Người dân ở hai xã Bàu Cạn và Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bức xúc gửi đơn đến Báo SGGP, phản ánh việc tỉnh này cấp phép cho bà N.N.L. nạo vét suối chống ngập, nhưng thực tế khu vực này không bị ngập. Nhờ giấy phép nhiều năm qua, bà L. thuê người đến khai thác, tận thu cát ồ ạt trên suối, khiến đất trồng cao su của nông trường (dọc theo suối) sạt lở nghiêm trọng, hoa màu của người dân bị lũ cuốn trôi.
Cấp phép 3m, đào hơn chục mét
Với lý do tránh ngập lụt gây thiệt hại kinh tế địa phương, ngày 5-6-2009, UBND huyện Long Thành có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai, đề nghị cho phép bà L. nạo vét suối ở hai xã Bàu Cạn và Phước Bình. Ngày 19-6-2009, UBND tỉnh Đồng Nai có văn bản chấp thuận, với điều kiện bà L. nạo vét ở độ sâu 3m, rộng 4m (mỗi bên cách tim suối 2m). Tuy nhiên trên thực tế nhiều năm qua, bà L. đã cố tình “quên” các điều kiện trên, đưa người và phương tiện vào đào sâu dưới suối hơn 10m và rộng hàng chục mét. Việc khai thác cát ồ ạt, không đúng với giấy phép đã để lại nhiều hậu quả đáng lo ngại.
Hiện đất trồng cao su của Nông trường Thái Hiệp Thành, đất nông nghiệp của dân dọc hai bên suối Cạn thuộc ấp 3, xã Bàu Cạn nhiều đoạn bị sạt lở nghiêm trọng. Có đoạn lở vào hơn chục mét và có nguy cơ tiếp tục bị sạt do có hàm ếch ăn sâu bên dưới. Cạnh những khu đất bị sạt lở, hàng loạt cây cao su bị bật gốc phơi rễ, chết khô. Còn ở suối Cả, xã Phước Bình, người làm thuê của bà L. ngày đêm “xẻ thịt” suối để hút cát khiến dòng suối ngày càng tan nát. Người dân địa phương bức xúc, cho rằng việc tỉnh Đồng Nai cấp phép cho bà L. nạo vét suối nhằm tránh ngập là bất hợp lý. Vì thực tế từ trước đến nay, hai xã Bàu Cạn, Phước Bình và các xã lân cận không hề bị ngập.
Hiện nay, khi lòng suối bị đào sâu và rộng để lấy cát, cây xanh dọc hai bên bờ bật gốc, mưa lớn, nước từ thượng nguồn đổ về chảy như “lũ ống, lũ quét”, cuốn trôi hoa màu, gây thiệt hại lớn cho người dân. Nhiều người dân ở ấp 3, xã Bàu Cạn, bức xúc: “Hiệu quả từ việc nạo vét đâu chưa thấy, nhưng hậu quả phát sinh trước mắt đã rõ! Mỗi lần cán bộ huyện về xã họp, tiếp xúc, lấy ý kiến của dân, chúng tôi đều phản ánh vấn đề này, họ hứa sẽ kiến nghị tỉnh rút giấy phép nhưng đến nay vẫn chưa thấy động tĩnh. Nếu tình trạng này kéo dài, không chỉ đất ruộng, đất trồng cao su, cả đất đồi cũng bị sạt lở. Cuộc sống người dân sẽ rơi vào khốn đốn”. Điều khiến người dân bức xúc hơn, trong văn bản đồng ý cho phép bà L. nạo vét cát trên suối, UBND tỉnh Đồng Nai lại không giới hạn thời gian!
Xem lại việc cấp phép
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Phạm Thanh Bình, Chuyên viên Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Long Thành, khẳng định: bà L. mà người dân phản ánh có tên đầy đủ là Nguyễn Ngọc Lệ. Việc bà Lệ nạo vét cát trên suối được sự cho phép của UBND tỉnh Đồng Nai. Trong thời gian bà Lệ đưa người và phương tiện vào nạo vét suối, phòng thường xuyên theo dõi, kiểm tra nhưng chưa phát hiện sai phạm. Tuy vậy, khi yêu cầu được xem các biên bản được lập ở thời điểm kiểm tra ông Bình loanh quanh: Lần kiểm tra gần đây nhất vào tháng 8-2011, còn từ đó đến nay phòng không kiểm tra. Việc nạo vét suối có ảnh hưởng đến đất đai hai bên suối hay không thì phòng phải tổ chức kiểm tra lại mới biết được. Nếu có sạt lở thì có thể do hai bên suối nền đất yếu, mưa lớn xuống, nước chảy mạnh mới dẫn đến sạt lở.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Bàu Cạn, thừa nhận việc nạo vét cát của bà Lệ đã gây ảnh hưởng đến đất trồng cao su của nông trường và đất nông nghiệp của người dân hai bên suối. Địa phương đã kiểm tra, nhắc nhở và xử lý nhiều lần nhưng chưa ngăn chặn triệt để. Việc nạo vét suối để chống ngập đến thời điểm này cũng không cần thiết. Do đó, xã đã kiến nghị UBND huyện và tỉnh Đồng Nai có biện pháp kiểm tra xử lý và thu hồi văn bản cho phép bà Lệ nạo vét cát trên suối.
Từ thực tế trên, thiết nghĩ UBND tỉnh Đồng Nai và các cơ quan chức năng liên quan cần xem lại việc cấp phép nạo vét suối ở hai xã Bàu Cạn và Phước Bình, tránh việc gây thiệt hại đến người dân.
TUẤN VŨ