái Vân