Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, nắng nóng tiếp tục xảy ra diện rộng ở Bắc Bộ, Trung Bộ và Nam Bộ với nền nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến 35 - 38 độ C, riêng khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ phổ biến cao nhất 37 - 39 độ C, có nơi trên 39 độ C.
Do ảnh hưởng của vùng áp thấp nóng phía Tây với đới gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn nên ngày 25-4, nắng nóng tiếp tục duy trì ở Bắc Bộ, khu vực Trung Bộ và Nam Bộ với nhiệt độ cao nhất phổ biến 35 - 38 độ C, riêng khu Tây Bắc Bắc Bộ, vùng núi Bắc và Trung Trung Bộ có nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến 38 - 40 độ C, có nơi trên 40 độ C. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 11 - 16 giờ.
Nắng nóng kéo dài từ sáng đến chiều tối
Nắng nóng diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ sẽ giảm dần từ ngày 26-4, các tỉnh Trung Bộ và Nam Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài đến ngày 27 - 28-4. Cấp độ rủi ro thiên tai do nắng nóng là cấp 1.
* Trước tình hình nắng nóng gay gắt kéo dài, nhiệt độ ngoài trời trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nơi cao điểm lên đến hơn 40 độ C. Nắng nóng bắt đầu từ hơn 8 giờ sáng cho đến hơn 17 giờ chiều khiến đời sống, sản xuất, sinh hoạt của người dân trên địa bàn bị ảnh hưởng.
Tại một số địa bàn như ở huyện Can Lộc, Thạch Hà… những ngày này cũng là thời điểm người nông dân bắt đầu bước vào kỳ thu hoạch lúa vụ đông - xuân, vì vậy nắng nóng khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn, vất vả.
Nhằm tránh cái nắng nóng như thiêu đốt ban ngày, nhiều nông dân đã thuê máy móc thu hoạch lúa mùa vào ban đêm khi không khí mát mẻ, dễ chịu hơn, còn buổi ngày họ ở nhà làm các công việc khác và phơi thóc.
Người dân ra đồng thuê máy gặt lúa vào buổi tối để tránh nắng nóng. Ảnh: DƯƠNG QUANG
Nhiều ngày qua do ảnh hưởng của nắng nóng kéo dài, lượng mưa rất ít khiến tình trạng thiếu nước, hạn hán trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có nguy cơ xảy ra, nhất là ở một số địa bàn không chủ động thủy lợi.
Mới đây, tại hội nghị triển khai đề án sản xuất vụ hè thu - mùa năm 2019, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đã đề nghị ngành nông nghiệp, các địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật, chủ động thời vụ ứng phó với biến đổi khí hậu; có giải pháp hạn chế thấp nhất diện tích bỏ hoang; các đơn vị chức năng trên địa bàn điều hành nước cần chủ động vận hành hệ thống tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm, ưu tiên cho nước sinh hoạt và đảm bảo an toàn hồ đập nhưng phải đủ nước tưới cho các diện tích trong kế hoạch. Quan tâm chống hạn cho cây ăn quả...
Nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều hồ đập cạn nước
Đặc biệt, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, trên nền nhiệt độ cao những ngày qua cũng đang làm gia tăng các nguy cơ cháy rừng ở địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Hoàng Quốc Huấn, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương, chủ rừng trên địa bàn đã chủ động triển khai các phương án sẵn sàng ứng phó với các nguy cơ cháy rừng.
Nắng nóng gay gắt kéo dài đang đe dọa nguy cơ cháy rừng
Nắng nóng gay gắt kéo dài đang đe dọa nguy cơ cháy rừng
Theo ông Hoàng Quốc Huấn, tại tỉnh Hà Tĩnh hiện có trên 360.000ha rừng và đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng dễ cháy là gần 120.000ha… Toàn tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai xây dựng các phương án bảo vệ rừng, không chỉ là các chủ rừng của Nhà nước, mà đối với các chủ rừng là hộ gia đình (khoảng 27.000 hộ gia đình/70.000ha) cũng đều đã triển khai xây dựng các phương án phòng cháy chữa cháy rừng; tăng cường lực lượng trực gác cửa rừng, phát hiện sớm, tổ chức huy động các lực lượng cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã, chủ rừng ứng phó khi có chảy rừng xảy ra.
Ngoài ra, mới đây cấp tỉnh cũng đã tăng cường mua mới thêm 35 máy thổi gió chữa cháy rừng (trước đây đã có gần 400 máy), tăng cường thêm gần 1.000 dao chặt phát cho các tổ đội, loa chỉ huy, dựng gần 1.000 biển cấm lửa để cảnh báo tại các khu vực rừng dễ cháy, giảm vật liệu dễ cháy, kiểm soát xử lý thực bì…
Người dân đang lao động vất vả dưới trời nắng nóng ở xã Cẩm Hòa, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh