Nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp để đón tàu lớn

TPHCM đang ráo riết chuẩn bị cho việc nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp (giai đoạn 2). Sự kiện này có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc phát triển hệ thống cảng biển tại TPHCM sau khi Chính phủ quyết định di dời hệ thống cảng biển hiện hữu trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành thành phố.
Nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp để đón tàu lớn

TPHCM đang ráo riết chuẩn bị cho việc nạo vét luồng tàu biển trên sông Soài Rạp (giai đoạn 2). Sự kiện này có một ý nghĩa vô cùng to lớn trong việc phát triển hệ thống cảng biển tại TPHCM sau khi Chính phủ quyết định di dời hệ thống cảng biển hiện hữu trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành thành phố.

Nạo vét luồng tàu biển Soài Rạp để đón tàu lớn ảnh 1

Sơ đồ luồng Soài Rạp

Hệ thống cảng biển hiện hữu trên sông Sài Gòn hình thành cách nay đã hơn 100 năm. Lúc ấy, sông Lòng Tàu với độ sâu luồng toàn tuyến đạt xấp xỉ 8m, nên được người Pháp chọn làm luồng tàu biển chính cho hệ thống cảng này.

Với độ sâu ấy, luồng Lòng Tàu đang đón tàu 20.000 DWT đầy tải và tàu 30.000 DWT (DWT là trọng tải toàn phần của tàu) vơi tải ra, vào. Sông Soài Rạp - một dòng sông khác cũng từ TPHCM thông ra biển tương tự Lòng Tàu, có chiều rộng rất lớn nhưng do có một số điểm cạn vào khoảng 5,1 - 6,6m nên đành nhường luồng tàu biển chính của hệ thống cảng trên sông Sài Gòn cho Lòng Tàu.

Tuy nhiên, với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ của TPHCM, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng cao, hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn và ngay cả luồng Lòng Tàu đã trở nên quá tải. Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông Vận tải cùng các ban ngành liên quan lập quy hoạch di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành và lập một quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển mới cho toàn bộ khu vực TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai.

Quy hoạch mới này đã tính đến việc đưa một phần cảng Sài Gòn ra Hiệp Phước (huyện Nhà Bè) và hình thành ở đây một cụm cảng biển nước sâu cho TPHCM. Trong bối cảnh mới, sông Soài Rạp chảy qua Khu công nghiệp Hiệp Phước - nơi sẽ xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, đã được chọn làm luồng tàu biển chính cho hệ thống cảng ở Hiệp Phước.

Sự chọn lựa này không chỉ phù hợp về mặt địa lý mà những nghiên cứu của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Port Coast) - tư vấn lập quy hoạch di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn còn cho thấy, nếu được nạo vét hợp lý ở vài điểm cạn, sông Soài Rạp sẽ có đầy đủ điều kiện để trở thành luồng tàu biển chính cho TPHCM. Port Coast khẳng định: Luồng Soài Rạp có rất ít biến đổi về mặt hình thái, các đoạn sâu càng ra biển càng rộng hơn và đặc biệt rất ít bồi lắng.

Khẳng định này đã được kiểm nghiệm trong thực tế bằng việc năm 1999, Cục Hàng Hải Việt Nam đã cho thả phao dọc theo luồng Soài Rạp cho cỡ tàu 5.000 DWT đầy tải ra, vào và cho đến nay chưa hề có sự cố xảy ra. Năm 2007, nạo vét thử nghiệm đợt 1 đến độ sâu âm 7,0m, qua 1 năm quan trắc cho thấy mức độ sa bồi trở lại là rất ít (chỗ nhiều nhất chỉ 25 – 30cm).

Thành công bước đầu đã là cơ sở cho TPHCM quyết định nạo vét luồng Soài Rạp giai đoạn 2. Theo thiết kế của Port Coast, luồng Soài Rạp có thể nạo vét đến độ sâu âm 12m (tương đương với luồng Thị Vải, thực hiện bằng vốn ODA Nhật Bản). Tuy nhiên, việc nạo vét luồng Soài Rạp sẽ vẫn được tiến hành từng bước, phù hợp với tiến trình đầu tư phát triển khu đô thị cảng Hiệp Phước.

Sắp tới, luồng sẽ được nạo vét xuống âm 9,5m để có thể đón tàu 30.000 DWT đầy tải và 50.000 DWT vơi tải, lợi dụng triều ra, vào. Hiện nay ở khu vực Hiệp Phước đã bắt đầu hình thành hệ thống cảng biển mới. Các doanh nghiệp cảng trong nước có Cảng Sài Gòn và đại diện cho các cảng nước ngoài là Dubai World – tập đoàn cảng biển lớn thứ 2 trên thế giới đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập.

Tất cả  doanh nghiệp này đều có chung một khẳng định về sự thành công của luồng tàu biển Soài Rạp. Chính vì vậy, nếu không có gì thay đổi, cuối tháng 4-2009, TPHCM sẽ bắt đầu nạo vét Soài Rạp để đón tàu biển lớn ra, vào.

Nguyễn Khoa

Tin cùng chuyên mục