Nặng gánh ung thư

Bệnh ung thư ngày càng gia tăng trong cộng đồng, có xu hướng trẻ hóa đã và đang trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người, nhiều gia đình. Trước gánh nặng chi phí điều trị, nhiều bệnh nhân ung thư tìm đến các biện pháp điều trị truyền miệng như chế độ thực dưỡng, uống thuốc nam… Song, các chuyên gia khuyến cáo, điều này vô cùng nguy hiểm.
Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM chụp MRI tầm soát ung thư cho người bệnh
Bác sĩ Bệnh viện Ung bướu TPHCM chụp MRI tầm soát ung thư cho người bệnh

Tăng ở người trẻ

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu, trung bình mỗi năm Việt Nam phát hiện thêm 180.000 người mắc ung thư mới, nghĩa là cứ khoảng 100.000 dân thì có 158,6 ca mắc ung thư mới. Ung thư cũng khiến cho khoảng 122.000 người tử vong mỗi năm, trung bình có 105,6 ca tử vong do ung thư trong tổng số 100.000 dân. Các loại ung thư thường gặp là phổi, dạ dày, vú, gan, ruột già… Hiện Việt Nam đứng thứ 91/185 quốc gia về tỷ suất mắc mới và đứng thứ 50/185 quốc gia về tỷ suất tử vong do ung thư. Tổ chức Y tế thế giới dự kiến đến năm 2040, số ca mắc mới ung thư tại Việt Nam tăng khoảng 59,4% (tương đương 291.000 ca), số ca tử vong do ung thư tăng khoảng 70,3% (tương đương 209.000 ca).

Đáng chú ý, trong 3 thập niên trở lại đây, thế giới chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca ung thư ở nhóm người dưới 50 tuổi. TS-BS Lê Huy Hòa, Hội viên Hội Ung thư học Hoa Kỳ, chuyên gia ung bướu - Bệnh viện Quốc tế Minh Anh (TPHCM), cho biết, thông thường, bệnh tật thường phát ở người già nhưng riêng ung thư lại “lội ngược dòng”- tăng ở người trẻ và giảm ở người già. Không ngoại lệ, độ tuổi mắc ung thư tại Việt Nam cũng đang có xu hướng “trẻ hóa”. Nếu như trước đây, các bệnh ung thư gan, phổi, vú thường gặp ở độ tuổi trung niên thì nay đã xuất hiện ở lứa tuổi thanh niên. Chẳng hạn như ung thư dạ dày, gan, vú… trước đây thường gặp ở bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên, nay có những trường hợp 25-30 tuổi đã mắc bệnh. Thậm chí, có những bệnh nhân ung thư trực tràng, dạ dày khi mới chỉ 12, 13 tuổi.

Ung thư hiện đang là nỗi ám ảnh thường trực của rất nhiều người. Tại Việt Nam, khoảng 80% bệnh nhân ung thư được phát hiện ở giai đoạn muộn, khiến việc điều trị tốn kém và ít hiệu quả. GS-TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, nhận xét, gánh nặng bệnh tật do ung thư gây ra tại Việt Nam ước tính đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 1990. Theo thống kê của Bệnh viện K (Hà Nội), chi phí điều trị đối với một bệnh nhân ung thư dao động trung bình trên 176 triệu đồng/năm, trong đó BHYT chi trả khoảng 51,87 triệu đồng (chiếm 29,3% chi phí điều trị). Chi phí điều trị ung thư vẫn là gánh nặng tài chính đối với nhiều người dân Việt Nam. Đây cũng chính là lý do khiến nhiều người bệnh tìm đến các phương pháp điều trị khác ít tốn kém hơn.

Theo Tổ chức Ung thư toàn cầu, năm 2020, Việt Nam có 182.563 người mắc ung thư, với 122.690 người tử vong; tổng số người bệnh sống còn 5 năm (sau chẩn đoán) là 353.826 người. Trong đó, ung thư ở nam giới là 98.916 ca và thường gặp 5 loại ung thư: gan (20,5%), phổi (18,9%), dạ dày (11,2%), ruột già (9,0%), tuyến tiền liệt (6,3%); nữ giới với 83.647 ca, thường gặp 5 loại ung thư: vú (25,8%), phổi (9,1%), ruột già (9,0%), dạ dày (8,2%), gan (7,4%).

Không nên tự điều trị thiếu khoa học

Theo bác sĩ Ngô Xuân Quý, Trưởng khoa Ngoại đầu cổ - Bệnh viện K (Hà Nội), nhiều người bệnh giữ niềm tin vào quan điểm áp dụng thực dưỡng có thể tiêu diệt tế bào ung thư. Đây là suy nghĩ sai lầm, không mang tính khoa học. Đến nay, vẫn chưa có nghiên cứu hay cơ sở khoa học nào chứng minh và công nhận thực dưỡng là một phương pháp điều trị ung thư hữu ích đối với người bệnh. Điển hình mới đây, bệnh viện tiếp nhận một phụ nữ 64 tuổi, khi phát hiện một khối u dưới môi, thay vì đến bệnh viện để điều trị thì người này lại áp dụng chế độ thực dưỡng để ngăn chặn sự phát triển của khối u. Qua nhiều năm ăn thực dưỡng, sức khỏe bệnh nhân ngày càng suy kiệt, tình trạng khối u không thuyên giảm mà ngày càng to. Đến khi không thể ăn uống được, bệnh nhân mới tìm đến bệnh viện để điều trị nhưng lúc này khối u vùng môi, miệng đã chảy máu, mưng mủ, hình thái gây mất thẩm mỹ nghiêm trọng. Kết quả phim chụp cắt lớp cho thấy, khối u vùng môi dưới kích thước lớn, xâm lấn xương hàm dưới, sàn miệng, lưỡi, di căn nhiều hạch cổ hai bên kích thước 2-3cm.

Đã chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân ung thư áp dụng chế độ thực dưỡng, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ, Trưởng khoa Ung bướu - Bệnh viện Thành phố Thủ Đức (TPHCM), cho biết, không ít bệnh nhân ăn gạo lứt muối mè, uống nước lọc với niềm tin rằng tế bào ung thư bị bỏ đói thì sẽ bị tiêu diệt. Tuy nhiên, một thời gian sau, những người này buộc phải đến bệnh viện điều trị bởi tế bào ung thư ngày càng lan rộng, còn cơ thể suy kiệt không chống đỡ nổi. “Tế bào ung thư hút máu, chất dinh dưỡng trong cơ thể bệnh nhân. Dù người bệnh ung thư có ăn thức ăn gì thì chúng vẫn hút chất dinh dưỡng của người bệnh. Các trường hợp áp dụng chế độ ăn thực dưỡng khắc nghiệt (bỏ hoàn toàn thịt, cá, chỉ ăn muối mè) với quan điểm “bỏ đói” tế bào ung thư thì hoàn toàn sai lầm và gây nguy hiểm cho người bệnh, bởi lúc này cơ thể bị suy kiệt, hệ miễn dịch bị tổn thương và suy giảm, từ đó khiến cho tế bào ung thư càng bùng phát và phát triển”, bác sĩ Nguyễn Triệu Vũ khẳng định.

* GS-BS NGUYỄN CHẤN HÙNG, nguyên Chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam: Ung thư - biết sớm để trị lành

Từ năm 2002, Tổ chức Y tế thế giới đã ghi nhận ung thư là gánh nặng mang tính toàn cầu. Kể từ đó đến nay, bệnh ung thư liên tục có sự gia tăng.

Bệnh ung thư là một nhóm bệnh gồm hơn 100 loại, có thể phát sinh ở bất cứ tế bào nào trong cơ thể và đều xuất phát từ các tế bào bất thường tăng trưởng quá đà, lan tràn khắp cơ thể. Các tế bào ung thư phát sinh từ các đột biến gen (các hư hại của phân tử DNA) do phơi trải với một trong các tác nhân có ở môi trường sống (như khói thuốc lá, virus, bức xạ...) sẽ sinh sôi tăng trưởng, lan tràn khắp chốn, hoành hành khắp nơi trong các bộ phận cơ thể. Từ vị trí gốc, các tế bào ung thư đến đè ép và phá hủy các mô lân cận; được sắp xếp theo mức độ từ nhẹ đến nặng theo 4 giai đoạn (giai đoạn 1 được gọi là sớm, với một khối bướu nhỏ, không có xâm lấn hạch lymphô hoặc các mô khác; giai đoạn 2 khu trú; giai đoạn 3 lan tràn tại vùng; giai đoạn 4 lan tràn xa tới các mô hoặc cơ quan khác gọi là ung thư tiến xa hoặc di căn).

Có khoảng 40% các ung thư có thể phòng tránh được nếu phát hiện sớm (ung thư cổ tử cung và vú). Năm 2010, Hiệp hội Phòng chống ung thư quốc tế (UICC) đã phát đi thông điệp: “Có thể phòng ngừa 40% ung thư trên toàn cầu, chủ yếu là tránh xa khói thuốc, giữ nếp sống tốt và phòng tránh các bệnh nhiễm”. Vì vậy, cần tầm soát ung thư, rà tìm biết bệnh thật sớm khi chưa thấy triệu chứng. Đặc biệt, phụ nữ tầm soát ung thư vú và ung thư cổ tử cung; đàn ông chú ý ung thư tuyến tiền liệt từ tuổi 50 (xét nghiệm PSA), nghiện thuốc lá nặng hoặc đã bỏ hút thuốc cần cẩn thận nguy cơ bị ung thư phổi từ 40 tuổi. Cả nam lẫn nữ có nguy cơ cao viêm gan virus B và C, từ 40 tuổi nên kiểm tra gan. Nếu có bệnh sử viêm loét dạ dày thì nên xét nghiệm vi khuẩn H. pylori; từ 50 tuổi, bác sĩ tư vấn kiểm tra ruột già (soi đại - trực tràng).

Có hàng trăm loại ung thư và dấu hiệu phát bệnh cũng khác nhau. Tùy loại ung thư, tùy giai đoạn bệnh mà lựa chọn phương pháp điều trị (phẫu trị, xạ trị, hóa trị, sinh trị)... và phối hợp nhuần nhuyễn các cách trị này. Thực tế, không có phương pháp nào trị được mọi loại ung thư, mà tùy từng loại ung thư các thầy thuốc sẽ kết hợp nhuần nhuyễn các liệu pháp tại chỗ (phẫu trị và xạ trị) và các liệu pháp toàn thân (hóa trị, sinh trị) để “chiến đấu” với căn bệnh này. Vì vậy, ung thư không còn là gánh nặng nếu mọi người chung sức phòng ngừa và kiểm soát bệnh để phát hiện sớm, điều trị sớm.

Tin cùng chuyên mục