Ngày ra trường, tôi được tuyển dụng về công tác ở một huyện vùng cao. Nơi mà mưa thì dài lê thê buồn đến não lòng, còn nắng thì oi bức bụi bặm đến ngột ngạt. Thời ấy, kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, đồng lương giáo chức không đủ trang trải cho bản thân chứ nói gì đến chuyện nuôi thêm người này, người nọ. May mà nhà trường đã bố trí chỗ ở cho cán bộ công nhân viên không phải trả tiền chứ không thì chắc chẳng ai bám trụ nổi để làm cái công việc cao quý mà người đời luôn coi trọng là tải đạo văn chương.
Ngoài những mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu được bày trên tem phiếu thì cánh nhà giáo chúng tôi phải tăng gia sản xuất thêm rau màu, vật nuôi để cải thiện bữa ăn hàng ngày. Vườn trường rộng mênh mông, ai có sức cuốc cày bao nhiêu cũng được. Chúng tôi chọn khoai lang, khoai mì là thứ dễ trồng nhất bởi chúng không đòi hỏi người trồng phải có kỹ thuật cao, còn sản lượng khi thu hoạch thì bao giờ cũng đạt hơn mong đợi bởi vì đất Tây Nguyên màu mỡ, tơi xốp rất lý tưởng cho bất cứ loại cây trồng nào.
Ngày đó, mỗi lao động là một xã viên hợp tác xã nông nghiệp. Sáng nghe tiếng kẻng thì vác cuốc ra đồng, trưa chiều nghe tiếng kẻng thì vác cuốc về. Thù lao của họ được tính bằng công điểm, nhận theo phần trăm sản lượng hoa màu thu hoạch được mà luật hợp tác xã quy định. Họ là những thanh niên lực lưỡng, vai u thịt bắp hay những cô gái đang thì phơi phới nét xuân. Họ cũng là những phụ nữ đảm đang, những trung niên khoẻ mạnh luôn tươi cười trước những vất vả, gian lao. Có lần về ngang trường, thấy chúng tôi cuốc cuốc, xới xới bằng những nông cụ thô sơ nhặt nhạnh được đâu đó, họ cười bảo:
- Thầy cô giáo lao động thế này là giỏi lắm rồi, nhưng để dạy được học trò vùng chuyên nông này thì xem ra phải vất vả hơn đấy.
- Phồng rộp cả tay chúng em đây này.
- Phải thôi, tréo cẳng ngỗng khi bắt tay bút thành tay cày.
Ai đó thương hại:
- Thầy cô giáo nghỉ ngơi đi, để chúng tôi cuốc cho.
Họ tiến vào vườn trường, dàn hàng ngang trên mảnh đất chúng tôi vừa dọn sạch cỏ rác:
- Cuốc đi anh em.
- Cuốc thì cuốc…
Mười phút sau đã có năm, bảy chục mét đất được lật lên. Bấy nhiêu thôi còn không có người gieo trồng nữa là. Chúng tôi chạy đi lo trà nước nhưng ai đó đã ngăn lại:
- Ngày mai thầy cô dọn thêm một vuông như vầy nữa, chúng tôi sẽ cuốc giúp. Mà này, thầy cô định trồng gì?
- Dạ, khoai lang, khoai mì.
- Cô thầy ơi là cô thầy. Ở xứ này tuy thiếu gạo thật nhưng có ai ăn chúng đâu. Cô thầy không thấy chúng đứng đầy núi đầy rừng đó ư. Cô thầy muốn ăn sáng mai chúng tôi biếu. Còn đất này nên trồng rau thôi, rau phải vất vả chăm bón, chúng tôi không có thời gian…
Thầy cô giáo chúng tôi đưa mắt nhìn nhau mà chưa biết phải trả lời sao thì được nghe ai đó dặn dò.
- Thầy cô phơi đất một tuần cho chết hết những vi khuẩn độc hại rồi xới tơi ra, lên luống và gieo cải là ăn chắc.
- Dạ, nhưng giống má…
- Cô thầy khỏi lo, sáng mai cháu đi học, đem tới.
- Còn cách gieo trồng, sao ạ?
- Thì bảo học trò chỉ cho.
Mọi người cùng cười, chúng tôi cũng cười. Khi họ đi rồi thì chúng tôi mới thỏa thích bàn tán lao xao về cây trồng, vật nuôi. Cuối cùng thì cây rau cải là cây được chọn và cà dái dê được trồng xen vào hai đầu luống và hai biên. Nam vui sướng lắm bởi đó là món ăn mà Nam yêu thích. Còn chúng tôi ai cũng tâm phục khẩu phục món cải xào tỏi tuyệt chiêu này của thầy. Nước sôi, cho một muỗng muối bọt rồi thả rau cải vào. Khi rau chín vớt ra thả vào thau nước lạnh có vắt miếng chanh. Nước luộc rau thêm chút bột ngọt nêm nếm lại cho vừa ăn, múc ra tô, rắc hành ngò lên là thành món canh. Dùng tóp mỡ rán lại để lấy mỡ (hồi ấy không có dầu thực vật như bây giờ) khi mỡ đã khô và vàng thì vớt ra thả vào chén xì dầu ớt tỏi dùng làm nước chấm. Xào rau trên chảo mỡ ấy, rau chín nhắc xuống, cho tỏi đập dập vào. Đó là món cải xào tỏi ngon nhất mà tôi từng được ăn. Với hương vị cay cay, ngòn ngọt, hăng hăng hòa quyện với miếng tóp mỡ rán béo ngậy thơm lừng, giòn tan đủ để chúng tôi thêm yêu cuộc sống nơi rừng thiêng nước độc này.
Nam bảo:
- Quê mình nghèo lắm, đất đai bạc màu, chỉ có cây rau cải là sống được nên người dân quê rất yêu thích chúng. Bữa cơm ở đó mà không có rau củ, dưa cải thì miếng thịt hay con cá đồng kho mặn cũng nhạt nhẽo, khô khan. Mình biết gieo trồng và lo liệu được tất, kể cả khi cải già rộ phải thu hoạch làm dưa không thì ra ngồng. Ngồng cải xào tỏi cũng ngon nhưng lá rất cứng và nhiều xơ… Mình để lại vài cây lặt trụi lá ăn trước, rồi lấy ngồng xào cho các thầy cô thưởng thức nhé. Yên tâm đi, ngon bất ngờ.
Tuần sau, Nam không có giờ lên lớp, anh lọ mọ vác cuốc ra xới đất. Một tiếng nổ long trời lở đất vang lên, chúng tôi chạy tới nơi cũng là lúc Nam trút hơi thở cuối cùng. Một trái đạn M79 nằm giữa hai lát cuốc của các bác nông dân đã chờ Nam. Chúng tôi khóc, cả làng cùng khóc. Chúng tôi khóc vì mất đi một đồng nghiệp tốt, luôn sống vì mọi người. Cả làng khóc vì vĩnh viễn mất đi một thầy giáo hiền từ, luôn coi học trò như con của mình, hết lòng dạy dỗ, thương yêu.
Lài gục ngã xuống hiên trường như một cây chuối non không chịu nổi cơn cuồng phong, bão táp. Ngất đi, tỉnh lại nhiều lần, ai khuyên nhủ gì cô cũng không nghe. Sau đám tang Nam, Lài xin chuyển về quê và chúng tôi bặt tin nhau từ đó. Vài năm sau chúng tôi cũng mỗi người mỗi ngả, những tưởng cuộc sống ai cũng đã được an bài. Nào ngờ, hôm gặp nhau tại đại hội thầy cô dạy giỏi toàn tỉnh, tôi mới biết Lài đã trở về ngôi trường có kỷ niệm buồn xưa dạy lại. Lài bảo chỉ có cô mới biết Nam không còn ai thân thiết trên cõi đời này, còn cô thì không thể để lương tâm mình bị cắn rứt khi để mồ mả người xưa nhang tàn khói lạnh. Lài không khuấy động những gì vốn đã yên ắng nhưng Lài cũng không thể yêu thêm được ai.
Giữa ồn ào phố thị sao tôi không thấy gì, chỉ thấy mình thật sự bé nhỏ trước một cô gái tuổi mới ngoài đôi mươi, chung thủy, gan dạ, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cao đẹp của mình. Cảm ơn Lài, tôi vừa học được một bài học sâu sắc về tình yêu và cuộc sống.
Lý Thị Minh Châu